Nông dân Nhân Nghĩa bám ruộng làm giàu

Khoảng mười năm trở lại đây, câu chuyện tự tạo nguồn vốn cho nhau vay để phát triển kinh tế gia đình của nông dân xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam được duy trì và phát huy hiệu quả. Không chỉ góp phần mang lại những mùa vàng bội thu và hơn thế, nó đã trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng dân cư, phát huy sức mạnh cộng đồng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

BÀI DỰ THI "TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI''

Nông dân xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân (Hà Nam) chăm sóc dưa bao tử xuất khẩu.

Nông dân xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân (Hà Nam) chăm sóc dưa bao tử xuất khẩu.

Bám ruộng làm giàu

Trong khi một số nơi trong cả nước đang có tình trạng nông dân xin trả lại ruộng đất cho Nhà nước do thu nhập từ làm nông nghiệp không cao, thì người dân Nhân Nghĩa lại khá yên tâm bám ruộng, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Về Nhân Nghĩa những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí nhộn nhịp, tấp nập thu hoạch rau màu của người dân. Những cánh đồng bắp cải, bí đỏ, bí xanh, dưa bao tử xuất khẩu, dưa chuột... trải dài, xanh ngút mắt. Từng đoàn ô-tô, xe máy, xe thồ, tấp nập đi lại trên con đường liên huyện vận chuyển rau màu từ Nhân Nghĩa đi các tỉnh, thành phố để tiêu thụ. Chủ nhiệm HTX dịch vụ Nông nghiệp Đinh Viết Cương phấn khởi tiết lộ với chúng tôi: Ở đây bà con quanh năm gieo trồng, bốn mùa thu hoạch. Nhà nào ở xã tôi cũng sắm két sắt hết rồi. Cả xã có đến vài chục ô-tô, xe đẹp để đi chơi và nhiều xe tải vận chuyển nông sản. Ông Cương cho biết thêm: Trước đây, đời sống của người dân Nhân Nghĩa gặp nhiều khó khăn, nông dân chủ yếu trồng lúa, việc tiếp thu kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, cộng thêm nguồn vốn đầu tư cho sản xuất cũng không được nhiều cho nên năng suất thấp. Nhưng khoảng mười năm trở lại đây, xuất phát từ nhu cầu thoát nghèo bền vững, nông dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hệ số sử dụng đất để nâng cao giá trị kinh tế. Ông Cương nhẩm tính nhanh: Nếu được mùa, được giá thì mỗi gia đình nông dân cũng thu lãi được từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã xây được nhà hai, ba tầng, sắm sửa đầy đủ tiện nghi, nuôi các con ăn học đều nhờ thu nhập từ ruộng vườn.

Là xã thuần nông có 11 thôn với 5.700 nhân khẩu, bình quân đất sản xuất của người dân xã Nhân Nghĩa vào khoảng 650 m 2 /khẩu. Tận dụng lợi thế đất bãi màu mỡ được bồi đắp từ hai con sông Châu Giang và sông Long Xuyên, thích hợp cho cả trồng lúa và trồng màu, từ nhiều năm nay, người dân Nhân Nghĩa đã chọn được các loại cây hàng hóa ngắn ngày, cho hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất ba vụ, thậm chí tới năm vụ/ năm, giúp nông dân có nguồn thu nhập khá bền vững. Ở Nhân Nghĩa, tỷ lệ quay vòng đất luôn đạt cao nhất. Người nông dân có kinh nghiệm tính toán để tận dụng từng ngày cho sự sinh trưởng và phát triển của mỗi loại cây trồng mà "thâm canh gối vụ" không cho đất nghỉ.

Trước đây, khi mới lập gia đình, kinh tế gia đình anh Nguyễn Thành Tâm, thôn Đức Nội hết sức khó khăn, nhờ chăm chỉ làm ăn mà giờ đây gia đình anh Tâm đã có của ăn, của để, không chỉ nuôi hai con tốt nghiệp đại học, một người em bị tàn tật mà còn xây dựng được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Anh Tâm cho biết: Thu nhập chính của gia đình tôi là từ hơn một mẫu đất ruộng, chủ yếu là từ trồng cây vụ đông vì các loại cây trồng trong vụ này cho giá trị kinh tế cao gấp 6 đến 7 lần trồng lúa hai vụ. Riêng vụ đông năm nay, trừ chi phí, tôi lãi khoảng 40 triệu đồng. Ngoài những cây trồng đúng vụ, gia đình tôi còn trồng những cây trồng trái vụ, giá cao hơn rất nhiều lần.

"Ngân hàng nông dân" - sự gắn kết cộng đồng

Theo lời giới thiệu, chúng tôi gặp Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Mạnh Hiệp. Trong câu chuyện, anh Hiệp say sưa nói về chuyện làm ăn của nông dân xã mình, anh tâm đắc nhất là việc tự giúp nhau vốn liếng. Ở cương vị của mình, anh Hiệp luôn thấu hiểu việc sản xuất phải gắn liền với tiêu thụ sản phẩm cho nên từ nhiều năm nay anh đã đứng ra bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông dân. Xác định việc bao tiêu sản phẩm cũng cần sự gắn kết và xuất phát từ nhu cầu cần tiền theo thời vụ của bà con, cho nên gia đình anh cũng trở thành một "ngân hàng nhỏ" để đối ứng vốn cho bà con khi họ cần. Đơn cử như khi các hộ dân cần tiền đầu tư giống, vốn cho kịp thời vụ, thậm chí là cho con em học hành, anh Hiệp cũng sẵn lòng giúp đỡ, rồi đến mùa vụ thu hoạch có thể trừ vào tiền bán các sản phẩm cho anh. Nếu chẳng may mất mùa thì vụ sau anh mới tính toán với bà con, toàn người trong làng, ngoài xã cả chứ đi đâu mà thiệt. Đặc điểm ở Nhân Nghĩa là quy mô không lớn, hầu hết các gia đình đều cần vốn để đầu tư theo thời vụ vào sản xuất và chăn nuôi, nếu gia đình nào không có tiền để đầu tư thì đều có thể nhận được sự giúp đỡ kịp thời của một vài hộ có điều kiện kinh tế hơn... Được biết, cũng không riêng gì gia đình anh Hiệp có kiểu "cam kết bất thành văn" đó với bà con. Nhưng để cái "cam kết bất thành văn" đó tồn tại bao năm nay ở Nhân Nghĩa là nhờ cả hai bên đều có trách nhiệm với khoản vay của mình. Với người vay thì luôn có ý thức nâng cao chất lượng vật nuôi, cây trồng của gia đình mình. Còn với người cho vay thì giữ nguyên thỏa thuận lãi vay ban đầu (lãi suất luôn ở mức phù hợp)... Ở Nhân Nghĩa không chỉ các chủ thu mua như anh Hiệp mới cho bà con vay tiền mà ngay những hộ nông dân với nhau cũng cho nhau vay tiền một cách vô tư chỉ bằng chữ tín. Thậm chí nhiều người còn không tính lãi vì muốn giúp đỡ nhau.

Nhiều hộ gia đình ở Nhân Nghĩa giờ đã có của ăn, của để cũng nhờ có vốn đầu tư cho ruộng vườn, chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài mà nguồn vốn chính là từ những "ngân hàng nông dân". Trong khi nhiều địa phương đang rộ lên câu chuyện về "tín dụng đen" thì ở Nhân Nghĩa, những "ngân hàng nông dân" vẫn "vận hành" đều đều với hoạt động vay - trả vốn được duy trì từ hàng chục năm nay. Xuất phát từ việc giúp nhau làm giàu chính đáng, người dân Nhân Nghĩa đã khẳng định được uy tín và trách nhiệm của mình với cộng đồng dân cư; biết phát huy sức mạnh cộng đồng để phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: ĐÀO PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/item/23077602-nong-dan-nhan-nghia-bam-ruong-lam-giau.html