Nông dân Nhật Tân, Tứ Liên tất bật chuẩn bị hoa vụ Tết
Những ngày cuối năm 2024, trên cánh đồng trồng đào và quất ở Nhật Tân và Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội), những người nông dân hối hả chăm sóc cây, chuẩn bị cây, hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, dù trước đó, cơn bão số 3 gây tổn thất nặng nề cho các hộ trồng đào, quất.
Chiều một ngày đầu tháng 12, vừa khom người tuốt lá, cắt mắt để kích thích đào nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, bà Hoa, 65 tuổi, ở Nhật Tân vừa với người sang nói chuyện với hàng xóm vườn bên cạnh. Năm nay vườn bà Hoa trồng hơn 1000 cây đào cành và đào thế, nhưng mất hơn một nửa.
"Dù sao mình vẫn may mắn vì còn được ở đây làm những công việc mọi năm vẫn làm. Lúc mưa bão, nước dâng, tôi tưởng năm nay mất trắng'', bà Hoa nói với hàng xóm.
Hầu hết những cây đào cành bà Hoa trồng ở nửa cuối vườn đều bị chết do mưa lũ. Lúc nước dâng, nhà bà huy động hàng chục người chạy đua để khuân được những chậu đào thế lên phía cao hơn. Cây vẫn xanh lá, ông bà ra thăm hàng ngày, tưới tắm, chăm tỉa chút một, hy vọng sống bền.
Sau bão, thời tiết Hà Nội có nắng ấm, những cây đào vượt được trận cuồng phong vươn mình mạnh mẽ. "Những ngày cuối năm, mỗi ngày tôi thuê thêm khoảng 5-7 nhân công để phụ tuốt lá, đưa đào lên chậu. Dù số tiền thu từ vụ đào năm nay không đủ bù chi phí, nhưng tôi thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều chủ vườn bị mất trắng'', bà nói.
Những ngày này, ông Trần Tuấn Việt, chủ vườn đào Tuấn Việt cũng bận rộn đốc thúc người làm công đánh đào lên chậu và tiếp khách xa gần ghé vườn thăm, đặt mua đào Tết. Là chủ vườn đào rộng 2 mẫu, ông Việt phải thuê khoảng 20 nhân công mỗi ngày để tuốt lá, cắt mắt...
"Năm nay thiệt hại do bão khá lớn, cho nên không khí sản xuất trầm lắng hơn, nhưng bà con vẫn cần mẫn chăm chút cho cây kịp vào Tết", ông Việt nói.
Là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề trồng đào Nhật Tân, ông Việt cho biết, năm nay, nhiều gia đình mất trắng do mưa bão, có nhà phải mang sổ đỏ để vay tiền ngân hàng trả nợ.
Nhưng làm nông dân, họ chấp nhận những rủi ro thời tiết, cố gắng bảo bọc, động viên nhau vượt qua một năm khó khăn. Lượng đào bán ra thị trường năm nay ít hơn mọi năm, nên các nhà vườn liên kết với nhau tuyển chọn những cây đào đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của khách đặt mua.
"Phải đến giữa tháng 12 mới biết đào phục vụ vụ Tết thừa, thiếu thế nào. Tuy nhiên, người trồng đào Nhật Tân vẫn sẽ cố gắng có đào nở đẹp, đúng dịp Tết phục vụ khách gần xa'', ông Việt nói.
Ở làng quất Tứ Liên, màu nâu xám ảm đạm của những cây quất chết vì ngập nước những ngày sau bão Yagi cũng đã được thay bằng màu xanh của lá, lẫn màu hoe vàng của quả quất đợi chín.
Vừa tỉa cành, ông Phạm Duy Thắng, 57 tuổi, chủ 15 sào trồng quất bonsai ở Tứ Liên, vừa mỉm cười ngắm thành quả. Những cây quất cao lớn, thế đẹp, sum suê trái bắt đầu có khách đặt mua. Các cây đẹp nhất đã được gia đình ông chuyển lên vườn trước để thu hút khách đến thăm.
Dịp này, ông Thắng thuê từ 2-10 nhân công chăm sóc, gò để tạo thế cho quất, kịp vào vụ Tết. "Nhìn không khí rộn rã dịp cuối năm nay, suýt quên năm nay bão gây thiệt hại lớn", ông Thắng nói.
40 năm trồng quất trên đất Tứ Liên, ông Thắng trải qua không ít trận ngập lụt làm hư hại cây cảnh, rau màu của nông dân vùng này. Ông thấy ngoài trận lụt năm 1986, Yagi gây tổn thất nặng nề nhất. '' Làm nông dân, việc mất mùa do thời tiết là khó tránh. Sau mưa bão, bà con lại làm lại. Tết năm nào quất Tứ Liên cũng chín đỏ cây", ông nói.
Bên cạnh những nhà vườn bám trụ với cây đào, cây quất, một số nhà vườn chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày như hoa cúc, su hào để có thu dịp cuối năm.
Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ cũng khuyến khích người dân dọn dẹp, cải tạo đất canh tác và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Người dân phường Phú Thượng được hướng dẫn trồng các loại hoa ngắn ngày như hoa dơn, loa kèn, hoa cúc... để bán vụ Tết. Nông dân phường Nhật Tân trồng hoa cúc. Ở phường Tứ Liên và khu vực bãi giữa sông Hồng chuyển sang trồng các loại rau màu và cây dược liệu.
Ông Sử, chủ một vườn đào 300 gốc đã chết khô chuyển sang trồng su hào và hoa cúc, hy vọng có khoản tiền trong dịp Tết. ''Những loại rau và hoa này cho thu nhập không cao, nhưng là giải pháp tình thế có thể làm ngay lúc này, khi những cây đào vừa trồng lại muốn bán được phải mất vài ba năm'', ông nói, tay cặm cụi xới đất, tưới nước cho rau.