Nông dân Ninh Bình hướng tới sản xuất an toàn, bền vững
Đề án 'Nông dân nói không với thực phẩm bẩn' do Hội Nông dân tỉnh triển khai từ năm 2016 với hàng trăm mô hình, không chỉ thay đổi nhận thức của người nông dân về thực phẩm an toàn mà còn giúp hội viên tăng thu nhập, phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Đặc biệt, việc triển khai thành công Đề án còn thể hiện tầm nhìn và ý chí của các cấp Hội Nông dân từ nhiều thế hệ trở về trước.
Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ xanh (xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh) bắt đầu sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2013. Công ty hiện có 11 ha trồng các loại rau, củ, quả theo hướng công nghệ cao.
Thực hiện Đề án "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn", những năm qua, Hội Nông dân tỉnh luôn là "người bạn" đồng hành cùng Công ty theo đuổi lý tưởng về nông nghiệp sạch, nông sản an toàn. Khởi đầu chỉ bằng những buổi gặp gỡ, trao đổi về an toàn thực phẩm, về nông nghiệp xanh, sạch, đến năm 2020, cả hai đơn vị chính thức gắn kết bằng việc hỗ trợ hệ thống tưới nước tự động, qua đó giúp hoàn thiện quy trình sản xuất rau, củ, quả sạch, khép kín của Công ty.
Chị Lê Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ xanh cho biết thêm: Các cấp hội nông dân cũng hỗ trợ chúng tôi trong việc dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản, nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm rau, quả an toàn, tạo được niềm tin đến khách hàng. Hội còn là cầu nối đưa các sản phẩm của Công ty đến gần hơn với khách hàng.
Nhờ sự đồng hành của Hội Nông dân tỉnh, các sản phẩm nông sản của Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ xanh đã dần có được vị trí trên thị trường, khẳng định chất lượng nông sản sạch đối với người tiêu dùng. Đây cũng là lý tưởng của chúng tôi, đem những nông sản tươi, ngon, sạch đến với người tiêu dùng Việt.
Một mô hình khác được Hội nông dân các cấp triển khai nhằm cụ thể Đề án "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn" chính là mô hình Cửa hàng nông sản an toàn. Với sự ra đời cửa hàng nông sản an toàn đầu tiên từ tháng 7/2017, đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã hướng dẫn, tư vấn thành lập 23 cửa hàng nông sản an toàn. Qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm an toàn của nông dân trong và ngoài tỉnh, đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn.
Anh Nguyễn Ngọc Tiên, chủ Cửa hàng nông sản an toàn sông Vân cho biết: Cửa hàng nông sản an toàn của chúng tôi là đơn vị đầu tiên được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng. Các sản phẩm bày bán tại cửa hàng đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã được cơ quan chức năng kiểm định, chứng nhận an toàn; đây đều là các sản phẩm của các HTX, người nông dân trong và ngoài tỉnh. Đến tháng 6/2021, do nhận thấy nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, chúng tôi đã mở thêm cửa hàng thứ hai. Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi cung cấp khoảng 2 tạ rau, củ, quả an toàn đến người tiêu dùng của thành phố Ninh Bình.
Mô hình cửa hàng nông sản an toàn được Hội Nông dân triển khai trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả Đề án "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn", các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và những kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân về vệ sinh an toàn thực phẩm, về phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.
Triển khai xây dựng gần 500 mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, đặc biệt là mô hình cửa hàng nông sản an toàn và thành lập Câu lạc bộ nông sản an toàn với 60 thành viên tham gia đều là chủ cửa hàng nông sản an toàn, chủ trang trại, gia trại, chủ cơ sở giết mổ, chế biến an toàn nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng các mô hình điển hình sản xuất an toàn như: Mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh; mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan; mô hình sản xuất mắm tép an toàn cho 3 hộ gia đình tại thị trấn Me, huyện Gia Viễn; mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ...
Các hộ nông dân tham gia mô hình được tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, được Hội Nông dân và cơ quan chức năng tư vấn, hướng dẫn thủ tục để công nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, công bố sản phẩm phù hợp quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ vay vốn… Các mô hình cấp tỉnh còn được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ một phần nguyên liệu, vật tư, máy móc.
Bên cạnh việc xây dựng mô hình, Hội Nông dân các cấp đã chú trọng tập huấn, hướng dẫn nông dân lựa chọn, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi có trong danh mục được phép sử dụng, cách thức bảo quản thực phẩm, phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm; tổ chức các lớp dạy nghề nông nghiệp về chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản cho nông dân; vận động thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên ngành sản xuất thực phẩm an toàn.
Đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ thêm: Chủ trương về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp an toàn không chỉ mới xuất hiện mà đã được định hướng trong các cấp Hội Nông dân tỉnh từ rất sớm. Khởi đầu từ năm 1992, sau khi tái lập tỉnh, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ nhất đã xác định chủ đề: Tập hợp, đoàn kết nông dân, phát triển nông nghiệp hàng hóa, toàn diện, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Ninh Bình giàu đẹp.
Ngay từ thời kỳ đó, Hội Nông dân tỉnh đã xác định các sản phẩm nông nghiệp là sản phẩm hàng hóa, cần đáp ứng được yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng; cho đến giai đoạn 2003- 2008, cùng với vận động hội viên nông dân đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhiều mô hình nông nghiệp đã được các cấp Hội trong tỉnh triển khai như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Khánh Trung (Yên Khánh), xã Quảng Lạc (Nho Quan)...
Đến năm 2013 là dự án sản xuất rau an toàn tại xã Mai Sơn (huyện Yên Mô) và xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp), cùng nhiều mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm được Hội Nông dân các cấp trong tỉnh triển khai, góp phần xây dựng nông nghiệp tỉnh ta theo hướng an toàn, bền vững.