Nông dân Quảng Ninh kiếm tiền tỷ từ mô hình nông nghiệp xanh
Mỗi năm gia đình anh Trần Mạnh Đại (40 tuổi) lãi 800 đến 1 tỷ đồng nhờ mô hình nông nghiệp với nhiều chủng loại cây trồng vật nuôi.
Dùng phân hữu cơ để bón cho cam, quýt
Anh Trần Mạnh Đại, thôn 10/10 xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được biết đến là nông dân dám nghĩ dám làm, luôn tìm cho mình hướng đi mới để phát triển kinh tế nông nghiệp.
Năm 2013, anh Đại mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng trang trại rộng 5ha, trong đó 4h được trồng cam, quýt, bưởi. Diện tích còn lại trồng thanh long, nuôi lợn rừng, gà thả đồi, quy hoạch ao cá.
Hiện, trang trại của gia đình anh có 3000 cây cam, quýt với các giống cam giấy bản địa, cam V2, cam lòng vàng, quýt Nhật… Tất cả đều cho năng suất cao.
Cam quýt trồng quanh năm, thời gian thu hoạch từ giữa tháng 10 âm năm trước đến tháng 4 âm năm sau. Giá quýt tại vườn 30.000 – 45.000 đồng/kg. Mỗi năm gia đình anh Đại bán được 8 - 10 tấn cam quýt, thu được hơn 300 triệu đồng.
Anh Đại cho biết, 4 năm đầu trồng quýt, anh sử dụng phân hóa học để bón cho cây. Đến năm 2017, nhận thấy việc sử dụng phân hóa học ảnh hưởng không tốt đối với môi trường đất, khiến đất chai cứng bạc màu và nhanh tàn cây, anh quyết định chuyển hẳn sang dùng phân hữu cơ.
Anh Đại lấy nguồn phân chuồng từ chăn nuôi gia súc gia cầm tại trang trại, đặc biệt chế tạo phân hữu cơ vi sinh từ đạm cá và đậu nành. Mỗi tuần anh thu mua vài tạ các loại cá lạp sạp hoặc ruột hàu hỏng từ chợ đầu mối, mang về ngâm làm mắm lấy nước tưới cây.
Đậu tương được nghiền thành bột, ngâm rồi hòa với đạm cá tươi làm vi sinh. Ngoài 30 phi ngâm đạm cá và đậu nành hiện có, anh Đại mua thêm phân vi sinh nhập khẩu để canh tác.
“Không sử dụng thuốc bảo quản thực vật nên lúc mới áp dụng phân hữu cơ vi sinh, cũng rất sợ sâu ăn. Lâu dần cây sinh ra tự kháng, tự phát triển cho quả đẹp mà không cần phun thuốc”, anh Đại nói.
Việc áp dụng chăm bón bằng phân hữu cơ vi sinh sẽ giúp tận dụng được chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường đất, mang đến chất lượng an toàn cho trái. Không sử dụng chất bảo quản, cây phát triển tự nhiên nên thương hiệu “quýt sạch Đại Lý” của gia đình anh Đại được nhiều người biết đến.
Tận dụng tối đa nhờ mô hình vườn - ao - chuồng
Với kinh nghiệm lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa học hỏi thêm trong các hội nhóm kinh doanh, anh Đại tiếp tục mở rộng thêm bằng cách khai thác quỹ đất 1ha còn lại để nuôi lợn rừng, gà ri Tiên Yên và làm ao cá. Việc áp dụng mô hình vườn - ao - chuồng giúp tận dụng tối đa chất thải tự nhiên làm phân bón cho cây và nguồn thức ăn chéo.
Từ năm 2019, anh Đại triển khai thêm mô hình nuôi lợn rừng, tự lai giống lợn rừng và lợn Móng Cái, sử dụng rau chuối, ngô và bã bia làm thức ăn chăn nuôi. Giống lợn rừng lông đen hơi loang vàng, con nhỏ khoảng 40 – 50 kg/con, lợn lai con to hơn 80 – 90 kg/ con.
Giá bán hơi 180.000 đồng/kg lợn rừng, 150.000 đồng/kg lợn lai rừng, thu về 6 triệu – 10 triệu/con. Mỗi năm anh Đại xuất chuồng 3 ổ hơn 20 con, thu lãi hơn 120 triệu.
Ngoài lợn rừng, anh Đại nuôi thêm hơn 20 con bò rừng, chăn chia với dân trong rừng cách trang trại hơn 20 km. Bò chăn thả tự nhiên nên chắc thịt, thơm ngon, được nhiều người đặt trước. Mỗi con bò bán được giá 17 – 20 triệu đồng, giúp anh Đại thu được hơn 100 triệu mỗi năm từ nuôi bò rừng.
Để tận dụng thêm phân hữu cơ từ gia cầm, anh Đại quy hoạch thêm diện tích nuôi gà ri Tiên Yên với hơn 300 con. Gà ri thả đồi, nuôi 5 – 6 tháng bắt đầu đẻ và bán thịt. Mỗi kg gà ri giá 180.000 đồng, hàng năm thu về cho gia đình anh hơn 50 triệu.
Để mở rộng thêm hoạt động trải nghiệm thu hút khách du lịch, từ năm 2020, anh Đại dành 800m2 đất quy hoạch ao cá. Xung quanh ao được đầu tư xây dựng cầu dẫn, hàng rào, cảnh quan độc đáo, có cả khu checkin chụp ảnh cho khách.
Với số lượng giống khoảng 1 – 2 tấn cá, đa dạng chủng loại (cá chim, cá trắm đen, cá quả, rô phi…), trang trại của anh thu hút rất đông khách đến mua cá, câu cá và nướng tại ao dịp cuối tuần.
“Hiện nay song song với việc nuôi trồng phát triển kinh tế, gia đình tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm. Dự định cuối năm 2023, tôi sẽ đầu tư thêm mô hình nuôi dê, công, chim trĩ và xây dựng các hạng mục vui chơi đón khách trẻ em”, anh Đại nói.
Việc đa dạng hóa các loại hình chăn nuôi trồng trọt bằng phương pháp nông nghiệp hữu cơ cho năng suất cao giúp anh Đại có nguồn lợi nhuận ổn định 800 đến 1 tỷ đồng mỗi năm, có điều kiện để đầu tư các hạng mục mở rộng trang trại.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Chủ tịch UBND xã Vạn Yên cho biết, anh Trần Mạnh Đại là một nông dân trẻ mạnh dạn, quyết liệt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình nông nghiệp xanh của anh Đại là mô hình 100% sử dụng phân hữu cơ đầu tiên và duy nhất áp dụng cho diện tích canh tác lớn tại xã Vạn Yên.