Nông dân Quỳnh Nhai bứt phá thoát nghèo

Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề, xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, vận động hội viên tham gia mô hình thức kinh tế tập thể của Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Nông dân Quỳnh Nhai trồng cây ăn quả trên đất dốc.

Nông dân Quỳnh Nhai trồng cây ăn quả trên đất dốc.

Ông Nguyễn Bá Vinh, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Hội Nông dân huyện có 9.781 hội viên, sinh hoạt tại 109 chi hội. Hội có 2.030 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Hội luôn tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là các chính sách hỗ trợ về vốn, giống. Từ đầu năm đến nay, Hội đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 2.043 hộ vay vốn, với số tiền hơn 98,4 tỷ đồng; quản lý hơn 5,7 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân; phối hợp mở 15 lớp chuyển giao kỹ thuật cho gần 600 hội viên. Phối hợp với các cơ quan hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình OCOP; lựa chọn khảo sát điểm thực hiện Dự án “Xây dựng nhân rộng mô hình trồng xoài theo hướng hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị”.

Với lợi thế diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, nhiều hội viên xã Chiềng Ơn đã tập trung phát triển nghề đánh bắt, nuôi thủy sản. Anh Lò Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã, thông tin: Hội đã vận động hội viên liên kết thành lập các HTX thủy sản, trồng cây ăn quả. Đến nay, nông dân trong xã đang duy trì đàn vật nuôi gần 16.000 con, 1.212 lồng cá, trồng gần 42 ha dứa Queen và 166 ha cây ăn quả trên đất dốc... Đồng thời, thành lập và duy trì hoạt động 9 HTX nuôi trồng thủy sản, 3 HTX nông nghiệp trồng dứa.

Đến thăm mô hình nuôi cá lồng của anh Lù Văn Đỉnh, Giám đốc HTX thủy sản Trường Đỉnh, bản Xe, xã Chiềng Ơn. Cuối năm 2015, anh Đỉnh đầu tư nuôi 6 lồng cá các loại; đến năm 2016, anh vận động 7 hộ nuôi cá trong bản tham gia thành lập HTX với 44 lồng cá. Anh Đỉnh cho biết: Đến nay HTX có 11 thành viên, với 88 lồng cá. HTX áp dụng quy trình VietGAP, nên cá luôn đảm bảo chất lượng, một số đơn vị ở Lai Châu, Yên Bái đến tận nơi đặt mua hàng; thu nhập bình quân đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Trước đây, thu nhập của người dân ở Chiềng Khay chủ yếu từ ngô, sắn, lúa nương; qua thời gian, đất bạc màu, giống thoái hóa, nên hiệu quả kinh tế thấp. Để thoát nghèo, người dân trong xã đã chuyển đổi diện tích cây trồng hàng năm kém hiệu quả sang trồng 150ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, kết hợp chăn nuôi đại gia súc theo hướng nuôi nhốt. Từ thực tiễn, đã xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập cao, điển hình là mô hình: Trồng chanh leo, mận hậu, trồng sả của hội viên Lò Xuân Hồ, bản Phiêng Bay, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm; mô hình trồng su su, cây ăn quả của hội viên Lò Văn Thịnh, bản Có Nàng, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm...

Ông Tẩn Văn Pặp, bản Phiêng Bay, cho biết: Qua tuyên truyền, vận động của tổ chức hội, gia đình tôi đã chuyển một số diện tích đất trồng sắn kém năng suất sang trồng 4 ha thông, 2,5ha mắc ca, 1 ha quế, 1 ha xoài; nuôi 25 con trâu, bò; đầu tư một máy xúc để làm dịch vụ. Nhờ vậy, thu nhập bình quân gia đình đạt 560 triệu đồng/năm. Năm 2021, gia đình được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân Quỳnh Nhai đang đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tạo chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao; hỗ trợ nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nong-dan-quynh-nhai-but-pha-thoat-ngheo-50583