Nông dân Sóc Trăng góp sức xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã thể hiện rõ vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Các cấp hội bằng những cách làm sáng tạo, hiệu quả đã khơi dậy và phát huy vai trò nông dân; lấy nông dân làm lực lượng nòng cốt chung tay cùng tỉnh xây dựng nông thôn mới và người nông dân đã khẳng định vai trò chủ thể trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới.
Nông dân phát huy vai trò chủ thể
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, Sóc Trăng đã tạo được các phong trào sôi nổi do chính người dân tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, cán bộ, hội viên nông dân đã tham gia, đảm nhận nhiều công trình, phần việc cụ thể trong xây dựng nông thôn mới như: hiến đất, đóng góp nguồn lực, ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn; nạo vét kênh thủy lợi nội đồng; trồng cây xanh; chung tay bảo vệ môi trường; thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống…
Xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) tổ chức lễ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới hồi tháng 1/2024. Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, xã chỉ đạt 6/19 tiêu chí, sinh kế của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ nghèo ở mức 7,8%.
Sau 13 năm, bằng sự nỗ lực quyết tâm, bộ mặt xã Hậu Thạnh có nhiều đổi mới, với hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ; cảnh quan môi trường, tuyến đường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Hậu Thạnh là vai trò chủ thể của người dân được phát huy, nhiều nông dân tự nguyện hiến đất, hoa màu, ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Bỉnh ở ấp Chùa Ông, xã Hậu Thạnh cho biết: “Khi Nhà nước có chủ trương làm đường, tôi tự nguyện hiến đất, vì khi có đường giao thông nông thôn, con em đi học dễ dàng hơn; bộ mặt nông thôn cũng đổi mới. Nay xã chọn tuyến đường trước nhà làm tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, người dân lại cùng chính quyền trồng hoa, góp tiền làm tuyến đường thắp sáng đường quê. Với sự chung sức của người dân trong ấp, tuyến đường đã đạt giải ba trong cuộc thi tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu cấp tỉnh”.
Còn ở phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), trong những năm qua, Hội Nông dân phường nỗ lực tham gia thực hiện một số tiêu chí trong xây dựng đô thị văn minh, đặc biệt là về cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Đây là một tiêu chí không cần vốn, dễ thực hiện, nên trong nhiều năm qua có nhiều hộ dân sau khi được hội tuyên truyền, vận động đã đồng tình thống nhất cao và tự nguyện thực hiện tạo phong trào địa phương, trong đó nổi bật là hộ chị Nguyễn Thị Chàng - hội viên nông dân khóm Kinh Mới Đông.
Gia đình chị Chàng là một trong những hộ tiên phong trong thực hiện phong trào trồng hoa, cây kiểng tại địa phương. Bản thân chị cũng rất thích trồng hoa, cây kiểng trước nhà nên khi được hội vận động, chị rất đồng tình thực hiện. Chị trồng nhiều loại hoa kiểng trước nhà, trong sân vườn để tạo cảnh quan, trong đó có đoạn cây dứa sọc vàng dài gần 20m.
Để có những hàng cây đẹp như hiện nay, chị đã bỏ ra khá nhiều thời gian và công sức. Chị Chàng thường xuyên làm cỏ, bón phân để cây thêm tươi tốt. Ngoài trồng hoa tạo thêm phong cảnh đẹp cho gia đình, chị còn tuyên truyền, vận động nhiều hội viên trong khóm cùng tham gia thực hiện tuyến đường thêm sạch đẹp, qua đó có nhiều hội viên làm theo.
Hỗ trợ các mô hình, dự án phát triển kinh tế
Để giúp nông dân phát triển sản xuất, tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp liên kết với các sở, ban ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học thực hiện kết nối thông tin giá cả vật tư nông nghiệp, hàng hóa nông sản, tình hình dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân khai thác thông tin về thị trường, giá cả, quy trình sản xuất tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử…
Chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà kính của vợ chồng anh Huỳnh Việt Trung và chị Phạm Thúy Liễu ở ấp Long Hòa, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm. Đây là mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chuyển đổi nông nghiệp được Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm hỗ trợ phát triển. Sau khi được chuyển giao mô hình 500m2 nhà kính trồng dưa lưới, thấy được hiệu quả, anh đã mạnh dạn mở rộng thêm nhà lưới với diện tích hơn 5.000m2.
Xã Tân Long là vùng đất trũng phèn trồng lúa năng suất không cao, vợ chồng anh Trung đã chuyển dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nhiều loại cây khác nhau như: ổi, xoài... Năm 2020 được chuyển giao kỹ thuật, vợ chồng anh Trung đầu tư trồng dưa lưới trong nhà kính mang lại thu nhập cao. Theo anh Trung, với diện tích hơn 5.000m2, anh trồng quanh năm, mỗi năm khoảng 36.000 dây, thu hoạch khoảng 70 tấn trái/năm, thương lái đến tận nơi mua với giá 35.000 đồng/kg, mỗi năm thu nhập trên 240 triệu đồng.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm làm ra, anh đã quyết định chọn sản xuất hữu cơ để từ từ hình thành thương hiệu cho bản thân mình. Để giảm chi phí sản xuất, anh Trung đã chủ động học hỏi và tự ủ phân hữu cơ từ ốc để bón cho vườn cây ăn trái. Là một nhà nông trẻ, thành công và nhiệt huyết, anh rất sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật trồng với những nông dân ham học hỏi và quan tâm đến sản xuất an toàn, hữu cơ.
Đồng chí Đặng Tấn Giang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; thực hiện tốt vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân chuyển biến tích cực. Nổi bật là các cấp hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn. Tổ chức được nhiều phong trào, hoạt động sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng, mong muốn của nông dân. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy phong trào nông dân của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Trong 9 tháng của năm 2024, Hội Nông dân tỉnh đã tuyên truyền, vận động và kết nạp 4.422 hội viên mới, vượt 10,5% (tổng số hội viên hiện có 128.403 hội viên; chiếm 74% so hộ nông dân); thành lập mới 99 tổ hội nông dân nghề nghiệp, có 401 thành viên, vượt 76%. Thành lập mới 26 chi hội nông dân nghề nghiệp, có 431 thành viên, vượt 520%. Chỉ đạo thành lập mới 31 tổ hợp tác, vượt 288% so chỉ tiêu; 13 hợp tác xã, vượt 225%, tổng số hội viên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã được 12.411/4.596 người, vượt 170% (so chỉ tiêu Trung ương). Hội Nông dân tỉnh triển khai hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, đã giúp nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững”.
Đến nay tỉnh Sóc Trăng có 70/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 4/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Những thành quả có được từ xây dựng nông thôn mới hôm nay đều được thực hiện trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của người dân và vai trò chủ thể của nông dân. Họ chính là cầu nối quan trọng góp phần làm nên thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Sóc Trăng.