Nông dân tập trung thu hoạch lúa vụ xuân
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân các địa phương vùng thấp trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ xuân, xử lý rơm, rạ, giải phóng đất, gieo mạ để bước vào sản xuất lúa vụ hè - thu.
Thời điểm này, tại cánh đồng lúa Séng cù thuộc xã Mường Vi (huyện Bát Xát), nông dân đang bước vào vụ thu hoạch lúa xuân. Những bông lúa chín vàng, trĩu hạt báo hiệu một vụ lúa bội thu. Thời tiết mát mẻ là điều kiện thuận lợi để nông dân nơi đây đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa.
Khắp cánh đồng, những chiếc máy gặt đập liên hợp, máy kéo vận chuyển thóc liên tục chạy hết thửa ruộng này sang thửa ruộng khác. Xen lẫn tiếng máy là tiếng trò chuyện rôm rả về một vụ lúa thắng lợi. Năm nay, nông dân xã Mường Vi phấn khởi vì năng suất lúa tăng 20% - 30%, giá bán thóc tươi ổn định ở mức 12 - 12,5 nghìn đồng/kg. Nhờ sản xuất giống lúa Séng cù đặc sản, nông dân xã Mường Vi có thu nhập khá.
Để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, xử lý rơm, rạ, làm đất và sớm bắt tay vào vụ sản xuất mới, nông dân xã Mường Vi đã tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào khâu thu hoạch, làm đất. Việc cơ giới hóa không chỉ giúp giải phóng sức lao động mà còn giúp người dân tiết kiệm chi phí và nâng cao giá trị sản xuất.
Anh Hoàng Văn Mìn ở thôn Làng Mới, xã Mường Vi cho biết: Mảnh ruộng của gia đình tôi nếu gặt thủ công cần thuê 5 công lao động (220 nghìn đồng/công) và thuê máy tuốt lúa, nhưng thuê máy gặt liên hợp chỉ mất 15 phút với chi phí 350 nghìn đồng. Chưa kể, chúng tôi có thể nhận thóc và bán thóc cho thương lái tại ruộng; phần rơm sau khi tuốt lúa được máy rải đều ra ruộng, có thể đốt để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây lúa trong vụ kế tiếp.
Tại cánh đồng thuộc xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên), nông dân đang huy động tối đa nhân lực, khẩn trương thu hoạch lúa vụ xuân. Mặc dù địa hình ở khu vực cánh đồng xã Nghĩa Đô khá bằng phẳng nhưng do nền đất yếu, nhiều thửa ruộng diện tích nhỏ nên đa số nông dân vẫn thu hoạch lúa theo phương pháp truyền thống. Hiện chưa có nhiều gia đình áp dụng máy móc, phương tiện cơ giới vào khâu thu hoạch.
Năm nay, gia đình anh Cổ Văn Hành ở bản Mường Kem (xã Nghĩa Đô) cấy hơn 7 sào (hơn 2.500 m2), sử dụng giống lúa H3. Thời tiết ở Nghĩa Đô không mấy thuận lợi, sâu, bệnh nhiều nhưng nhờ áp dụng các biện pháp phòng, trừ kịp thời, diện tích lúa của gia đình anh Hành vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng. Anh Hành cho biết: Do ruộng của gia đình thuộc khu vực trũng, thửa nhỏ nên không thuê được máy gặt mà phải gặt thủ công. Gặt xong, gia đình thuê máy tuốt lúa tại ruộng, chỉ mang thóc về nhà. Phần rơm, rạ được phơi khô và đốt làm tro bón lót cho vụ hè - thu.
Không chỉ nông dân xã Mường Vi và xã Nghĩa Đô mà nông dân các địa phương vùng thấp cũng đang bước vào vụ thu hoạch lúa xuân trà chính vụ. Ở một số địa phương gieo cấy lúa xuân trà sớm như xã Võ Lao (huyện Văn Bàn), xã Bản Qua (huyện Bát Xát)… nông dân đã thu hoạch xong vụ lúa xuân và bắt tay vào làm đất, gieo mạ vụ lúa hè - thu. Trong khi đó, lúa xuân trà muộn bắt đầu ở giai đoạn trỗ bông, chắc xanh.
Để đảm bảo khung thời vụ sản xuất, cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, chủ động thu hoạch lúa xuân; tận dụng các điều kiện để tập trung phơi, sấy, chống thất thoát sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng lúa gạo. Cùng với đó là điều tiết nước, giữ nước tại ruộng; chuẩn bị tốt máy móc, các loại vật tư nông nghiệp, giống, phân bón để triển khai sản xuất vụ hè - thu đúng khung thời vụ.
Trình bày: Hoàng Thu
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nong-dan-tap-trung-thu-hoach-lua-vu-xuan-post385397.html