Nông dân Tây Nguyên với chuyển đổi số
Bơ, sầu riêng, hồ tiêu, mít… có dán mã QR truy xuất nguồn gốc; những vườn rau tưới nước tự động bằng hệ thống điều khiển từ xa; nhiều nông trường được cấp mã vùng trồng; công nghệ IOT, Big data đã trở nên quen thuộc với nhiều trang trại… Đây là những kết quả ban đầu ở một số vùng sản xuất nông nghiệp của Tây Nguyên sau khi chuyển đổi số được quan tâm và ứng dụng vào thực tế.
“Hoa thơm, trái ngọt” từ chuyển đổi số
Với thổ nhưỡng phù hợp cho nhiều loại cây trồng phát triển, những năm qua, các địa phương vùng Tây Nguyên (bao gồm 5 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng) không chỉ phát triển cây công nghiệp như: cà phê, hồ tiêu, cao su..., mà còn mở rộng ra các loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng, mít Thái, chanh leo...
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, các tỉnh Tây Nguyên đã đặt quyết tâm chính trị cao, với tâm thế vào cuộc để chuyển đổi số trong nông nghiệp. Kết quả, đến nay, tại Gia Lai, công nghệ IOT, Big data bắt đầu được ứng dụng trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Toàn tỉnh có 51 mã số vùng trồng cây ăn quả, 21 cơ sở đóng gói trái cây phục vụ xuất khẩu; 12 dự án trồng trọt nông nghiệp công nghệ cao, hơn 100 cơ sở sử dụng tem truy xuất nguồn gốc; hơn 300 đơn vị đăng ký sử dụng mã số mã vạch GS1; công nghệ tưới tiết kiệm, hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA) ngày càng phổ biến; nhiều dự án chăn nuôi công nghệ cao được UBND tỉnh phê duyệt...
Là địa phương đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên về chuyển đổi số - nhờ ứng dụng nông nghiệp thông minh 4.0 trong nông nghiệp, nhiều trang trại ở tỉnh Lâm Đồng đã cho doanh thu từ 5-8 tỷ đồng/ha/năm; thậm chí, trồng hoa cao cấp còn cho doanh thu lên tới 24 tỷ đồng/ha/năm. Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Lâm Đồng đạt 60.228ha, tương ứng 20,08% diện tích canh tác toàn tỉnh.
Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, đến giữa năm 2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận 4 vùng sản xuất hồ tiêu, cà phê và lúa ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 2.434ha. Địa phương này cũng đã xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 120ha nhằm thu hút doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Hiện, Đắk Nông đã có trên 140 tổ chức/cá nhân (cơ sở) được chứng nhận sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) hoặc tương đương với tổng diện tích trên 21.000ha.
Cùng với “hoa thơm, trái ngọt” có được nhờ phát triển nông nghiệp thông minh, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở các địa phương vùng Tây Nguyên ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử. Tính đến ngày 31-3-2022, trong tổng số 6.659 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử, toàn vùng Tây Nguyên có 524 sản phẩm - chiếm tỷ lệ 7,87% - trong đó, chỉ có 28 sản phẩm là sản phẩm OCOP (tỉnh Gia Lai có 27 sản phẩm, tỉnh Lâm Đồng 1 sản phẩm). Lâm Đồng là địa phương có số lượng nông sản trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn nhiều nhất trong toàn vùng với 235 sản phẩm, tiếp theo là Gia Lai với 160 sản phẩm...
Nhờ ứng dụng chuyển đổi số, tư duy sản xuất, tiêu thụ nông sản của người nông dân ở Tây Nguyên (trong đó có một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số) đã có những đổi thay tích cực. Không chỉ thoát nghèo, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện những nông dân người dân tộc thiểu số là tỉ phú, chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp uy tín.
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân
Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), chuyển đổi số trong nông nghiệp của Tây Nguyên hiện vẫn dừng lại ở: Chỉ dẫn địa lí, theo dõi sức khỏe môi trường và cây con qua điện tử, lập các khu nông nghiệp công nghệ cao... mà thiếu các quy hoạch chiến lược.
Cụ thể hơn, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy chỉ ra nhiều vấn đề được xem là “điểm nghẽn” chuyển đổi số trong nông nghiệp vùng Tây Nguyên như: Tư duy, hình dung của người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan, công chức về chuyển đổi số còn chưa rõ ràng, việc đầu tư ứng dụng công nghệ số vẫn bị ảnh hưởng bởi tính thời vụ.
Trong khi đó, cơ chế, chính sách, hướng dẫn, hạ tầng về chuyển đổi số chưa đủ mạnh và thiếu đồng bộ. Người dân và cả doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số hóa... Đặc biệt, nhiều ứng dụng số cho nông nghiệp đã sẵn sàng, nhưng nguồn nhân lực cho công nghệ số không nhiều và chưa được đào tạo một cách cơ bản. Nhiều địa phương thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...)...
Từ thực tế này, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy cho rằng, đã đến lúc, chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân cần coi chuyển đổi số trong nông nghiệp không phải là sự lựa chọn mà là xu thế tất yếu của một nước nông nghiệp, của kinh tế nông nghiệp. Để từ đó, xây dựng, góp ý, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp. Huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0, từ đó, chủ động đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới...
Trong đó, cần lưu ý tới những vấn đề như: xúc tiến thương mại điện tử đa dạng trên các sàn thương mại điện tử lớn (như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Voso, Postmart...) để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khai thác tối đa, tiềm năng, lợi thế từng vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng liên doanh, liên kết giữa người dân, doanh nghiệp và thị trường; liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước với thị trường...
Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy nhấn mạnh: “Chuyển đổi số ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân và phải dựa trên nền tảng số, dữ liệu số. Đây là 2 yếu tố đặc biệt, mang tính quyết định cho thành công của chuyển đổi số”. Chỉ khi có được một nền tảng số hiệu quả và người dân nhận thức đúng được giá trị của chuyển đổi số, đón nhận với tâm thế sẵn sàng học hỏi, ứng dụng... thì khi đó, chuyển đổi số mới thực sự tạo nên những bứt phá cho ngành nông nghiệp và nâng cao đời sống người nông dân.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nong-dan-tay-nguyen-voi-chuyen-doi-so-post450500.html