Nông dân Thái Bình tất bật gieo 'mầm hy vọng'
Khi Xuân Ất Tỵ 2025 gõ cửa, cũng là lúc mọi người gác lại mọi công việc bộn bề của năm cũ để chào đón năm mới. Thế nhưng, với bà con quanh năm gắn bó cùng cây lúa tại tỉnh Thái Bình, họ lại bắt đầu những ngày đầu Xuân năm mới bằng công việc xuống đồng chuẩn bị cho vụ chiêm Xuân 2025.
“Hòa cùng” hương vị Tết
Ngay từ mồng hai, mồng ba Tết - những ngày đầu tiên của năm mới, thời tiết se lạnh, mưa Xuân dung hòa đẹp đẽ với bức tranh gia đình quây quần và sum họp. Tết vốn dĩ là dịp để mỗi người nghỉ ngơi sau một năm lao động, làm việc chăm chỉ để tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc cùng gia đình như: Đón Giao thừa, đi chúc Tết, lễ chùa đầu năm. Dù vậy, vẫn có những người giữ trong lòng nhiều nỗi lo về kế sinh nhai, về công việc duy trì cuộc sống cả trong những ngày này. Không ai khác, đó là những người nông dân “chào Xuân trên ruộng lúa”.
Thái Bình - một tỉnh có diện tích lúa lớn nhất nhì khu vực miền Bắc nước ta, được ưu ái gọi bằng cái tên thân thương “Quê hương chị Hai năm tấn” - đang bước vào vụ chiêm Xuân 2025. Với tình yêu lao động hăng say, cũng như để phát triển nghề trồng lúa nước vốn đã có từ lâu đời của quê hương, bà con các địa phương cố gắng sắp xếp mọi công việc ngày Tết, tất bật xuống đồng “khai Xuân”. Đi chúc tết qua những con đường làng nằm sát cạnh bên cánh đồng, chắc hẳn chúng ta đều sẽ thấy các mảnh ruộng đang đến giai đoạn làm đất và vơ gốc rạ.
![Bà Trần Thị Luyện bắt ốc bươu chuẩn bị ruộng cấy.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_16_51421341/6013d893e1dd088351cc.jpg)
Bà Trần Thị Luyện bắt ốc bươu chuẩn bị ruộng cấy.
Theo lịch gieo cấy đối với giống lúa 135 ngày cho vụ chiêm Xuân của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, nông dân bắt đầu cấy từ ngày 10 đến 15-2. Vì thế, bà con đã phải xuống đồng ngay từ mồng hai, mồng ba Tết để kịp mùa vụ để cày đất, bừa đất, làm bờ bụi để giữ nước, vạc bờ, vơ gốc rạ, làm cỏ sạch sẽ, đánh luống, sau đó gạn nước đi vãi mộng, phun thuốc cỏ, khơi nước để mộng mạ lên đều...
Ông Lại Thái Huyện (xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy) cho biết: “Dựa vào hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, năm nay bà con cấy sớm hơn 10 ngày so với năm ngoái. Vì thế, chúng tôi phải chuẩn bị ngay từ những ngày đầu Tết. Cấy sớm cho đỡ lạnh. Giờ đã lạnh rồi, để sau lạnh hơn thì cực lắm”.
Bên cạnh đó, có những người lại cặm cụi dò dẫm từng vũng nước nhỏ, hai bàn tay tê cóng mò xuống bùn, tìm bắt từng con ốc bươu đang ẩn mình dưới lớp đất lạnh. Ốc bươu đen bóng, trơn tuột, bám chặt vào những gốc rạ mục, từng con một bị gỡ ra, gom thành từng đống và dồn lên bờ. Theo những người nông dân chia sẻ, bắt ốc bươu là công việc vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và số lượng thành phẩm sau khi gặt. Bà Trần Thị Luyện (xã Tam Đồng, huyện Đông Hưng) - một người đã có 22 năm theo nghề làm ruộng, chia sẻ: “Tôi thường phải mò kỹ, mò sâu từng con một vì ốc bươu là vật ngoại lai, dễ gây dịch bệnh. Con còn sống thì sau cấy mạ nó sẽ ăn sạch mạ, còn con đã chết thì mang nhiều mầm bệnh gây hại cho lúa. Có nhiều gia đình tổn hại nặng nề vì loài này rồi”.
Vụ chiêm Xuân 2025 đến khi mà những mất mát từ cơn bão số 3 (Yagi) còn “dư âm” trong lòng nhiều người. Hầu hết bà con vẫn ám ảnh vì vụ trước mất trắng do ngập lụt. Chính vì thế, liệu thời tiết có thuận lợi để người dân yên tâm gieo cấy cho vụ này trở thành nỗi lo lớn nhất. Bà Đỗ Thị Yến (xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Phụ) chia sẻ: “Vụ trước gặp cơn bão số 3, gia đình tôi gần trắng tay, ước tính chỉ thu được có 30kg lúa trên 1 sào. Người tính không bằng trời tính. Cấy trước như này mà trời rét hơn thì ảnh hưởng lắm. Sau lúa trưởng thành, cấy được 1 tháng rồi mà mưa dầm thì gây nhiều bệnh. Vụ chiêm Xuân khó hơn vụ mùa vì vụ mùa ngắn hạn hơn”.
Gieo “mầm hy vọng”
Với những đặc trưng về thời tiết, cũng như thời gian làm việc khác biệt của bà con nông dân, có thể nói rằng công việc đồng áng là vô cùng vất vả và khó khăn. Khoác trên mình những bộ quần áo đã nhuộm màu bùn đất, với lòng say mê lao động, cùng niềm lạc quan yêu đời, yêu từng mầm mạ, cây lúa, bà con nông dân tỉnh Thái Bình trong những ngày Tết đến Xuân về vẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
![Bà Hoàng Thị Thu Hương cần mẫn chuẩn bị cho vụ chiêm Xuân.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_16_51421341/188aa20a9b44721a2b55.jpg)
Bà Hoàng Thị Thu Hương cần mẫn chuẩn bị cho vụ chiêm Xuân.
Cùng với đó, sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương, hỗ trợ bà con từ việc tuyên truyền những khâu chuẩn bị đầu tiên cho mùa vụ mới đã giúp bà con nông dân có động lực phát triển hơn nữa nền nông nghiệp của quê nhà. Để lại sau những tiếng thở dài, sự lo lắng, gạt lại hết những giọt mồ hôi mặn chát, đối với người nông dân, mùa Xuân mới của họ sẽ thật ý nghĩa khi vụ chiêm Xuân bội thu.
Chính vì thế, khi được hỏi về những hy vọng về mùa màng, bà Hoàng Thị Thu Hương (xã Tây An, huyện Tiền Hải) chia sẻ: “Mong ước của tôi cũng như toàn bộ bà con làm nông nghiệp là thời tiết mưa thuận gió hòa, vụ chiêm này được mùa cho bà con nông dân nhẹ lòng. Được mùa rồi thì mong những hạt thóc làm bằng mồ hôi công sức ấy có giá trị, bán được giá thành cao để chúng tôi duy trì cuộc sống. Mong rằng chính quyền địa phương vẫn tiếp tục hỗ trợ cho nhân dân để làm nông nghiệp, giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện phát triển mùa màng và gặt hái được nhiều thành phẩm”.
![Những bàn tay gieo “mầm hy vọng” trên một thửa ruộng ở tỉnh Thái Bình trong ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_16_51421341/d0f06d70543ebd60e42f.jpg)
Những bàn tay gieo “mầm hy vọng” trên một thửa ruộng ở tỉnh Thái Bình trong ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025.
Nhìn những bàn tay cần mẫn, thoăn thoắt dưới lớp bùn lạnh cùng những gương mặt trầm tư, toát lên nhiều lo lắng giữa cái rộn rã của không khí đầu năm mới cũng đủ để thấy công việc này vất vả đến nhường nào. Quả thực, đối với bà con nông dân, những ngày đầu năm nay là “những ngày Tết không nghỉ ngơi”.
Bài và ảnh: HẢI YẾN