Nông dân thành phố Ninh Bình khôi phục sản xuất sau mưa lũ

Sau những ngày mưa lũ, bà con nông dân trên địa bàn thành phố Ninh Bình đang khẩn trương khắc phục hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại về cây trồng để đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch sản xuất vụ đông.

Mảnh ruộng trồng hành lá của gia đình bà Phạm Thị Chiên, phường Ninh Sơn (thành phố Ninh Bình) bị dập nát sau mưa bão.

Mảnh ruộng trồng hành lá của gia đình bà Phạm Thị Chiên, phường Ninh Sơn (thành phố Ninh Bình) bị dập nát sau mưa bão.

Trên cánh đồng trồng rau của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hương Đào (phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình), tranh thủ thời tiết nắng ráo sau mưa bão, nông dân ra đồng thu "mót" số rau màu còn lại. Những hộ trồng rau ăn lá gần như mất trắng, một số hộ trồng rau thơm thu hoạch vớt vát những luống rau có thể bán được, gom thành đống nhặt hết lá úa rồi chở đến nơi thu mua.

Bà Phạm Thị Chiên, thôn Phúc Khánh cho biết: Vụ này gia đình tôi xuống giống 2 sào hành lá, chi phí ban đầu mất 1 tạ giống, tương đương gần 3 triệu đồng, chưa kể chi phí cày bừa đất, phân bón, công chăm sóc. Thông thường, đây là thời điểm thu hoạch tốt nhất, nhưng sau khi bão đi qua, cây hành héo hon, ngọn gãy nát, lại bị ngâm nước dài ngày khiến cây lũa lá, thối rễ gần hết. Với 2 sào hành, nếu không gặp thời tiết xấu sẽ cho thu khoảng 1 tấn hành thương phẩm, với giá bán trung bình 18.000 đồng/ kg, người nông dân thu về 18 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện cả vườn của bà Chiên chỉ thu được khoảng 10kg hành. Dù giá hành đang cao tới 30.000 đồng/kg, nông dân vẫn thua lỗ và không có hành để bán.

Bà Vũ Thị Sự, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hương Đào cho biết: Không chỉ có gia đình bà Chiên mà các hộ khác cũng đều bị thiệt hại; trung bình diện tích hoa màu bị hư hại trên địa bàn xã Ninh Sơn hơn 20ha, đa phần là rau màu gần đến ngày thu hoạch.

"Một số hộ khi nắm được thông tin bão về đã chủ động che lưới, phủ bạt, bảo vệ rau màu nhưng sức gió mạnh, mưa lớn nhiều ngày, việc che chắn gần như không có tác dụng. Nghề nông chịu ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai là điều không tránh khỏi. Dù có thất bại ở vụ này nhưng HTX vẫn tiếp tục sản xuất, nhanh chóng vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị cho vụ sau. Đồng thời, có kế hoạch ứng phó với thời tiết có thể rét đậm, rét hại vào vụ đông, mở rộng diện tích cây vụ đông nhằm tăng năng suất, sản lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường"- bà Sự chia sẻ.

Còn tại xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình), thiên tai cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Xã có tổng diện tích đất nông nghiệp là 149ha, trong đó diện tích lúa chiếm 117,5ha, màu hơn 31ha; 3 HTX nông nghiệp là: Thiên Phúc, Phúc Trung, Yên Khoái đều ghi nhận thiệt hại với diện tích gần 30ha, giá trị kinh tế khoảng 3,5 tỷ đồng, chủ yếu là cây lúa, ngô, một số loại rau.

Đồng chí Phạm Hữu Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phúc cho biết: Trước tình hình thiệt hại của bà con, xã động viên nhân dân tranh thủ ra đồng thu hoạch được chừng nào hay chừng đó, đồng thời hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất ngay sau khi bão tan.

Đối với diện tích lúa bị ngập, kịp thời tiến hành khoanh vùng, tiêu úng nhanh tháo kiệt nước trên đồng. Tranh thủ thời tiết nắng ráo khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa đã chín, với lúa bị đổ đã dựng lúa ngay để cây trồng phục hồi, tránh ngâm nước lâu gây mọc mầm. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát hiện sâu bệnh gây hại trước khi thu hoạch như rầy nâu, bệnh bạc lá... để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh bệnh lây lan.

Đối với rau màu, khẩn trương tạo rãnh thoát nước, xới xáo phá váng, làm thông thoáng đất, chuẩn bị sẵn cây giống để gieo trồng ngay khi thời tiết thuận lợi. Đồng thời, tích cực dọn vườn, vệ sinh đồng ruộng, xử lý thuốc men chống nấm, chống vi khuẩn kịp cho trồng cây vụ đông. Những diện tích trồng hoa đang giai đoạn phát triển cần chủ động che chắn, theo dõi tình hình thời tiết, chủ động ứng phó nếu diễn biến thời tiết bất lợi.

Vụ mùa năm nay, thành phố Ninh Bình gieo cấy gần 800ha cây trồng các loại, trong đó diện tích lúa là 674ha, diện tích màu là hơn 100ha. Sau cơn bão số 3, thành phố ghi nhận 188ha lúa bị ngập, có gần 20ha rau màu và 25ha ngô bị gãy đổ, dập nát.

Để kịp thời hỗ trợ nông dân sớm phục hồi sản xuất sau bão số 3, UBND các xã, phường đang phối hợp với cơ quan chuyên môn khảo sát, kiểm tra thực tế các thiệt hại của nông dân và nghiên cứu phương án hỗ trợ khắc phục hậu quả, thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi, khẩn trương khôi phục, ổn định sản xuất nông nghiệp sau mưa bão.

Bài, ảnh: Lan Anh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nong-dan-thanh-pho-ninh-binh-khoi-phuc-san-xuat-sau-mua-lu/d202409192114784.htm