Nông dân Thanh Hà chạy đua để khôi phục vùng trồng cây ăn quả

Sau cơn bão số 3 và ngập lụt, vùng trồng cây ăn quả lớn nhất Hải Dương ở Thanh Hà (Hải Dương) bị thiệt hại nặng. Khắc phục khó khăn ấy, nông dân Thanh Hà đang chạy đua để khôi phục lại.

Gia đình ông Vũ Văn Toản ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế chặt bỏ những cây quất bị hỏng vì ngập nước

Gia đình ông Vũ Văn Toản ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế chặt bỏ những cây quất bị hỏng vì ngập nước

Nông dân chủ động

Ông Vũ Văn Toản ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế cho biết gia đình ông có khoảng 2 mẫu vườn chuyên trồng ổi, quất, chuối. Chuối đã bị bão quật hỏng hết, còn quất và ổi cũng hỏng nhiều vì ngập úng. Sau khi nước rút, gia đình ông Toản đã dọn vườn, chặt bỏ những cây quất héo, lựa chọn những cây ổi, quất còn sống để chiết cành, nhân thêm giống trồng, liên hệ với một số nhà vườn chuyên cung cấp cây giống để đặt mua, trồng thế vào diện tích đã mất. Dọn vườn xong, ông Toản thuê máy làm đất, làm lại luống trồng quất, ổi. Sau lần ngập úng này, gia đình ông đã mua thêm đất để tôn vườn cao hơn, hạn chế ngập nước.

Nhiều gia đình làm lại đất trồng tạm cây ngắn ngày để chờ giống cây ăn quả lâu năm

Nhiều gia đình làm lại đất trồng tạm cây ngắn ngày để chờ giống cây ăn quả lâu năm

Nhiều gia đình khác ở Cẩm Chế cũng tập trung dọn vườn để trồng một số loại cây ngắn ngày như sả, ớt… trong khi chờ giống cây vải, ổi và thời điểm phù hợp sẽ trồng lại.

Tại xã Thanh Xá, ông Đặng Văn Bản ở thôn 1 cho biết ổi trái vụ bắt đầu cho thu hoạch với giá cao thì bão làm hỏng sạch. Những quả nhỏ cũng bị gió làm dập, hỏng. “Bây giờ chúng tôi tập trung chăm sóc hồi phục cây vì những cây còn sống sót cũng bị lung lay gốc nên rất yếu, khi nào cây khỏe mới làm quả để ra Tết bán”, ông Bản nói. Hiện nhiều diện tích đất vẫn chưa khô nên nông dân chưa dám vào vườn vì sợ làm tổn thương cây.

Yên tâm về giống

Ông Đặng Văn Bản ở thôn 1, xã Thanh Xá buộc lại những cành ổi bị gãy và chăm sóc lại từ đầu

Ông Đặng Văn Bản ở thôn 1, xã Thanh Xá buộc lại những cành ổi bị gãy và chăm sóc lại từ đầu

Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà phụ trách sản xuất nông nghiệp cho biết huyện hiện có hơn 6.000 ha cây ăn quả lâu năm, nhiều nhất tỉnh, trong đó khoảng 3.500 ha vải, gần 1.600 ha ổi, 350 ha chuối, 240 ha bưởi và khoảng 600 ha trồng những loại cây ăn quả khác. Mấy chục năm nay, nông dân Thanh Hà từng đối mặt với mưa kéo dài, ngập lụt nhưng chưa lần nào lớn như cơn bão số 3 và ngập lụt kéo dài như vừa qua. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà thống kê đến ngày 18/9, khoảng 70% diện tích bưởi, chuối, ổi, khoảng 50% diện tích vải, khoảng 50% các loại cây trồng khác không thể hồi phục. Riêng chanh, quất và các vùng trồng chuối Tết ở các xã Thanh Khê, An Phượng, Vĩnh Lập, các vùng trồng quất Tết ở các xã An Phượng, Thanh Sơn, Thanh Thủy khả năng cây chết hết.

Theo lãnh đạo huyện Thanh Hà, với thiệt hại do bão số 3 và úng ngập, nông dân Thanh Hà phải mất khoảng 5 năm làm lại vườn tược chăm bẵm cây trồng, 5 năm sau mới cho thu hoạch ổn định.

Nhiều nhà vườn ươm cây giống ở Thanh Hà có đủ cây giống phục vụ nông dân

Nhiều nhà vườn ươm cây giống ở Thanh Hà có đủ cây giống phục vụ nông dân

Trước tình hình này, UBND huyện Thanh Hà đã tuyên truyền nhân dân chủ động khắc phục thiệt hại, thanh thải môi trường, đợi đất khô thì vun xới lại, trồng cây theo đúng quy hoạch vùng của huyện. Trong đó, vùng trồng cây ăn quả vẫn được quy hoạch với hơn 6.000 ha gồm vải sớm trồng ở các xã khu Hà Đông, vải thiều chính vụ trồng ở các xã khu Hà Nam; chuối trồng ở xã Thanh Khê; bưởi đào ở xã Thanh Hồng; quất ở các xã Cẩm Chế, Thanh Thủy; ổi ở các xã Liên Mạc, Thanh Xuân, An Phượng…

Nhiều nhà vườn lớn ở xã Thanh Cường cũng chuẩn bị sẵn cây giống để cung cấp cho nhân dân. Anh Nguyễn Văn Tùng, chủ vườn cây giống ở xã Thanh Cường cho biết hiện tại nhà vườn có thể cung cấp 10.000 cây vải thiều chính vụ, vải thiều sớm, 5 vạn cây ổi; còn bưởi, chanh, quất cũng rất nhiều. Các giống cây đều do nhà vườn mua lại của nông dân trong huyện và chiết cành ươm giống từ lâu nên bảo đảm nguồn gốc, chất lượng.

Ngoài Thanh Cường, ở thôn Phù Tinh, xã Thanh Quang cũng có nhiều hộ ươm trồng cây giống, có thể cung cấp bảo đảm cây cho nông dân trong huyện phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, với nhiều năm kinh nghiệm sản xuất cây ăn quả, hầu hết nông dân Thanh Hà đều tự ươm trồng được cây giống để phục vụ sản xuất trong gia đình. Những vườn ươm trồng cây giống thường được đặt ở những khu đất cao, không bị ngập nước nên nông dân có thể yên tâm phần nào về cây giống.

MINH NGUYÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nong-dan-thanh-ha-chay-dua-de-khoi-phuc-vung-trong-cay-an-qua-393432.html