Nông dân Thanh Thủy thi đua sản xuất kinh - doanh giỏi
PTĐT - Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của hội viên Hội Nông dân huyện Thanh Thủy đã khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Huyện Thanh Thủy hiện có trên 15 nghìn hội viên nông dân đang sinh hoạt tại 127 chi hội thuộc 11 cơ sở hội. Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, những năm qua, Hội Nông dân huyện triển khai đồng bộ tới 100% các cơ sở hội. Các cấp Hội đã đăng ký xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi như: Hội Nông dân Tu Vũ với mô hình rau an toàn cho thu nhập cao; Hội Nông dân xã Đồng Trung với mô hình chăn nuôi gà, trồng bưởi Diễn; Hội Nông dân xã Hoàng Xá với mô hình làm than ép bằng mùn cưa; Hội Nông dân xã Bảo Yên với mô hình VAC tổng hợp; Hội Nông dân xã Đào Xá với mô hình dịch vụ tổng hợp, trồng rừng, nuôi tằm... Từ các mô hình điển hình tiên tiến của các xã, thị trấn đã xuất hiện những hộ nông dân tiêu biểu trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, VAC tổng hợp, ngành nghề dịch vụ.Theo số liệu của Hội Nông dân huyện, 5 năm gần đây, mỗi năm có từ 8.600 đến 9.000 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi, riêng năm 2020 có 9.080 hộ đăng ký. Số hộ nông dân có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm không còn hiếm ở Thanh Thủy, nhiều hội viên đã đầu tư mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn cho thu nhập hàng tỷ đồng, mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho vài chục lao động địa phương. Tiêu biểu như mô hình trồng hoa lan của hội viên Nguyễn Văn Hà, xã Đào Xá; mô hình trồng gần 1.500 cây mít Thái, na, ổi, bưởi, chanh của gia đình hội viên Bùi Huy Bình xã Đồng Trung; mô hình chăn nuôi gà của hộ ông Trần Quang Cảnh xã Tân Phương; mô hình chăn nuôi bò sữa, nhím, dúi và ong mật của hộ ông Lê Đình Thanh, xã Tu Vũ; mô hình VAC tổng hợp của hộ ông Nguyễn Hữu Huệ, xã Bảo Yên; mô hình chế biến than ép mùn cưa của hộ bà Hoàng Thị Thơm, xã Hoàng Xá...Đến thăm trang trại tổng hợp trồng trọt, chăn nuôi rộng gần 7ha của gia đình anh Đặng Trung Kiên, khu 4, xã Đồng Trung, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi quy mô trang trại được quy hoạch bài bản, phân khu trồng trọt, chăn nuôi để dễ quản lý và chăm sóc. Với 1.800 cây bưởi đường Thanh Thủy, bưởi Diễn, Da xanh, Đoan Hùng... đang cho thu hoạch cùng vài nghìn con gà, ngan, lợn và một số loại cây ăn quả khác cho gia đình anh có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Để có vườn cây sai trĩu quả, anh Kiên chia sẻ: Gia đình tôi có nhiều năm làm kinh tế trang trại, từ khi còn phụ bố mẹ trồng, chăm sóc cây ăn quả, tôi đã đúc rút được kinh nghiệm cho mình, thường xuyên học hỏi để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như thụ phấn bổ sung, đốn tỉa tạo tán, ngoài ra tôi còn áp dụng những phương pháp chăm sóc riêng như ủ cá, đỗ tương làm phân hữu cơ để quả bưởi đạt chất lượng và trang trại có sản phẩm thu hoạch vào các mùa trong năm, mang lại giá trị kinh tế cao.Để phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp đỡ, hỗ trợ nông dân nghèo, khó khăn” ngày càng phát triển thiết thực và hiệu quả, các cấp hội nông dân trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT, hướng dẫn sử dụng phân bón cho hội viên nông dân; dạy nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào các chuyên ngành: Trồng rau an toàn, chăn nuôi gia súc gia cầm, phòng trừ dịch hại, trồng nấm, phòng trị bệnh cho gia súc gia cầm... Nhiều tổ hợp tác, mô hình kinh tế tập thể, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được thành lập, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành những vùng chuyên canh lớn giúp nông dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu. Ngoài ra, hội còn chủ động phối hợp với các ngành triển khai các chương trình, dự án tạo điều kiện về vay vốn, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển bền vững, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.