Nông dân Thanh Xá nâng cao khả năng ra hoa cho vải thiều
Nông dân xã Thanh Xá (Thanh Hà) đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao khả năng ra hoa của cây vải.
Thời tiết ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng, phát triển, ra hoa, đậu quả của cây vải thiều. Những năm thời tiết bất thuận, sản lượng vải giảm rõ rệt. Để khắc phục hạn chế này, nông dân xã Thanh Xá (Thanh Hà) đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao khả năng ra hoa của cây vải.
Năm 2018, Viện Nghiên cứu rau quả đã xây dựng 1 mô hình nâng cao khả năng ra hoa của vải thiều chính vụ tại thôn 1 với sự tham gia của hơn 10 hộ trên diện tích khoảng 1 ha.
Các hộ được hỗ trợ mua phân bón, chất điều tiết sinh trưởng ra hoa, tập huấn các biện pháp kỹ thuật gồm cắt tỉa, bón phân, xử lý ra hoa và xiết nước.
Qua đó, khắc phục điều kiện bất thuận của thời tiết để cây ra hoa, đậu quả thuận lợi, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng vải. Mô hình này tiếp tục được duy trì thực hiện trong niên vụ 2019-2020.
Chị Quách Thị Tình thấy rõ những lợi ích mang lại khi tham gia mô hình. Nếu trước kia, sau khi thu hoạch, chị thường chặt bỏ nhiều cành vải thì nay đã chuyển sang áp dụng biện pháp cắt tỉa.
Từ sau khi thu hoạch đến nay, chị Tình đã 2 lần cắt tỉa. Lần đầu lúc thu hoạch quả được 10 ngày, lần 2 thực hiện vào trung tuần tháng 10. Dự kiến, đợt cắt tỉa lần cuối sẽ được thực hiện vào cuối tháng 2 sang năm.
Chị sẽ tỉa bớt các cành hoa nhỏ, cành không có hoa mọc sít nhau, chỉ để lại những chùm hoa khỏe nhất phân bố đều trên cây. Khi khoanh cây, chị Tình thường khoanh vết mới tại vị trí của vết khoanh cũ. Sau khi nghe cán bộ của Viện Nghiên cứu rau quả hướng dẫn, chị mới biết cách làm này không khoa học, dễ gây hại cho cây.
Chị vừa kết thúc đợt khoanh cây vào giữa tháng 11 và vẫn thường xuyên thăm vườn. Chị Tình sẵn sàng chia sẻ những biện pháp kỹ thuật từ mô hình với các hộ trồng vải khác. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên vụ vải vừa qua, trong khi nhiều nhà mất trắng, chị Tình vẫn thu về khoảng 5 tạ quả trên diện tích hơn 1 sào.
Có nhiều kinh nghiệm trồng vải, ông Quách Đại Sinh ở thôn 1 cho rằng thời tiết rất quan trọng đối với cây này, nhưng kinh nghiệm và các biện pháp kỹ thuật trong quá trình chăm sóc cây cũng quan trọng không kém.
Việc cây vải ra lộc đông ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình ra hoa, đậu quả sau này. Ông Sinh thường quan sát lộc đông rồi khoanh cành để xử lý. Đối với những cây ra lộc đông từ tháng 11 đến đầu tháng 12 phải tích cực xử lý bằng các biện pháp thủ công như tuốt lá, ngắt bỏ những cành lộc (những cây thấp), dùng thuốc phun để xử lý lộc (những cây cao).
Từ nay đến đầu tháng 1 năm sau tùy theo từng trà vải, nông dân phải theo dõi sát sự phát triển của cây để có biện pháp xiết nước, không bón phân, tạo cho đất khô hạn. Thực hiện điều này kết hợp với nhiệt độ thấp sẽ giúp mầm hoa của cây vải phân hóa thuận lợi.
Nhờ dày dặn kinh nghiệm, cùng với áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới nên chưa năm nào vườn vải của gia đình ông Sinh bị mất mùa. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi vụ vải diện tích gần 7.200 m2 ông thu về từ 10-13 tấn.
Ông Cao Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xá cho biết địa phương có diện tích vải thiều lớn nhất huyện Thanh Hà. Hằng năm, xã đều tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để bà con nông dân áp dụng vào quá trình trồng, chăm sóc cây vải.
Vừa qua, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn các hộ tập trung xử lý lộc đông trên cây vải. Khi nông dân kết hợp các kinh nghiệm từ thực tiễn với biện pháp kỹ thuật sẽ khắc phục những bất lợi của thời tiết và có được những vụ vải bội thu.