Nông dân thay đổi tư duy sản xuất để phát triển
Bắt kịp nhịp độ phát triển của khoa học - kỹ thuật, nông dân An Giang đã và đang có những bước chuyển mình, thay đổi tư duy trong canh tác, sản xuất. Bằng sự ham học hỏi của bản thân, cũng như học tập kinh nghiệm từ những nông dân đi trước, bà con còn được các ngành chuyên môn hỗ trợ vốn, kỹ thuật, cách tiếp cận, nắm bắt thị trường... Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều nông dân sản xuất giỏi, với những mô hình nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế ổn định.
Mạnh dạn chuyển đổi, sản xuất theo nhu cầu của thị trường sẽ giúp bà con nông dân có được thu nhập ổn định
Sau thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi, anh Ngô Thanh Sơn (xã Phú Lâm, Phú Tân) đã mạnh dạn chuyển đổi ruộng lúa kém hiệu quả của mình thành vườn cây ăn trái, chuyên trồng các loại, như: ổi, mãng cầu, bưởi da xanh… theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”.
Anh Sơn cho biết, trước đây, khoảng 3.500m2 đất nhà canh tác lúa 3 vụ, nhưng tình trạng “trúng mùa, mất giá” diễn ra liên tục, cùng với đó tình hình thời tiết diễn biến thất thường, trình trạng sâu bệnh trên lúa ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng làm cho cuộc sống gia đình anh rất khó khăn. Sau khi tham gia học tập kinh nghiệm sản xuất tại các vườn cây ăn trái ở nhiều địa phương khu vực ĐBSCL, như: Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long... anh Sơn đã đầu tư hệ thống phun sương kết hợp tưới tại gốc, chi phí 80 triệu đồng, trong đó Hội Nông dân huyện hỗ trợ 50%.
“Bản thân rất có hứng thú với các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên sau khi lập vườn cây ăn trái, tôi thiết kế hệ thống phun sương nhằm đảm bảo nguồn nước tưới trong mùa hạn. Quan trọng nhất, khi có hệ thống này, mình không cần xách ống nước “chạy tới chạy lui” để tưới nên đã tiết kiệm được thời gian và nhân công lao động” - anh Sơn chia sẻ.
Toàn bộ hệ thống được điều hành từ cầu dao tổng, hệ thống phun sương tưới trên lá cây có thể kết hợp luôn việc phun thuốc, hạn chế tối đa ảnh hưởng sức khỏe của người thực hiện. Ngoài ra, hệ thống tưới tại gốc điều chỉnh được chế độ phun nước hoặc nhỏ giọt nên tiết kiệm được rất nhiều lượng nước nhờ điều tiết mức độ tưới phù hợp từng loại cây trồng.
Tổ sản xuất rau an toàn Vĩnh Mỹ (phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) có 97 thành viên, với diện tích canh tác 15ha, chuyên sản xuất rau ăn lá, rau gia vị, các loại củ, quả. Theo ông Huỳnh Văn Bình (Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn Vĩnh Mỹ), cách đây 4 năm, tổ được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể, có logo trên bao bì, dây buộc...
Nhờ vậy, thương hiệu rau an toàn của Vĩnh Mỹ tạo được uy tín trên thị trường, được nhiều người biết đến và người dân rất an tâm khi sử dụng sản phẩm rau an toàn của tổ. “Tất cả các chi phí từ đăng ký thủ tục, làm hồ sơ đều được địa phương hỗ trợ miễn phí, nên bà con tổ viên rất phấn khởi” - ông Bình cho hay.
Hiện nay, ngoài cung cấp ở các chợ trên địa bàn TP. Châu Đốc, cửa hàng rau an toàn, Tổ sản xuất rau an toàn Vĩnh Mỹ còn tìm được đầu mối tiêu thụ rau các loại ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và xuất sang nước bạn Campuchia. Đặc biệt, tổ còn kết nối đưa các sản phẩm rau an toàn vào bếp ăn của các trường mẫu giáo trên địa bàn TP. Châu Đốc.
“Việc kiên trì sản xuất theo hướng an toàn đã giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập tương đối ổn định. Hiện nay, người tiêu dùng rất quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe của mình cũng như của các thành viên trong gia đình, nên rất ủng hộ các sản phẩm được sản xuất sạch, an toàn. Điều này không chỉ giúp sản phẩm rau an toàn của Vĩnh Mỹ có được chỗ đứng trên thị trường, mà còn xứng đáng với công sức người nông dân đã bỏ ra để sản xuất sản phẩm sạch” - ông Bình bày tỏ.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hội An (Chợ Mới) Nguyễn Trọng Nghĩa, hàng năm, hội đều phối hợp ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn về kỹ thuật làm vườn, trồng xoài... nhằm giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn tích cực giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay từ quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện, cũng như từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cải tạo vườn, canh tác hiệu quả.
Trước đây, ông Lâm Thành Thạnh (nông dân ấp Thị 1, xã Hội An) phát triển mô hình trồng bí đao lấy hạt, trồng khoai cao. Tuy nhiên, gần đây, ông Thạnh đã chuyển đổi các mô hình sản xuất này để lập vườn trồng xoài. Theo ông Thạnh, với những mô hình trước đây thật sự có hiệu quả vì có được đầu ra nhờ liên kết với công ty, doanh nghiệp, tuy nhiên cũng có lúc thị trường bị bão hòa, nên sản phẩm nhiều lúc bị “dội chợ”.
“Thực tế, bà con xung quanh đều đã lên vườn, nên chuột cắn phá, gây hại ở khu vực đất của mình rất nhiều. Làm rẫy, công sức mà nông dân bỏ ra để chăm bón khá nhiều, phải chú ý từng chút, bởi vậy sau khi được tham quan, tiếp cận các lớp tập huấn kỹ thuật trồng xoài ở địa phương, tôi cũng như nhiều nông dân thấy thích hợp nên chuyển đổi sang trồng cây ăn trái phù hợp, mang lại lợi nhuận ổn định hơn” - ông Thạnh chia sẻ.