Nông dân thời hội nhập

Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến quỹ đất sản xuất nông nghiệp của thị xã Chơn Thành ngày càng bị thu hẹp. Để thích ứng với tình hình thực tế, nhiều nông dân trên địa bàn đã nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu, cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, không ngừng xây dựng các tiêu chuẩn, thương hiệu nhằm hội nhập và phát triển.

NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN XUẤT

Gia đình ông Phạm Đình Thành ở khu phố 10, phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành có 1 ha trồng bưởi da xanh hơn 10 năm qua. Ông Thành cho biết: “Chỉ với 1 ha đất nhưng biết đầu tư, khai thác cũng có thể làm giàu. Tôi chọn bưởi da xanh vì cây ra bông quanh năm, nhà vườn có nhiều cơ hội trong điều chỉnh thời gian thu hoạch theo nhu cầu thị trường”. Rễ bưởi ăn nổi, không chịu được ngập úng nên ông Thành đắp các ụ gốc cao. Việc trồng cây theo hàng, lối giúp ông tiện lợi trong việc lắp đặt hệ thống ống tưới, thoát nước và phòng trừ sâu bệnh.

Ông Phạm Đình Thành hài lòng với hiệu quả kinh tế từ 1 ha bưởi da xanh

Ông Phạm Đình Thành hài lòng với hiệu quả kinh tế từ 1 ha bưởi da xanh

Anh Cao Trọng Công làm giàu với mô hình dưa lưới

Anh Cao Trọng Công làm giàu với mô hình dưa lưới

Giữa trưa nắng, nhiệt độ ngoài trời lên tới 350C, thế nhưng khi bước vào vườn bưởi của gia đình ông Thành thì cảm giác mát rượi. “Từ khi cây ra bông đến lúc thu hoạch trái khoảng 8 tháng. Do vậy, muốn có lứa trái để bán vào các dịp lễ, tết trong năm, người trồng phải biết tính thời gian để kích thích ra bông đúng thời điểm. Trước đây, nông dân thường dùng thuốc kích thích, nhưng phương pháp này khiến tầng rễ cám bị chết, việc ra bông chỉ tập trung ở những nhánh to, trái không sai, không đồng đều. Qua học hỏi từ nhiều lão nông có kinh nghiệm, tôi đã áp dụng phương pháp dùng răng cưa khoanh vỏ tròn trên các cành, nhánh. Kỹ thuật này giúp cây có tỷ lệ ra bông, đậu trái cao; trái tròn, đẹp và mỏng vỏ” - ông Thành chia sẻ.

TẠO LỐI ĐI RIÊNG

Mùa nào thức nấy, sự đa dạng, phong phú về các loại trái cây làm cho bức tranh kinh tế nông nghiệp của thị xã Chơn Thành ngày càng khởi sắc. Nông dân cần cù lao động, sáng tạo và không ngừng nhân lên khát vọng làm giàu. Những mô hình kinh tế tưởng chừng chỉ phù hợp thổ nhưỡng miền Tây, nhưng qua bàn tay chăm bón của nông dân Chơn Thành đã không ngừng bén rễ và làm giàu cho nông hộ. Mô hình trồng dừa Indonesia của anh Tô Tấn Lập ở khu phố 2, phường Thành Tâm là minh chứng cho quyết tâm chuyển đổi cây trồng theo lối đi riêng. Anh Lập cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Tây. Khi đến Bình Phước sinh sống, tôi muốn phát triển cây dừa trên vùng đất này. Tuy nhiên, nước ở nơi đây có độ pH chưa đạt chuẩn nên trong vườn tôi múc 2 ao nhỏ. Mùa nắng, tôi hòa vôi bột xuống ao, kiểm tra khi độ pH đạt thì mới tưới cho vườn dừa. Dừa Indonesia có ưu điểm vượt trội là trái rất sai, có buồng lên tới 20 trái, mỗi cây trưởng thành cùng lúc có thể nuôi 7-8 buồng. Hiện tôi thu từ 25-27.000 trái/tháng, giá khoảng 7-8.000/trái, thu nhập cũng khá cao”.

Anh Tô Tấn Lập (bìa phải) làm giàu từ mô hình dừa Indonesia

Anh Tô Tấn Lập (bìa phải) làm giàu từ mô hình dừa Indonesia

Nước ở địa bàn có độ pH chưa đạt chuẩn nên anh Tô Tấn Lập đào ao để tạo độ pH phù hợp phát triển mô hình dừa Indonesia

Nước ở địa bàn có độ pH chưa đạt chuẩn nên anh Tô Tấn Lập đào ao để tạo độ pH phù hợp phát triển mô hình dừa Indonesia

Mấy năm trở lại đây, từ niềm đam mê sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân trẻ thành đạt. Mỗi người có xuất phát điểm khác nhau, song ý chí và đam mê khởi nghiệp đã giúp họ nhanh chóng tạo nên những mô hình hiệu quả mang nét riêng biệt. Ở phường Minh Hưng, anh Nguyễn Văn Công xây dựng thành công mô hình trồng rau sạch, đáp ứng nhu cầu phần lớn người tiêu dùng là công nhân ở các khu công nghiệp; tại xã Quang Minh, gia đình chị Chu Thị Mai Là đã khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu ổi trân châu ruột đỏ. Hay mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Cao Trọng Công ở ấp Ruộng 3, xã Quang Minh cũng đang từng bước khẳng định giá trị trên thị trường.

LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Không còn làm kinh tế theo phương pháp truyền thống, thủ công, manh mún, nhiều nông dân ngày nay đang không ngừng thay đổi, nếp nghĩ, cách làm. Những cá nhân có cùng sở thích đã đoàn kết, tập hợp nhau thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để liên kết sản xuất theo hướng bền vững. Ông Tô Tấn Thành, Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng, khu phố 2, phường Thành Tâm cho biết: “Nông dân ở đây bình quân mỗi hộ có khoảng từ 3-5 ha, có hộ lên tới 30 ha, sản lượng trái thu về mỗi vụ vài chục tấn. Trước đây, mạnh ai nấy làm nên manh mún, rủi ro. Chúng tôi đang liên kết với nhau xây dựng vùng nguyên liệu dồi dào, áp dụng khoa học, kỹ thuật để khẳng định chất lượng sản phẩm, trên cơ sở đó sẽ xây dựng các tiêu chuẩn OCOP, có chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng nhằm có đầu ra ổn định”.

Vựa cây giống của chị Chu Thị Trà Giang (trái) ở khu phố 4, phường Minh Long đã kết nối vươn ra thị trường các nước khu vực Đông Nam Á

Vựa cây giống của chị Chu Thị Trà Giang (trái) ở khu phố 4, phường Minh Long đã kết nối vươn ra thị trường các nước khu vực Đông Nam Á

Sự vận động không ngừng của nền kinh tế thị trường khiến kinh tế nông nghiệp cũng có nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Chị Chu Thị Trà Giang ở khu phố 4, phường Minh Long gắn bó với nghề kinh doanh các loại cây giống trên 20 năm. Hằng ngày, ngoài tổ chức sản xuất, ươm, trồng, cấy ghép, lai tạo các loại cây giống cho khoảng 20 gia đình lao động trực tiếp trên diện tích 30 ha do chị làm chủ, chị Giang còn đặt hàng thu mua của nhiều hộ có nghề sản xuất cây giống uy tín, chất lượng nhằm xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. “Mấy năm gần đây, bình quân mỗi năm tôi bán từ 1,5-2 triệu cây giống các loại sang Campuchia, Lào, Malaysia và Thái Lan, nhiều nhất là giống cây cao su (stum và bầu). Sự uy tín, chất lượng cây giống đã tạo được nhiều mối khách hàng. Qua đó, không chỉ khẳng định thương hiệu cây giống Việt mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều nhà nông có cùng chí hướng” - chị Giang chia sẻ.

Trong thời gian tới, hội tiếp tục tuyên truyền để nông dân thay đổi mạnh mẽ hơn nữa về tư duy sản xuất nông nghiệp sạch. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho nông dân giao lưu, học tập kinh nghiệm không chỉ trong nước mà còn hướng tới một số nước trong khu vực, để qua đó có thể học hỏi và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Chơn Thành NGUYỄN THỊ HẬU

Bà Nguyễn Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Chơn Thành cho biết: Đến nay, thị xã có trên 2.300 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong đó, 18,6% số hộ có mức thu nhập từ 400 triệu đồng/năm trở lên; 49 mô hình sản xuất, kinh doanh có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Hầu hết các mô hình kinh tế tập thể đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cao cho nông dân. Đặc biệt hiện nay, Chơn Thành vinh dự có 2 nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/144683/nong-dan-thoi-hoi-nhap