Nông dân tiếp tục đẩy mạnh tái canh cà phê

Thời gian này, nông dân các địa phương trong tỉnh đang bắt tay vào việc xuống giống các loại cây trồng, trong đó có tái canh cà phê. Dù gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng do thời tiết, dịch bệnh, nhưng bà con vẫn bám ruộng, bám vườn, với mong muốn bảo đảm, nâng cao thu nhập cho gia đình sau này...

Sáng sớm, 4 thành viên trong gia đình ông Nguyễn Chí Linh, thôn Quảng Lợi, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) đã cùng nhau đến các điểm bán cây giống ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) để khảo sát chất lượng, giá cả cây giống cà phê. Sau khi cân nhắc, gia đình ông đã quyết định chọn mua 1.500 cây giống cà phê TR4 với 6 cặp lá, cao khoảng 40 cm của một cơ sở kinh doanh cây giống. Ông cùng mọi người chọn cây ưng ý và đem lên xe chở về rẫy chuẩn bị trồng.

 Gia đình ông Nguyễn Chí Linh, thôn Quảng Lợi, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) mua 1.500 cây giống cà phê TR4 về trồng

Gia đình ông Nguyễn Chí Linh, thôn Quảng Lợi, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) mua 1.500 cây giống cà phê TR4 về trồng

Ông Linh cho biết, những năm gần đây, giá cà phê xuống thấp, nhưng nếu biết hạch toán sản xuất, nông dân vẫn có lãi. Từ đầu năm đến nay, nông dân như ông cũng chịu ảnh hưởng bởi nắng hạn, dịch bệnh Covid-19, nhưng gia đình vẫn quyết tâm không làm gián đoạn kế hoạch sản xuất của mình. Ông Linh cho rằng, cây giống bảo đảm chất lượng sẽ quyết định được khoảng 50% thành công, do đó, khâu giống được ông coi trọng. Song song, ông thực hiện tốt việc chuẩn bị đất kỹ càng, gồm các bước như múc nhổ gốc cà phê cũ, xới, đảo đất, phơi, rắc một ít vôi bột, làm hố, chuẩn bị phân chuồng ủ hoai mục để bón lót…

“Tôi quyết định không chuyển đổi sang cây khác mà trồng lại 1,5 ha cà phê. Giống cà phê TR4 tôi chọn là giống đã được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tạo ra. Nó đã được nhiều hộ trồng, đem lại hiệu quả, nên tôi yên tâm xuống giống, chăm sóc”, ông Linh vui vẻ cho biết.

 Nhiều vườn ươm tại Đắk R'lấp chuẩn bị số lượng lớn cây giống cà phê

Nhiều vườn ươm tại Đắk R'lấp chuẩn bị số lượng lớn cây giống cà phê

Tương tự, theo bà Hồ Thị Công, thôn Thuận Thành, xã Thuận An (Đắk Mil), mùa mưa năm nay bà tiếp tục trồng mới 0,5 ha cà phê. Cộng lại gia đình đã tái canh được 3 ha, trong đó 2 ha trồng những năm 2015, 2016 đã bước vào giai đoạn kinh doanh. Năm 2019, năng suất cà phê của bà đạt 4 tấn/ha. Giống cà phê bà chọn để trồng mới là cà phê dây. Đây là giống cà phê địa phương đã được ngành Nông nghiệp chứng nhận cây đầu dòng nên yên tâm về chất lượng. Qua quá trình trồng, gia đình bà thấy giống mới này có những ưu điểm vượt trội so với giống cũ là cây sinh trưởng nhanh, kháng bệnh tốt, chùm quả dài, chín đồng loạt.

“Cuối năm 2019, đầu năm 2020 người trồng cà phê như gia đình tôi cũng chịu ảnh hưởng bởi giá cả xuống thấp. Hai tháng nay thì khô hạn, thiếu nước khiến vợ chồng tôi nhiều đêm mất ăn mất ngủ. Nhưng không vì thế mà tôi nản lòng, tôi vẫn chăm sóc cây trồng một cách bài bản và chờ đợi sự phục hồi của giá cả”, bà Công nói.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, những năm qua, hoạt động tái canh cà phê bằng hai hình thức là trồng mới và ghép cải tạo ngày càng được nông dân các địa phương trong tỉnh triển khai mạnh mẽ. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã tái canh được trên 13.000 ha cà phê, trong đó, nhiều nhất là ở Đắk Mil, Đắk R’lấp.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/nong-dan-tiep-tuc-day-manh-tai-canh-ca-phe-79465.html