Nông dân tỉnh Trà Vinh gặp khó do nắng nóng gay gắt, mặn kéo dài

Tại tỉnh Trà Vinh, thời tiết nắng nóng gay gắt, nước mặn trên các sông, kênh thủy lợi đầu mối không giảm, gây khó khăn cho nông dân xuống giống trồng màu, thả nuôi con giống thủy sản

Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh chuyển đổi sang trồng lạc cho hiệu quả cao hơn gấp 3 lần so với trồng lúa. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh chuyển đổi sang trồng lạc cho hiệu quả cao hơn gấp 3 lần so với trồng lúa. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Gần một tháng kể từ ngày 13/4 vừa qua, tại tỉnh Trà Vinh, thời tiết nắng nóng gay gắt, nước mặn trên các sông, kênh thủy lợi đầu mối không giảm, gây khó khăn cho nông dân xuống giống trồng màu, thả nuôi con giống thủy sản các vùng nước ngọt và nước lợ.

Huyện Trà Cú đang tập trung chuyển đổi hàng ngàn hecta đất trồng lúa kém hiệu quả, đất trồng mía sang nuôi thủy sản và các loại cây màu khác. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đất cũng gặp nhiều khó khăn. Nông dân chưa thể xuống giống sản xuất.

Theo ông Trần Văn Đồng, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Cú, do giá mía tuột thấp, nông dân trồng mía thua lỗ nhiều năm nên niên vụ mía 2020-2021 đến nay toàn huyện chỉ xuống giống được hơn 736ha, chiếm chưa được 20% tổng diện tích trồng mía của huyện.

Số diện tích trồng mía bỏ vụ còn lại gần 4.000ha đã được Ủy ban Nhân dân huyện chỉ đạo chuyển đổi sang nuôi thủy sản, trồng màu. Do khô hạn, nước mặn kéo dài nên nhiều diện tích chuyển đổi vẫn phải chờ khi có mưa.

Không chỉ về cây trồng, hàng trăm hộ nông dân chuyên nghề nuôi cá lóc trong huyện Trà Cú hiện cũng chịu thiệt hại “kép.”

Theo đó, các hộ nông dân buộc phải thu hoạch sớm dù giá xuống thấp do ảnh hưởng nước mặn sớm từ đầu năm. Thu hoạch xong, ai cũng trông mưa sớm, không còn hạn mặn để tái vụ nuôi bù đắp sự thu lỗ nhưng cho đến nay đã qua gần 3 tháng vẫn phải chịu neo ao.

Tại 2 xã đảo Long Hòa và Hòa Minh, huyện Châu Thành có gần 1.000ha chuyên sản mô hình lúa-tôm càng xanh, hiện nông dân vẫn không thể thả tôm giống trong khi lịch thời vụ thả giống đã muộn gần 2 tháng so hàng năm.

Ông Nguyễn Văn Vàng trú tại ấp Hai Thủ, xã Long Hòa cho biết, hàng năm ông và nhiều nông dân địa phương thu hoạch xong vụ nuôi tôm càng xanh trên đất trồng lúa vào tháng 12 đến hết tháng Một năm sau.

Vào tháng Ba, khi có mưa đầu mùa, nước sông giảm độ mặn xuống còn khoảng 1% là cải tạo đáy ao thả giống. Năm nay, đến thời điểm này nắng vẫn nóng gay gắt, độ mặn nước còn cao nên không ai dám thả tôm giống nuôi, chấp nhận neo trễ mùa vụ sản xuất.

Để khắc phục tình hình khó khăn trong sản xuất nông nghiệp trước tình hình hạn, mặn kéo dài, ngành nông nghiệp tỉnh cùng các địa phương khuyến cáo nông dân nên chủ động chuẩn bị khâu làm đất để khi có mưa sẽ bắt đầu xuống giống.

Về cây trồng, nông dân nên chọn các loại cây màu ngăn ngày cho thu hoạch để có thể tăng thêm vụ sản xuất, bù đắp thu nhập.

Riêng về thủy sản, nông dân ở vùng nước ngọt và nước lợ nên đa dạng con nuôi, tận dụng ao hồ riêng để ương dưỡng con giống. Khi có mưa, nước sông không còn mặn sẽ sang thả con giống ra vùng nuôi đại trà nhằm đảm bảo về thời gian sinh trưởng và thu hoạch.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thực các công trình đào mới, nạo vét hệ thống kênh thủy lợi đầu mối, nội đồng; chủ động cung ứng nguồn giống cây trồng, vật nuôi chất lượng, phù hợp với điều kiện đất đai từng vùng cho nông dân sản xuất./.

Phúc Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nong-dan-tinh-tra-vinh-gap-kho-do-nang-nong-gay-gat-man-keo-dai/639759.vnp