Nông dân TP HCM phát triển du lịch
Nếu được tháo gỡ các vướng mắc cùng chính sách hỗ trợ phù hợp, nông dân TP HCM có cơ hội làm giàu từ xu hướng du lịch chữa lành hiện nay
Ngày 27-11, Chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân thành phố năm 2024 với chủ đề "Vai trò của nông dân trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn trên địa bàn TP HCM" do Thành ủy TP HCM, UBND TP HCM, Hội Nông dân TP HCM tổ chức diễn ra với sự tham gia của nhiều hội viên nông dân tiêu biểu và các sở ngành liên quan.
Để nông dân giữ đất, làm giàu
Tại chương trình, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhận định nông nghiệp TP HCM đang dần chuyển đổi thành một ngành dịch vụ, đáp ứng xu thế khi xã hội ngày càng phát triển. Theo ông, người dân hiện đại có xu hướng tìm về không gian yên bình ở vùng ngoại thành để thư giãn và phục hồi sức khỏe, điều mà ông gọi là "du lịch chữa lành".
Ông cho rằng phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ tăng thu nhập và cải thiện chất lượng sống cho nông dân mà còn giúp bảo tồn không gian xanh, tạo sự phát triển bền vững cho TP HCM - một đô thị lớn và sầm uất. "Cần giữ hồn quê trong lòng thành phố thông qua việc phát triển du lịch nông nghiệp vùng ven" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM, ông Lê Minh Dũng, đánh giá các dịch vụ như homestay, du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp đang phát triển mạnh, phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu du lịch và sự chủ động của nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nhiều mô hình tiên phong đã xuất hiện, như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục và du lịch sinh thái, cộng đồng, lịch sử.
Theo ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc, mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp và du lịch không chỉ tăng thu nhập mà còn bảo tồn giá trị văn hóa, sinh thái địa phương. Du khách có cơ hội tham gia trực tiếp vào các hoạt động như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm, đồng thời quảng bá đặc sản vùng miền, góp phần xây dựng thương hiệu địa phương. Về kinh tế, du lịch nông nghiệp giúp tạo nguồn thu nhập bổ sung, thúc đẩy liên kết giữa nông nghiệp và dịch vụ du lịch, tối ưu hóa tài nguyên địa phương. Thực tế, HTX Tuấn Ngọc đã đón hàng ngàn lượt khách mỗi năm, cho thấy tiềm năng lớn của mô hình này.
Khó khăn còn nhiều
Dù có tiềm năng phát triển lớn nhưng Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc cho rằng mô hình du lịch nông nghiệp đang gặp khó khăn do thiếu quỹ đất và vốn. HTX chỉ còn 1.200 m² đất, khiến việc xây dựng khu đón khách, nhà vệ sinh, khu nghỉ ngơi cho du khách bị hạn chế.
Để nâng cấp và mở rộng mô hình, HTX cần nguồn vốn đầu tư đáng kể cho các hạng mục như xây dựng nhà nghỉ, khu vực ăn uống, sân chơi cho trẻ em, các khu trồng rau sạch theo mô hình mẫu. Tuy nhiên, quy mô HTX nhỏ cùng với những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi khiến kế hoạch đầu tư này chưa thể thực hiện.
Ông Phan Văn Kèo, chủ Khu Du lịch Pro Farm (3 ha, huyện Hóc Môn), nhấn mạnh TP HCM có hơn 2 triệu học sinh - một nguồn khách dồi dào. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn chọn đưa học sinh đến miền Tây thay vì các điểm gần hơn như Pro Farm, do thiếu cơ sở vật chất đón tiếp. Do vậy, ông kiến nghị chính quyền cần có chính sách hỗ trợ nông dân làm du lịch nông nghiệp - từ vay vốn, đầu tư đến phát triển hạ tầng giao thông. Đặc biệt, cần cho phép xây dựng công trình phụ trợ bán kiên cố trên đất nông nghiệp tại 5 huyện ngoại thành để cải thiện khả năng phục vụ và thu hút khách.
Phát biểu kết luận chương trình đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan gợi ý 2 hoạt động các sở ngành có thể làm ngay mà không cần đợi tháo gỡ về chính sách. Đó là tổ chức tour cho các công ty du lịch tới các điểm đến du lịch nông nghiệp để cùng nông dân bàn cách phát triển bền vững vì đây là hạng mục cần đầu tư lớn, cần các đơn vị chuyên nghiệp tham gia để bảo đảm hiệu quả. Tiếp theo, đưa nông dân làm du lịch tham quan các mô hình ở nước ngoài để học hỏi, ứng dụng vào thực tế.
Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết TP HCM là địa phương tiên phong trong cả nước thí điểm xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, nay đã được quy định trong Luật Đất đai 2024. Ông yêu cầu các địa phương rà soát số nông dân thực hiện mô hình nông nghiệp du lịch, đồng thời xác định những diện tích đất lúa không còn canh tác được để hỗ trợ kịp thời và đúng đối tượng.
Ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh mặc dù đã có nhiều kết quả tích cực nhưng lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của TP HCM chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng. Nông nghiệp chưa theo kịp xu hướng kinh tế nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp số và ứng dụng khoa học - công nghệ còn hạn chế. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, ông đề cao vai trò của truyền thông trong quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm thu hút khách du lịch hiệu quả hơn.
Nhiều vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành
Cùng ngày, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với Cục Hải quan TP HCM tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền nhằm phổ biến quy định pháp luật, giải đáp vướng mắc trong việc thực thi chính sách thuế, chính sách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã nêu các vướng mắc liên quan thủ tục xuất nhập khẩu, đặc biệt là đối với các hóa chất như axít formic - một thành phần có thể là tiền chất ma túy. Cụ thể, đại diện Công ty Tân Đạt Đức, bà Nguyễn Thị Cẩm Chinh đặt câu hỏi liên quan việc nhập khẩu sản phẩm chứa axít formic. Theo quy định mới, nếu sản phẩm có hơn 5% axít formic, doanh nghiệp cần có giấy phép từ Bộ Công Thương khi sử dụng trong ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp nhập muối của axít formic như sodium formic hoặc calcium formate, không phải axít formic trực tiếp, đã khiến các cơ quan kiểm tra chuyên ngành gặp khó khăn trong việc xác định thành phần này, dẫn đến việc hàng hóa bị tạm giữ do nghi ngờ có chứa chất gây nghiện.
Bà Lê Thị Thùy Dung, Phó trưởng Phòng Giám sát quản lý - Cục Hải quan TP HCM, giải thích axít formic là hóa chất được quản lý nghiêm ngặt, không chỉ vì khả năng sản xuất ma túy mà còn vì tính chất đa dụng của nó trong các ngành công nghiệp khác. Sau quá trình trao đổi giữa các cơ quan chức năng và đã có các điều chỉnh để giải quyết vướng mắc này, cơ quan hải quan hiện đã cấp phép cho 4 mặt hàng hóa chất có liên quan đến axít formic để nhập khẩu Việt Nam.
Ngoài ra, một vấn đề khác được nêu lên từ Công ty Jebsen & Jessen Việt Nam liên quan việc yêu cầu xác nhận từ các cơ quan chuyên ngành như Vinacontrol hoặc Viện Vệ sinh Y tế Công cộng đối với những mặt hàng không thuộc diện kiểm tra của Bộ Y tế. Cơ quan hải quan đã giải đáp và hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình này, giúp giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu hàng hóa.
S.Nhung
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nong-dan-tp-hcm-phat-trien-du-lich-196241127205500908.htm