Nông dân trẻ với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Với mong muốn giúp người dân ở địa phương dễ dàng tiếp cận nguồn rau sạch, chất lượng, bảo đảm an toàn, anh Lưu Đức Tài, sinh năm 1993, hội viên Hội Nông dân xã Hòa Hội, huyện Châu Thành mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh. Đây là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn xã Hòa Hội.
Là một kỹ sư công nghệ sinh học, với 3 năm kinh nghiệm làm việc tại các trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ tháng 11.2021, anh Lưu Đức Tài quyết định đầu tư hơn 380 triệu đồng xây dựng 6 nhà màng với tổng diện tích 400m2, cùng các vật tư, trang thiết bị để thực hiện mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh.
Anh Tài cho biết, mô hình anh đang thực hiện là hệ thống thủy canh NFT. Đây là hệ thống thủy canh mang tính linh hoạt, với nhiều ưu điểm như: có thể tùy chỉnh dinh dưỡng cho cây hợp lý nhất; tiết kiệm nước tối đa do cây sử dụng trực tiếp nước có trong máng đựng dung dịch dinh dưỡng, nước không bị thất thoát ra ngoài. Ngoài ra, còn giảm được chi phí nhân công, do không cần đến khâu làm đất, làm cỏ, vun xới và tưới nước, hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp cây trồng phát triển tốt, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Với 6 nhà màng, mỗi nhà màng anh trồng một loại sản phẩm. Việc xuống giống được thực hiện đồng loạt để cây trồng phát triển cân đối, thuận lợi cho việc chăm sóc. Trong đó, các sản phẩm chủ yếu là rau cải, dưa leo, cà chua bi, dưa lưới…
Nhờ trồng trong mô hình khép kín, quy trình được kiểm soát kỹ lưỡng nên các sản phẩm rau thủy canh đạt năng suất, chất lượng và an toàn so với phương pháp trồng thông thường.
Tính đến thời điểm hiện tại, anh Tài trồng và thu hoạch được 5 vụ rau, quả, với năng suất ổn định, bình quân mỗi vụ đạt sản lượng từ 1,2 đến 1,5 tấn. Sản phẩm rau thủy canh của anh Tài được tiêu thụ chủ yếu qua các kênh bán lẻ, bước đầu thuận lợi, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Sau khi trừ tất cả chi phí thì hằng tháng anh thu về lợi nhuận từ 16 đến 18 triệu đồng.
Với kết quả này anh Tài dự định vào năm sau sẽ mở rộng thêm quy mô diện tích sản xuất để trồng được nhiều loại rau khác nhau nhằm tăng sản lượng rau sạch cung cấp ra thị trường. Anh Tài cũng cho biết, anh sẵn sàng chia sẻ về kỹ thuật thực hiện mô hình này đến với bà con nông dân có nhu cầu, để áp dụng hiệu quả, cũng như mong muốn mô hình sẽ được nhân rộng ở địa phương.
Bà Nguyễn Thúy Dân- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hội cho biết, mô hình trồng rau thủy canh của anh Lưu Phước Tài là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn xã Hòa Hội, với nhiều triển vọng, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, mà còn hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.
Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ mở lớp tập huận kỹ thuật về trồng rau thủy canh, bên cạnh đó cho các hội viên tham quan thực tế mô hình trồng rau thủy canh của anh Lưu Đức Tài để các hội viên nắm rõ về kỹ thuật, cũng như quy trình trồng rau bằng phương pháp thủy canh.
Trồng rau thủy canh là phương pháp sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Đây cũng là mô hình có thể nhân rộng để tạo nguồn cung rau củ quả sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Tuy nhiên, người nông dân cần lưu ý là vốn đầu tư ban đầu cho mô hình này khá lớn; đòi hỏi nông dân phải nắm vững quy trình, kỹ thuật trồng rau thủy canh cũng như những kiến thức cơ bản về nông nghiệp để thực hiện mô hình thành công, hiệu quả.