Nông dân trồng cây 'tỷ đô' chật vật vì thời tiết 'sáng nắng, chiều mưa'

Những cơn mưa trái mùa và nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đáng kể đến việc đơm hoa, kết trái của cây sầu riêng. Nhiều nhà vườn lo lắng trước nguy cơ giảm sản lượng cây 'tỷ đô'.

Nỗi lo sau những cơn mưa trái mùa

Những ngày qua, thời tiết thất thường đang trở thành nỗi lo lớn của nhiều nông dân trồng sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk, đe dọa nghiêm trọng đến năng suất các vườn sầu riêng đang ra hoa, kết trái.

Ông Phạm Minh Tĩnh (trú tại buôn Ko Tam, xã Ea Tu, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, việc chăm sóc cây sầu riêng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì qua từng giai đoạn, với vô vàn khó khăn. Từ khi cây bắt đầu xổ nhụy đến lúc thu hoạch phải mất khoảng 110-120 ngày. Nếu trái sầu riêng vượt qua 70 ngày sau khi xổ nhụy thì nhà vườn mới có thể phần nào yên tâm.

Việc chăm sóc cây sầu riêng của người nông dân gặp nhiều khó khăn trước những diễn biến của thời tiết.

Việc chăm sóc cây sầu riêng của người nông dân gặp nhiều khó khăn trước những diễn biến của thời tiết.

Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng cực đoan trong những ngày gần đây, với nhiệt độ có lúc lên tới 36-37 độ C, đang khiến quá trình chăm sóc thêm vất vả. Mặc dù người dân đã tích cực tưới nước dưới gốc cây, nhưng nắng gắt khiến phần ngọn vẫn thiếu độ ẩm, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, đặc biệt là trong giai đoạn ra hoa kết trái.

Để khắc phục, sau khi cây xổ nhụy hoa xong, nhiều hộ trồng sầu riêng phải chuyển sang tưới bằng hệ thống béc phun nhằm cung cấp nước đồng đều cho cây. Nhưng, nếu tưới quá nhiều cũng dẫn đến tình trạng rụng trái non hàng loạt.

Tại huyện Krông Pắk – nơi được mệnh danh là "thủ phủ" sầu riêng của Đắk Lắk, tình hình thời tiết bất ổn khiến nhiều hộ dân rơi vào thế bị động. Theo người dân địa phương, thời điểm cây sầu riêng ra hoa vốn cần điều kiện thời tiết khô ráo, ổn định. Tuy nhiên, năm nay, các cơn mưa trái mùa xuất hiện liên tục đã ảnh hưởng đáng kể đến quá trình đơm hoa, kết trái.

Hoa sầu riêng rụng hàng loạt.

Hoa sầu riêng rụng hàng loạt.

Ông Nguyễn Công Điềm (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) chia sẻ: "Giai đoạn này là giai đoạn nhạy cảm nhất của cây sầu riêng, bắt đầu siết nước để cây đâm hoa kết trái. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay đã có đến 3 đợt mưa trái mùa. Đặc biệt, mưa đầu mùa thường chứa nhiều axit, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm khuẩn phát triển, khiến mắt cua bị đen, khô, không thể phát triển thành hoa. Nhiều lớp hoa mới cũng bị thối ngay khi vừa hình thành".

Bên cạnh đó, nắng nóng gay gắt sau mưa khiến đất nhanh chóng khô cằn, cây trồng thiếu nước, làm gián đoạn quá trình phân hóa mầm hoa.

Ông Hướng Viết Lợi (trú tại xã Ea Kênh, chủ vườn sầu riêng rộng 4 ha) cho biết: "Tôi đã gắn bó với cây sầu riêng hơn 10 năm, nhưng chưa năm nào gặp tình hình thời tiết như năm nay. Những năm trước, hoa chỉ ra một đợt. Nhưng năm nay, mỗi cây có ít nhất 3 lớp hoa, đồng nghĩa với việc phải chăm sóc nhiều lần hơn, chi phí tăng cao và thời vụ thu hoạch cũng kéo dài hơn".

Theo ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch Krông Pắk, do thời tiết diễn biến bất thường, năng suất sầu riêng trong năm nay dự kiến sẽ giảm khoảng 30% so với vụ trước.

Trái sầu riêng non sau khi xổ nhụy rụng hàng loạt.

Trái sầu riêng non sau khi xổ nhụy rụng hàng loạt.

Tại huyện Cư M’gar, anh Phạm Văn Phúc (thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến) cho biết, để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, thời gian qua gia đình anh đã chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, anh cũng mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước nhằm đảm bảo đủ độ ẩm cho vườn sầu riêng trong mùa khô hạn.

Nhưng, đợt nắng nóng kéo dài trong những ngày qua đã khiến vườn sầu riêng của gia anh bị "sốc nhiệt", dẫn đến hiện tượng rụng trái non hàng loạt, với tỉ lệ rụng lên đến 50%.

"Chìa khóa" giúp nông dân vượt khó

Ông Trần Văn Thắng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xanh Krông Pắk cho rằng, để ứng phó với thời tiết bất thường, cần ngành nông nghiệp hỗ trợ công nghệ như máy bay phun thuốc, thiết bị bán tự động, trạm dự báo thời tiết và hệ thống đo độ ẩm, áp suất, hướng gió,... phục vụ chăm sóc sầu riêng.

Ông Thắng cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học tăng cường hỗ trợ, khuyến cáo người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, lắp đặt các máy móc, thiết bị, đặc biệt là trạm dự báo thời tiết cho vườn sầu riêng.

Thiết bị này không chỉ giúp dự báo thời tiết mà còn xác định được độ ẩm, áp suất trong không khí.

Nhiều chùm rụng trơ còng, chỉ còn vài trái non.

Nhiều chùm rụng trơ còng, chỉ còn vài trái non.

Trên cơ sở đó, người nông dân có biện pháp cải tạo đất, chăm sóc, bón phân khoa học hơn, giúp cây sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt và đảm bảo chất lượng sau khi thu hoạch.

Trong khi đó, ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch Krông Pắk cho biết, hợp tác xã đã chủ động mời các nhà khoa học về tư vấn, trao đổi với bà con.

Qua đó, nhằm tìm ra giải pháp xử lý hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng vườn cây, vừa hạn chế tình trạng lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình xử lý.

Những trái sầu riêng non đang dần phát triển.

Những trái sầu riêng non đang dần phát triển.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Tp.Buôn Ma Thuột cho biết, thời gian qua, thời tiết trên địa bàn diễn biến thất thường.

Để hạn chế những thiệt hại do thời tiết gây ra, cần các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của các đợt tiểu khí hậu trong năm. Từ đó, đưa ra các giải pháp khuyến cáo người dân trong quá trình canh tác nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội Nông dân Tp.Buôn Ma Thuột thường xuyên cập nhật, phổ hiến các văn bản chỉ đạo của cấp trên đến người dân để thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, người dân cũng cần chủ động theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để chăm sóc tốt cho diện tích cây trồng của gia đình mình.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, tổng diện tích sầu riêng hiện nay trên toàn tỉnh Đắk Lắk là 37.381ha; sản lượng năm 2024 đạt gần 318 ngàn tấn.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững. Mục tiêu của đề án, đến năm 2030, diện tích sầu riêng phát triển ổn định khoảng 40.000 ha, sản lượng đạt 790.000 tấn/năm.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nong-dan-trong-cay-ty-do-chat-vat-vi-thoi-tiet-sang-nang-chieu-mua-204250423163239799.htm