Vĩnh Long bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc Khmer

Vĩnh Long là tỉnh ở trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có dân số trên 1,2 triệu người, với 24 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Khmer trên 27 nghìn người, chiếm khoảng 2,1%. Hầu hết người Khmer ở tỉnh Vĩnh Long theo Phật giáo Nam tông, có một bộ phận nhỏ theo đạo Thiên chúa, Tin Lành.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã đẩy mạnh triển khai thực hiện nhất quán chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người cho đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh; đấu tranh ngăn chặn các hoạt động kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, chống phá Đảng, Nhà nước.

Nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer, ngày 16/4, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Tiến Dũng đến thăm, chúc Tết Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long. (Nguồn: Báo Vĩnh Long)

Nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer, ngày 16/4, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Tiến Dũng đến thăm, chúc Tết Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long. (Nguồn: Báo Vĩnh Long)

Ngăn chặn hoạt động tôn giáo trái pháp luật

Từ năm 2020 đến nay, các thế lực thù địch, đối tượng cực đoan trong dân tộc Khmer trên địa bàn tăng cường liên kết, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, triệt để lợi dụng các vụ việc phức tạp xảy ra trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, điển hình là việc xây dựng “Ngôi giảng đường” trái pháp luật (tại xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình); tổ chức các hoạt động sinh hoạt tôn giáo khi chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương, với âm mưu tập hợp số đối tượng chống đối ở các địa phương khác hoạt động tuyên truyền, chống phá, tách Phật giáo Nam tông Khmer ra khỏi sự quản lý của giáo hội Phật giáo Việt Nam, hình thành tư tưởng ly khai, tự trị trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Đáng chú ý, các đối tượng treo cờ của Liên đoàn Khmer Kampuchea Krom (KKF) tại một số nơi trong vùng đồng bào dân tộc, công khai thách thức, xem thường cán bộ và chính quyền địa phương, chiếm quyền điều hành chùa Đại Thọ, ngăn cản không cho người dân phật tử đến sinh hoạt tôn giáo tại chùa, đóng cửa lò hỏa táng gây bức xúc trong dư luận đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn.

Ở bên ngoài, tổ chức phản động Liên đoàn KKF sử dụng các trang mạng xã hội như VOKK, Reahou TV, KKCC TV, RFA… tuyên truyền, xuyên tạc sai sự thật, vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền đối với số được gọi là “nhà hoạt động nhân quyền Khmer Krom", đẩy mạnh sử dụng mạng xã hội Facebook đưa những hình ảnh số đối tượng bị ta bắt giữ kèm theo đó lồng ghép những thông tin sai sự thật nhằm kích động tư tưởng chia rẽ hận thù dân tộc.

Trước diễn biến tình hình trên và kiến nghị của các tổ chức, cá nhân, đồng bào phật tử trên địa bàn, cơ quan chức năng đã chủ động thu thập chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 2 đối tượng về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và 7 đối tượng về hành vi “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”.

Đồng thời, lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ toàn bộ công trình “Ngôi giảng đường” trái phép tại ấp Tổng Hưng, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trong vùng đồng bào dân tộc Khmer các tỉnh nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tiếp đoàn Tổng lãnh sự quán Mỹ đến thăm và làm việc, ngày 23/9/2024. (Ảnh: N.A)

Văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tiếp đoàn Tổng lãnh sự quán Mỹ đến thăm và làm việc, ngày 23/9/2024. (Ảnh: N.A)

Liên quan đến vụ việc, ngày 27/8/2024, Tổng lãnh sự quán Mỹ gửi Công hàm đến Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị sắp xếp buổi làm việc với một số sở, ngành có liên quan và thăm Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long để tìm hiểu về tự do tôn giáo, đặc biệt là vụ việc liên quan “Ngôi giảng đường” và bắt giữ một số đối tượng cực đoan tại xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình.

Việc xử lý công trình và hoạt động tôn giáo trái pháp luật đã được quần chúng nhân dân và đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh đồng lòng ủng hộ.

Tại buổi làm việc với Tổng lãnh sự quán Mỹ, cơ quan chức năng của tỉnh đã phản bác một số nội dung thiếu khách quan về tình hình tôn giáo tại địa phương; đồng thời khẳng định:

(i) Cơ quan chức năng của tỉnh không cưỡng chế cái gọi là “Ngôi giảng đường” mà chỉ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên phần đất của người khác theo bản án quyết định của TAND huyện Tam Bình và yêu cầu của người dân.

(ii) Cơ quan chức năng không bắt và xử lý ai là trụ trì chùa, nhà sư và phật tử mà chỉ bắt, xử lý công dân Việt Nam có hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam.

(iii) Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hay không theo tôn giáo nào. Ở Vĩnh Long không có bất kì lãnh đạo Cao đài độc lập nào bị thẩm vấn, cấm xuất cảnh vì lý do tôn giáo.

Khánh thành tuyến đường năng lượng mặt trời ấp Thôn Rôn và ấp Ngãi Lộ A. (Nguồn: Báo Vĩnh Long)

Khánh thành tuyến đường năng lượng mặt trời ấp Thôn Rôn và ấp Ngãi Lộ A. (Nguồn: Báo Vĩnh Long)

Bảo đảm an ninh, an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer

Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị cơ sở, quần chúng nhân dân, lực lượng chính trị nòng cốt, phật tử, người có uy tín trong dân tộc Khmer tham gia cùng với lực lượng chức năng tại địa phương, vụ việc đã được giải quyết triệt để, ổn định tình hình, đồng thời chuẩn bị nhân sự, kiện toàn Ban trị sự chùa Đại Thọ…, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, triển khai các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo trong vùng có đông đồng bào dân tộc.

Cùng với đó, lực lượng chức năng của tỉnh đã tổ chức tổ chức 7 cuộc tuyên truyền rộng rãi để đồng bào, sư sãi, phật tử không tin theo luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động, không tham gia các hoạt động gây phức tạp an ninh, trật tự.

Điển hình ngày 11/4/2024, Công an tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức buổi họp mặt chào mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2024 với lãnh đạo Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, đại diện Ban quản trị, các sư của 13 chùa và những người có uy tín trong đồng bào Khmer địa phương.

Tại buổi gặp mặt, Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh - ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long cho biết, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương nên đời sống kinh tế đồng bào Khmer ngày càng phát triển. Thượng tọa cũng đã lưu ý với các sư cả trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên vận động đồng bào Khmer thi đua lao động sản xuất, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu.

Thời gian qua, các chính sách phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc ở tỉnh Vĩnh Long luôn được quan tâm, thực hiện có hiệu quả.

Vì thế, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với người Khmer ngày càng được nâng lên và có sự chuyển biến rõ rệt. 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có trạm y tế, trường học, nhà máy nước sạch, điện lưới quốc gia và có đường ô tô đến trung tâm, các đường liên ấp đều được bê tông hóa, xe mô tô đi thông suốt 2 mùa mưa nắng…

Trong đó, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng được nâng lên, ngày càng chuyển biến rõ rệt, số hộ nghèo giảm còn 3,08%/tổng số hộ người Khmer (296/8.735 hộ).

Vĩnh Long chú trọng phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Đồng bào Khmer trình diễn nhạc ngũ âm. (Nguồn: Báo Vĩnh Long)

Vĩnh Long chú trọng phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Đồng bào Khmer trình diễn nhạc ngũ âm. (Nguồn: Báo Vĩnh Long)

Không để phát sinh điểm nóng

Từ thực tiễn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo đảm cho đồng bào dân tộc Khmer được sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, chăm lo phát triển kinh tế, không bị lôi kéo, kích động, cần có những biện pháp phù hợp.

Một là, tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động tham mưu triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh trật tự đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhất là công tác tăng cường bảo đảm an ninh cơ sở; đề xuất các biện pháp xử lý giải quyết ổn định ngay từ đầu vụ việc phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, không để kéo dài, dễ bị các đối tượng bên ngoài lợi dụng gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Hai là, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt là người dân tộc Khmer đủ mạnh để cùng với cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Công an tham gia bảo đảm an ninh trật tự, giải quyết các vụ việc phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, nhất là về nhân sự, cơ cấu tổ chức, phương hướng hoạt động, nhằm tham gia giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp liên quan đến Phật giáo Nam tông Khmer.

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào dân tộc, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, chú trọng công tác tranh thủ cá biệt các vị sư sãi, người có uy tín trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.

TRẦN QUỐC PHỤC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vinh-long-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-cho-dong-bao-dan-toc-khmer-312044.html