Nông dân trồng mía ở Sông Hinh gặp 'hạn' (bài 1)

Nông dân huyện Sông Hinh đang đưa mía lên xe để vận chuyển về nhà máy chế biến của Công ty CP Mía đường Tuy Hòa. Ảnh: ANH NGỌC

Hơn 3 năm nay, ngành Mía đường liên tiếp gặp khó khăn do thị trường đường không ổn định, kéo theo đó là giá mía nguyên liệu cũng xuống thấp nên đời sống nông dân bấp bênh khi đầu tư cây trồng này. Trong khi đó, hiện vùng mía nguyên liệu ở huyện Sông Hinh được quy hoạch trước đây đã hết hiệu lực và không còn phù hợp; Công ty CP Mía đường Tuy Hòa lại ít quan tâm đầu tư cho vùng nguyên liệu được ký kết đầu tư và tiêu thụ. Vấn đề tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu cũng diễn biến rất phức tạp. Thiên tai xảy ra cùng với dịch bệnh trên cây mía cũng khiến nhiều nông dân điêu đứng bởi làm ăn thua lỗ.

Bài 1: Nông dân bức xúc, huyện kiến nghị

Niên vụ 2019-2020, do nắng hạn kéo dài, đa số nông dân trồng mía ở huyện Sông Hinh bị mất mùa nên năng suất, sản lượng không đạt như đã cam kết. Mặc dù nông dân đã bán hết nguyên liệu mía trên diện tích ký hợp đồng cho doanh nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được khoản tiền thưởng hoàn thành hợp đồng…

Nông dân bức xúc

Theo UBND huyện Sông Hinh, niên vụ 2019-2020, diện tích sản xuất mía trên địa bàn huyện khoảng 3.545ha, trong đó diện tích ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ với Công ty CP Mía đường Tuy Hòa khoảng 2.300ha. Tuy nhiên, vụ mía này trên địa bàn Sông Hinh xảy ra nắng hạn kéo dài, năng suất mía chỉ đạt 43 tấn/ha, nhiều diện tích chỉ đạt 30-35 tấn/ha, nên đa số người trồng mía lỗ nặng. Nhiều nông dân không đủ sản lượng mía bán cho doanh nghiệp như đã ký kết.

Bà Phạm Thị Lệ Tâm ở xã Đức Bình Tây cho biết: Gia đình tôi trồng 10ha mía. Vụ mía 2019-2020, do thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài, năng suất mía chỉ còn 35 tấn/ha nên không đủ sản lượng mía nhập về nhà máy như đã ký kết (hợp đồng 50 tấn/ha/vụ). Giống như các năm trước, gia đình tôi đã bán hết số lượng mía trồng niên vụ này cho công ty, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa nhận được tiền thưởng hoàn thành hợp đồng (75.000 đồng/tấn). Hơn 10 năm nay, gia đình tôi đều bán tất cả mía thu hoạch cho Nhà máy đường Tuy Hòa, chưa từng bán mía ra ngoài. Vụ mía 2020-2021, gia đình tôi thu hoạch trên 500 tấn mía cây, tất cả đều nhập về nhà máy này. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 tháng, gia đình tôi vẫn chưa nhận được tiền bán mía. Thậm chí đến chữ đường bao nhiêu giá mía như thế nào, gia đình tôi cũng chưa được biết.

Ông Nguyễn Văn Lực ở thôn An Hòa, xã Đức Bình Tây, cho hay: Gia đình tôi trồng hơn 2ha mía, thuộc vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Tuy Hòa. Năm trước, do nắng hạn nên sản lượng mía rất thấp, tiền bán mía không đủ chi trả công lao động, nhưng gia đình tôi vẫn bị công ty giữ lại tiền thưởng hoàn thành hợp đồng. Gọi là tiền thưởng nhưng thực tế nếu cộng khoản tiền thưởng này với giá 1 tấn mía mà Công ty CP Mía đường Tuy Hòa đã thu mua thì vẫn thấp hơn so với bán mía ra bên ngoài từ 100.000-150.000 đồng/tấn. Vụ mía năm nay, tôi chỉ nhập đủ sản lượng mía theo hợp đồng về nhà máy, còn lại bán 2 xe mía ra ngoài, được hơn 70 triệu đồng để chi trả các khoản công lao động thu hoạch mía. Riêng số mía nhập về nhà máy thì đến nay tôi cũng chưa biết được bao nhiêu tiền, chữ đường tính bao nhiêu. “Người nông dân làm cả năm mới thu hoạch được một vụ mía, nhưng Công ty CP Mía đường Tuy Hòa đã đẩy hết phần thiệt thòi cho nông dân chúng tôi. Việc chậm trả tiền mía cho nông dân là một trong những hành vi chiếm dụng vốn của người khác, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để kiểm tra, làm rõ”. Ông Lực nói.

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, việc thực hiện hợp đồng liên kết và tiêu thụ mía giữa Công ty CP Mía đường Tuy Hòa với người dân trồng mía trên địa bàn huyện niên vụ 2019-2020 có nhiều bất cập. Cụ thể như, người dân không được nhận lại hợp đồng sau khi ký kết để theo dõi thực hiện; kết thúc mùa vụ rất lâu nhưng công ty này không thanh lý hợp đồng; công ty không tổ chức đối thoại với người dân trồng mía khi có vấn đề phát sinh…

Chưa thống nhất trong giải quyết

Theo UBND huyện Sông Hinh, đến cuối vụ mía 2019-2020, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa đã chi trả tiền thưởng cho các hộ hoàn thành hợp đồng với diện tích khoảng 500ha; số diện tích còn lại (khoảng 1.800ha của 688 hộ) công ty chưa chi trả vì lý do không hoàn thành hợp đồng. Nguyên nhân, niên vụ 2019-2020 do nắng hạn kéo dài, năng suất mía thực tế chỉ đạt 43 tấn/ha, nhiều diện tích chỉ đạt 30-35 tấn/ha và có đến 70-75% số hộ trồng mía ở Sông Hinh bị thua lỗ. Thậm chí nhiều hộ có mía bị chết gốc, mất trắng không có thu hoạch và khó khăn cho việc đầu tư mùa vụ tiếp theo. Việc không đủ sản lượng mía bán cho công ty là do nắng hạn nhưng Công ty CP Mía đường Tuy Hòa chưa xem xét và chi trả tiền thưởng hoàn thành hợp đồng, khiến nhiều nông dân bức xúc.

Phóng viên Báo Phú Yên trao đổi, nắm thông tin phản ánh từ nông dân trồng mía ở xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh). Ảnh: ĐÔNG HUY

Phóng viên Báo Phú Yên trao đổi, nắm thông tin phản ánh từ nông dân trồng mía ở xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh). Ảnh: ĐÔNG HUY

Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Địa phương đã động viên người dân bán hết sản phẩm mía cho công ty mà không bán cho các nhà máy khác, mặc dù giá mía chênh lệch so với thị trường từ 150.000-200.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, đến nay, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa chưa thực hiện chi tiền thưởng cho 688 hộ dân trồng mía không đủ sản lượng do thiên tai làm mất mùa. Như vậy, sản lượng mía công ty này không chi thưởng trên 50.000 tấn, tương ứng số tiền trên 3,1 tỉ đồng.

Theo bà Phạm Thị Mai Loan, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Tuy Hòa, công ty đồng tình với đánh giá của huyện Sông Hinh về năng suất mía niên vụ 2019-2020. Tuy nhiên, với năng suất này thì tổng sản lượng mía ở Sông Hinh mà công ty đã ký hợp đồng phải đạt 129.000 tấn, nhưng thực tế lượng mía nhập về nhà máy chỉ được 89.585 tấn, doanh nghiệp nghi ngờ người dân không hoàn thành hợp đồng không chỉ do nắng hạn? Về chi phí chi trả cho ban điều hành mía đường, sắn của huyện và xã, hiện công ty đang khó khăn do thiếu mía sản xuất, lỗ lớn, nợ ngân hàng nhiều nên chưa chi trả được, mong địa phương chia sẻ.

Cần giải quyết thấu tình, hợp lý

Ngày 6/6/2020, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa có thông báo không chi trả tiền thưởng cho 688 hộ trồng mía nói trên mà chi khoản tiền thưởng này bằng hình thức cho vay (bằng 50% số tiền thưởng) để các hộ tái đầu tư cho vụ mía 2020-2021 và ghi nợ đầu tư khoản tiền này.

Nếu đến vụ thu hoạch mía 2020-2021 hoàn thành hợp đồng, giao đủ sản lượng mía đã đăng ký thì công ty sẽ chi trả đủ 100% khoản tiền thưởng của vụ 2019-2020 và thu hồi lại khoản đã cho vay. Thông báo này đã làm người dân trồng mía không đồng tình với chính sách chi trả tiền thưởng của công ty. Theo UBND các xã Ea Ly, Sơn Giang và thị trấn Hai Riêng, chính sách đầu tư, việc đánh giá tạp chất, chữ đường, giá thu mua mía của Công ty CP Mía đường Tuy Hòa có nhiều bất hợp lý. Việc giữ lại 75.000 đồng/tấn mía của người dân với lý do không nhập đủ sản lượng trong điều kiện thời tiết bất lợi, nắng hạn kéo dài… gây bức xúc cho người trồng mía.

Ngày 25/9/2020, Sở Công thương tổ chức cuộc họp bàn, giải quyết các kiến nghị của UBND huyện Sông Hinh về tình hình thực hiện hợp đồng đầu tư và tiêu thụ mía giữa Công ty CP Mía đường Tuy Hòa với nông dân. Tại buổi làm việc, đại diện địa phương, các sở, ngành đều yêu cầu Công ty CP Mía đường Tuy Hòa thanh toán tiền hoàn thành hợp đồng vụ mía 2019-2020 cho 688 hộ dân đã được xác nhận năng suất mía bị ảnh hưởng bởi nắng hạn. Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Theo hợp đồng với Công ty CP Mía đường Tuy Hòa, người dân phải nhập đủ sản lượng mía về nhà máy thì được thanh toán tiền thưởng hoàn thành hợp đồng. Tuy nhiên, niên vụ mía 2019-2020 xảy ra hạn hán kéo dài, mía chết, mất mùa, năng suất giảm còn khoảng 43 tấn/ha, do đó sản lượng mía thu hoạch không đảm bảo theo dự kiến đã cam kết. Việc này, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa cần thỏa thuận lại và thanh toán cho dân khoản tiền thưởng hoàn thành hợp đồng nhằm chia sẻ rủi ro và tạo sự gắn kết với nông dân trồng mía.

Bài cuối: Cần sớm quy hoạch lại vùng nguyên liệu

Đối với 688 hộ được lập trong danh sách không bán mía ra ngoài, lãnh đạo Công ty CP Mía đường Tuy Hòa phải tin tưởng bộ phận nông vụ của công ty và tổ điều hành mía đường của xã để có sự điều hành khách quan và giải quyết thấu tình, hợp lý.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đào Lý Nhĩ

ANH NGỌC - NAM KHÁNH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/256668/nong-dan-trong-mia-o-song-hinh-gap--han--bai-1.html