Nông dân vất vả loại bỏ 'lúa ma'
'Lúa ma' hay còn gọi là lúa cỏ, lúa hoang xuất hiện ở Ninh Bình vài năm trở lại đây và đang có xu hướng gia tăng. Loại lúa này gây thiệt hại về kinh tế và đang khiến không ít nông dân phải lo lắng, bất an. Hiện nay, trên nhiều cánh đồng, người dân đang khẩn trương tập trung xử lý và loại bỏ loại lúa này.
Mất công, mất của…
Dù gần 11h trưa, nhiệt độ tăng cao nhưng trên cánh đồng của gia đình, bà Bùi Thị Biên, xóm Đông A Nhuận Hải, xã Khánh Hải (Yên Khánh) vẫn miệt mài vạch từng khóm lúa để tỉa bỏ những cây lúa ma. Nặng nhọc ôm đống lúa to vừa nhổ đem lên bờ, bà Biên chia sẻ: "Tôi đi từ sáng đến giờ, gần 5 tiếng rồi mà chưa được nửa sào ruộng. Không nhặt thì cỏ lên át hết cây lúa, mà nhặt thì không biết bao giờ mới xong. Từ lúc lúa dặm được, đây là đợt thứ 3 tôi phải đi nhổ cỏ. Tôi xác định nhổ lúa cỏ đến lúc gặt luôn".
Bà Biên cho biết năm nay bà phải để lại 3 sào cho người anh em cấy hộ. Gia đình hiện còn cấy một mẫu. Lý do là vì những năm gần đây, trên ruộng xuất hiện nhiều cây lúa cỏ khiến bà không đủ sức khỏe và thời gian để tỉa bỏ. Theo chia sẻ của bà Biên, từ khi biết và phát hiện ra cây lúa cỏ, năm nào gia đình cũng tập trung nhổ bỏ theo nhiều đợt nhưng vụ sau cây lúa này lại lên một cách khó hiểu.
Thậm chí ở những nơi có nền đất cao, lúa cỏ xuất hiện dày đặc. Vụ đông xuân năm nay, gia đình bà chủ động mua giống có nguồn gốc rõ ràng. Thế nhưng sau hơn 2 tháng gieo cấy, đến thời điểm này, lúa cỏ vẫn xuất hiện khoảng 50% trên diện tích lúa của gia đình. Lúa cỏ xuất hiện và phát triển không chỉ khiến người nông dân phải vất vả tỉa bỏ mà còn kéo theo chi phí canh tác tăng cao.
"Với những diện tích không bị ảnh hưởng bởi lúa cỏ thì 1 sào tôi bón khoảng 5kg đạm và 10kg phân NPK. Thế nhưng với những diện tích có lúa cỏ, chi phí này cao gấp từ 2 đến 3 lần. Thời điểm này, giá phân bón tăng cao tạo không ít áp lực cho chúng tôi" - bà Phạm Thị Mừng, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh cho biết.
Bà Mừng cho biết thêm, năng suất ở những ruộng có lúa cỏ cũng giảm đáng kể. Trước đây năng suất lúa đạt từ 2 - 2,5 tạ/sào nhưng với những diện tích có lúa cỏ chỉ đạt từ 1,2 - 1,8 tạ/sào. Vụ mùa năm ngoái, do sức khỏe yếu, không có thời gian nhổ bỏ lúa cỏ nên 2 sào ruộng của gia đình bà Mừng gần như "mất trắng".
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, năm 2018, lúa cỏ xuất hiện và gây hại ở xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, đến nay đã lây lan ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh và có xu hướng gia tăng rất nhanh. Năm 2021, tổng diện tích nhiễm lúa cỏ trên toàn tỉnh là 1.027 ha, cao gấp 4 lần so với năm 2020. Diện tích nhiễm nặng là 128 ha, cao gấp 44 lần so với năm 2020. Diện tích bị giảm 70% năng suất là 21 ha, cao gấp 12,4 lần so với năm 2020.
Như vậy, nguy cơ thiệt hại từ lúa cỏ là rất lớn và đã hiện hữu ở nhiều địa phương. Thực tế này đang khiến nhiều nông dân lo lắng, bất an trên chính mảnh ruộng của mình.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Theo kỹ sư Nguyễn Thị Nhung (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh): lúa cỏ có thời gian sinh trưởng ngắn, trỗ sớm, hạt dễ rụng, sức nảy mầm cao. Khi xuất hiện, lúa cỏ sinh trưởng khỏe lấn át lúa thường và không chịu ảnh hưởng của các loại thuốc trừ cỏ. Hạt lúa có râu dài, hoặc không có râu, hạt có dạng thon dài hoặc bầu dục màu vàng và vàng sẫm, có dạng hạt mỏ tím, tỷ lệ lép cao, đặc biệt là rất dễ rụng hạt.
Sau khi hạt rụng xuống gặp điều kiện thuận lợi thì nảy mầm luôn, nếu gặp điều kiện bất thuận hạt ngủ nghỉ nhưng vẫn có sức sống cũng như duy trì sức nảy mầm trong vài năm, do vậy lúa cỏ tồn tại, tích tụ và tăng dần qua các vụ. Trước nạn lúa cỏ xuất hiện dày đặc, đe dọa đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, tập trung xử lý sớm từ đầu vụ.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức 15 hội nghị hướng dẫn người dân chăm sóc lúa đông xuân và tập trung phòng trừ các dịch hại, trong đó có lúa cỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Liễu, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, vụ mùa năm 2021, toàn xã có gần 3 ha diện tích lúa bị nhiễm. Vụ đông xuân năm nay, xã vận động bà con chủ động loại bỏ sớm nguy cơ của dịch hại này. Với những diện tích vụ trước nhiễm nặng, UBND xã đã vận động người dân cày lật úp, đưa nước vào ngâm, sau đó huy động hội viên Hội phụ nữ xã hỗ trợ công cấy thay vì gieo sạ như trước.
Kỹ sư Nguyễn Thị Nhung cho biết, thời điểm này chưa có loại thuốc nào đặc trị cây lúa cỏ nên biện pháp tốt nhất vẫn là tỉa bỏ bằng tay và cắt bông khi mới trỗ hạt. Nếu người dân không loại bỏ từ sớm, lúa cỏ sinh trưởng và phát triển tốt sẽ mất công sức và thiệt hại lớn hơn. Khi tiêu hủy lúa cỏ cần triệt để, không vứt lên bờ hoặc kênh mương, tạo điều kiện cho lúa tiếp tục sinh trưởng và phát tán.
Bên cạnh đó, vào những vụ sau, người dân cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như: sử dụng giống lúa đủ tiêu chuẩn chất lượng; hạn chế việc tự để giống qua các vụ; tuyệt đối không sử dụng lúa tự để ở những vùng đã bị lúa cỏ xâm nhiễm để gieo cấy ở vụ sau. Sau mỗi vụ thu hoạch cần khoanh vùng bị nhiễm, vệ sinh đồng ruộng và kênh mương.
Tiến hành đưa nước tạo ẩm trên ruộng để nhử hạt lúa cỏ và các loại cỏ dại nảy mầm, sau đó tiến hành cày lật và ngâm dầm, làm đất kỹ… "Lúa cỏ là một loại dịch hại nguy hiểm, đang đe dọa đến sản xuất nông nghiệp của người dân, vì vậy cần có sự đồng bộ từ cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và quan trọng nhất là sự chủ động của người dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm, làm thường xuyên và liên tục mới có thể dần dần loại bỏ được dịch hại này" - kỹ sư Nguyễn Thị Nhung chia sẻ thêm.
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nong-dan-vat-va-loai-bo-lua-ma-/d2022041308089118.htm