Nông dân Vĩnh Phúc tích cực hưởng ứng phong trào 'Vì một nền nông nghiệp an toàn'

Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế để canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe con người. Phát huy thế mạnh đó, hội viên, nông dân trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp” bằng cách mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô, bài bản, thân thiện với môi trường.

Mô hình sản xuất dưa ngoại trong nhà lưới, nhà kính theo hướng VietGap của gia đình anh Hồ Văn Thành, thôn Cẩm La, xã Hồng Châu (Yên Lạc) với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng đang đến vụ thu hoạch.

Mô hình sản xuất dưa ngoại trong nhà lưới, nhà kính theo hướng VietGap của gia đình anh Hồ Văn Thành, thôn Cẩm La, xã Hồng Châu (Yên Lạc) với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng đang đến vụ thu hoạch.

“Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp” là phong trào thi đua do Hội Nông dân tỉnh phát động từ năm 2017, nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của hội viên.

Năm 2020, hội đã vận động hơn 70.000 hội viên đăng ký cam kết SXKD nông sản, thực phẩm an toàn. Các cấp hội đã xây dựng các mô hình điểm như: Nhóm nông dân liên kết chăn nuôi gia súc “4 không - 2 sạch”, nhóm nông dân liên kết chăn nuôi gia cầm “3 không - 2 sạch”... tạo ra nhiều nông sản đảm bảo chất lượng, ATVSTP gắn với bảo vệ sản xuất nông nghiệp và môi trường nông thôn.

Đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình như: Mô hình nuôi cá trong sông trong ao của ông Kim Đình Úp, ở xã Đồng Văn (Yên Lạc); trồng măng Tây theo quy trình VietGAP tại xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) của HTX Ngọc Phúc, trồng rau an toàn của chị Văn Thị Yến tại thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường); trồng dưa lưới Nhật Bản Ichiba của anh Hồ Văn Thành ở xã Hồng Châu (Yên Lạc)….

Những mô hình này đều có đặc điểm chung là tôn trọng sức khỏe của con người, tôn trọng môi trường sinh thái và tạo được đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Sau những giờ dạy học tại Trường mầm non Đồng Văn, xã Đồng Văn (Yên Lạc), chị Nguyễn Thị Dàng ở thôn Nam, xã Lũng Hòa (Vĩnh Tường) lại tất bật với việc chăm sóc đàn vật nuôi sắp đến ngày xuất bán của gia đình.

Hiện nay, với mô hình chăn nuôi gà thịt quy mô 1 vạn con/lứa, gia đình chị đầu tư khu vực chuồng nuôi khép kín, nuôi xa khu dân cư với diện tích 1.200 m2, trang bị hệ thống quạt thông gió, máng ăn, máng uống tự động… với chi phí đầu tư lên tới 2 tỷ đồng; liên kết đầu ra cho Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam.

Tất cả các bước trong quy trình chăn nuôi của gia đình chị Dàng đều được áp dụng các phương pháp nghiêm ngặt như: Tiêm vắc xin, đệm lót sinh học, tuân thủ mô hình “3 giảm – 3 tăng” (giảm về chi phí thức ăn, thuốc thú y trong chăn nuôi và giảm ngày công lao động).

Ngay lối vào khu chăn nuôi, hố vôi sát trùng được bố trí và bổ sung thường xuyên nhằm kiểm soát người ra vào khu vực chăn nuôi, không để dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, lây lan.

Chị Dàng cho biết: Từ khi chuyển sang chăn nuôi theo hình thức mới, tỷ lệ sống cuối kỳ của đàn gà luôn đạt trên 95%. Với quy mô chăn nuôi 1 vạn gà/lứa, sau quá trình nuôi khoảng 50 ngày, khi xuất bán sẽ thu về khoảng 200 triệu đồng lãi.

Thời gian tới, chị tiếp tục hoàn thiện 4 trại chăn nuôi gà thịt quy mô 4.600 m2/chuồng với tổng giá trị đầu tư lên tới 8 tỷ đồng; đầu tư xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại xã Liên Châu (Yên Lạc) với diện tích 3 ha để tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng gia công cho Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường về chất lượng nông sản, hạn chế tới mức thấp nhất tồn dư hóa chất cũng như các chất gây hại trong sản phẩm nông nghiệp, chị Văn Thị Yến, ở khu 10, thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường) đã phát triển mô hình trồng rau trong nhà kính theo hướng VietGap.

Với diện tích canh tác lên tới 7.000m2, chị Yến đầu tư xây dựng 1/3 diện tích là hệ thống nhà lưới nhà kính; áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt vào từng gốc cây, trang bị hệ thống quạt đối lưu và ứng dụng công nghệ 4.0 trong vận hành hệ thống điều khiển từ xa cho từng khu vực.

Hiện, chị đang cung ứng các loại rau, củ: Dưa chuột, đỗ, bí, rau dền... Chị Yến cho biết: Với mong muốn góp phần nhỏ bé, cung cấp đến tay người tiêu dùng những sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn nên tại trang trại, toàn bộ các cây rau đều được trồng bằng phân chuồng ủ hoai mục, không sử dụng tới bất kỳ một loại hóa chất nào để phòng tránh sâu bệnh hại.

Nhờ đó, các sản phẩm trang trại cung cấp ra thị trường được người dân đón nhận, mang lại thu nhập ổn định.

Mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGap của gia đình chị Yến và nuôi gà theo hướng an toàn sinh học của gia đình chị Dàng chỉ là hai trong số rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn của hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo về chất lượng, thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm về đảm bảo chất lượng ATVSTP và bảo vệ môi trường nông thôn.

Khuyến khích hội viên, nông dân tiếp tục áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu của các địa phương.

Xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp gắn với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, cung ứng các sản phẩm nông sản an toàn không gây ô nhiễm môi trường.

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ hội viên nông dân hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thu gom rác thải đúng nơi quy định, tích cực tham gia các hoạt động Ngày nông dân Vĩnh Phúc vì môi trường… cùng hướng tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững trong tương lai.

Bài, ảnh: Bảo Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/64667/nong-dan-vinh-phuc-tich-cuc-huong-ung-phong-trao-%E2%80%9Cvi-mot-nen-nong-nghiep-an-toan%E2%80%9D.html