Nông dân vùng biển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
Để thích ứng với những ảnh hưởng biến đổi khí hậu đến sản xuất, nông dân vùng biển tại Bến Tre ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, bền vững.
Vùng đất ven biển Ba Tri vào mùa khô thiếu nước ngọt, mùa mưa thường xuyên bị ảnh hưởng gió biển, sương muối, nếu trồng hoa màu chỉ sản xuất 1 - 2 vụ. Những điều đó không làm khó được nông dân Nguyễn Văn Hùng, xã Tân Thủy, huyện Ba Tri (Bến Tre). Với quyết tâm thay biến khó khăn thách thức thành cơ hội đi lên làm giàu, ông Nguyễn Văn Hùng đã tìm tòi học hỏi, ứng dụng tiến bộ kho học kỹ thuật mới, công nghệ cao trong sản xuất để đưa về vùng quê biển nghèo khó.
Ông Hùng cho biết, trước đây gia đình nuôi tôm quảng canh, khu vực đất giồng cát chỉ trồng hoa màu mỗi năm được 1 vụ, do vùng ven biển nên các loại cây trồng khác không đạt năng suất không phù hợp với vùng đất phèn mặn ở đây. Nhận thấy các nơi có nhiều mô hình trồng cây trong nhà kính/nhà màng ông Hùng tìm hiểu học hỏi các nơi, thấy phù hợp điều kiện tại địa phương, ông Hùng xây dựng khu vực trồng dưa lưới với diện tích hơn 750m2, tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng, sử dụng từ 7 - 10 năm. Bên cạnh đó, ông Hùng cho xây dụng khu dự trữ nước ngọt, nguồn nước thu vào mùa mưa để sử dụng nước phục vụ vào mùa khô.
Theo ông Hùng, xây dựng nhà kính để trồng tránh được gió biển, sương muối, cây sinh trưởng tốt, thêm nữa côn trùng sâu bệnh hại không ảnh hưởng đến cây trồng sẽ giảm được chi phí trong sản xuất. Mặt khác, trồng trong nhà kính chủ động nguồn nước tưới, tất cả vận hành tự động hóa nên giảm nhân công chăm sóc.
Ông Hùng cho hay, mỗi năm sản xuất được 4 vụ, lợi nhuận thu về từ 200 - 300 triệu đồng/năm, cao hơn gấp 10 lần so với trồng rau màu.
Bên cạnh đó, ông Hùng mở cửa đón du khách tham quan vườn dưa lưới để trực tiếp tiêu thụ sản phẩm tạo thêm địa điểm du lịch tại địa phương cho người dân tham quan trải nghiệm.
Ông Hùng chia sẻ, hiện nay biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của người dân, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sẽ làm tăng hiệu quả, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, việc đầu tư ban đầu tốn kém nhiều chi phí, do đó cần phải có sự hỗ trợ của ngành chức năng, địa phương, nhất là nguồn vốn để người dân mạnh dạn chuyển đổi sản xuất.
Đam mê với con tôm vùng biển, chị Phan Thị Mỹ Linh, xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú không ngừng tìm tòi học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật theo hướng hiện đại. Chị Mỹ Linh chia sẻ, trước đây kinh tế gia đình chủ yếu gắn với nghề nuôi tôm. Ban đầu, nuôi tôm thẻ ao đất, đến ao lót bạt bờ, nuôi tôm công nghiệp, do ảnh hưởng dịch bệnh, nuôi tôm thường xuyên thua lỗ.
Nhận thấy nuôi tôm theo truyền thống không còn mang lại hiệu quả, chị Mỹ Linh học hỏi kinh nghiêm từ các nơi, áp dụng nuôi tôm theo hướng công nghệ cao nhiều giai đoạn từ năm 2018 đến nay mang lại hiệu quả tích cực, lợi nhuận thu được từ nuôi tôm cong nghệ cao gấp 5 - 6 lần nuôi tôm theo cách truyền thống.
Theo chị Mỹ Linh, nuôi tôm công nghệ cao gặp những khó khăn như: vốn đầu tư rất lớn, đòi hỏi diện tích nuôi cũng lớn, về con giống, thức ăn, xử lý nước... mọi thứ đều phải thực hiện bài bản theo một quy trình nhất định chứ không theo cách truyền thống là cấp nước vô là nuôi. Khó khăn nữa là nuôi tôm công nghệ cao có chi phí đầu vào rất cao, nhưng có thời điểm giá tôm xuống thấp (như năm 2023), nên người nuôi phải hướng về tiêu chuẩn, chứng chỉ để xuất khẩu nước ngoài mới có giá tốt, cải thiện lợi nhuận bù đắp vốn đầu tư và kích thích vụ đầu tư tiếp theo...
Trong quá trình nuôi, chị Mỹ Linh đặc biệt quan tâm đến việc nuôi tôm cỡ lớn, xây dựng khu nuôi đạt tiêu chuẩn BAT, ASC đáp ứng thị trường xuất - nhập khẩu. Từ 2-3 ha đất nuôi ban đầu, đến nay chị Thị Mỹ Linh có 5 khu nuôi tôm công nghệ cao với tổng diện tích 45 ha ở 2 xã Thạnh Hải (42 ha) và An Điền (3 ha). Năm 2023, sản lượng thu được 900 tấn, với 3 vụ nuôi liền kề trong năm đều thành công. Lợi nhuận thu về trong năm hơn 40 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Bàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại vùng ven biển được người dân từng bước áp dụng thực hiện hiệu quả, nhất là các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, khi mà sản xuất đơn thuần theo lối truyền thống không còn mang lại nhiều lợi nhuận như trước đây.
Hiện nay, ngành chức năng tỉnh tổ chức hướng dẫn khuyến khích các hộ dân nuôi tôm chuyển đổi cách nuôi truyền thống áp dụng nuôi tôm theo hướng công nghệ cao nhiều giai đoạn, mang lại hiệu quả thiết thực lợi nhuận cao hơn nuôi truyền thống cao hơn từ 4-5 lần. Đến nay, tỉnh Bến Tre có hơn, 3.000 ha nuôi tôm công nghệ cao tại các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.
Bên cạnh đó, ngành chức năng nhân rộng các mô hình sản hiệu quả đến với các hộ nông dân; tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm để người dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất; qua đó, đưa người dân hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.