Nông dân xã Song Phụng thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Những năm qua, phong trào 'Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững' đã được Hội Nông dân xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) triển khai có hiệu quả, tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo hội viên tham gia. Từ phong trào này, nhiều nông dân đã vươn lên khá, giàu; qua đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân trên địa bàn.
Những nông dân từ vượt khó, dám nghĩ, dám làm
Trước đây, cuộc sống gia đình ông Nguyễn Thanh Tâm ở ấp Phụng Tường 1, gặp nhiều khó khăn, do thiếu vốn, thiếu kiến thức sản xuất. Đến khi được hội nông dân tuyên truyền, vận động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ông đã từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm. Năm 2019, ông chuyển sang mô hình nuôi lươn mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Ban đầu, tôi chỉ nuôi lươn thương phẩm với số lượng có 1 bể, sau đó tôi tiếp tục học hỏi kỹ thuật và nuôi lươn giống thành công. Đến nay, tôi đã có 18 bể lươn bố mẹ, trung bình mỗi năm tôi bán từ 70.000 - 100.000 con lươn giống. Hiện tôi còn thả nuôi thường xuyên 6 bể lươn thương phẩm. Kết quả mô hình nuôi lươn của gia đình tôi cho thu nhập cũng được vài trăm triệu đồng/năm” - ông Tâm chia sẻ.
Là hội viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Hữu Công ở ấp Phụng Sơn là người tiên phong trong mô hình trồng chanh leo ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, ông trồng được hơn 1 hecta chanh leo ngọt. Theo ông Công, chanh leo là loại cây dễ trồng lại cho trái quanh năm và đầu ra ổn định; với mức giá bán lẻ là 120.000 đồng/kg, còn bán với số lượng lớn thì có giá khoảng từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg.
Với những kết quả đạt được, mô hình sản xuất của ông Nguyễn Hữu Công là một trong những mô hình tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen. Ông Công cho biết: “Năm 2018, tôi bắt đầu trồng thử nghiệm cây chanh leo ngọt. Trải qua quá trình trồng, theo dõi sự phát triển của cây, tôi nhận thấy loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, sinh trưởng tốt, đặc biệt là lợi nhuận kinh tế đem lại so với các cây trồng khác rất cao. Từ đó, tôi dần mở rộng diện tích gieo trồng”. Hiện chanh leo ngọt của ông đã được công nhận đạt OCOP và sản phẩm chanh leo ngọt Sáu Công đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Ông Nguyễn Hữu Công ở ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) bên những giống chanh leo ngọt. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Có thể thấy, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần khơi dậy ý chí tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn để vươn lên làm giàu trong hội viên nông dân xã Song Phụng.
Đến tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong những phong trào thi đua trọng tâm, khẳng định vai trò của hội trong tập hợp, vận động hội viên. Nhận thức được ý nghĩa, mục đích của phong trào, hội thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, quan tâm tình hình sản xuất, kinh doanh của hội viên và thực hiện tốt vai trò làm cầu nối cho nông dân tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi. Hội đã đứng ra tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho 227 hội viên vay vốn với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng; hội còn quản lý nguồn vốn 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, giúp cho 14 hộ vay thực hiện Dự án Liên kết sản xuất lúa chất lượng cao.
Để nguồn vốn vay phát huy được hiệu quả, hội lồng ghép việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt giữa các gia đình hội viên với nhau tại các buổi sinh hoạt chi, tổ hội. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tổ chức cho hội viên tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Hàng năm, hội đều xây dựng kế hoạch và phát động hội viên đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, kết quả toàn hội có 5 hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, đạt cấp tỉnh 38 hộ, cấp huyện 340 hộ và cấp xã là 693 hộ.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã Song Phụng tích cực tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình, tiêu biểu như: chăn nuôi bò thịt của ông Nguyễn Văn Tân, ấp Phụng Tường 1; trồng chanh không hạt của hộ ông Trần Văn Mười và ông Trần Thanh Hải cùng ngụ ấp Phụng An; trồng nhãn Ido của bà Võ Thị Thanh Hoa, ấp Phụng Tường 1; trồng màu dưới chân ruộng hộ ông Trần Châu Quang, ấp Phụng Sơn… Đặc biệt, hội có 3 hội viên xây dựng được sản phẩm OCOP, đạt chuẩn 3 sao (đông trùng hạ thảo Bảo Đăng, chanh leo ngọt Sáu Công, tương hột thầy giáo Phương). Hiện hội còn thành lập được 6 tổ hợp tác sản xuất và 1 chi hội nghề nghiệp với 20 thành viên.
Đồng chí Trần Hùng Tính - Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Phụng cho biết: “Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới hội sẽ tiếp tục nâng chất phong trào này và tích cực vận động hội viên nông dân phát huy nội lực, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, cũng như phấn đấu số hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp ngày càng tăng…”.
Ngoài ra, hội còn tích cực vận động hội viên phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống, giúp đỡ hội viên nghèo về kinh nghiệm sản xuất, giống, vốn, ngày công lao động… qua đó, đã giúp đỡ cho 5 hội viên thoát nghèo bền vững và nâng chất 2 chi hội không còn hội viên nghèo.
Với những kết quả đạt được, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã trở thành động lực khích lệ hội viên nông dân phấn khởi, hăng hái thi đua lao động, sản xuất; tạo động lực thúc đẩy nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm thế mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hội Nông dân xã Song Phụng còn được công nhận đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền.