'NÓNG HỔI' từ những ngày đầu
Những số báo ra đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước đã liên tục xuất hiện phóng sự 'nóng hổi' ghi từ hiện trường
Đến giờ, xem lại số Báo Công Nhân Giải Phóng ra đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, những người làm Báo Người Lao Động thế hệ thứ hai như chúng tôi (tôi vào làm việc năm 1990, khi báo vừa đổi tên từ Công Nhân Giải Phóng thành Người Lao Động) đều bồi hồi xúc động.
Khai sinh lần thứ hai
Những trang báo sau 50 năm đã úa vàng, màu sắc, đường nét đã cũ, dấu thời gian hằn rõ trên từng trang. Song, cũng từ đó, chúng tôi nhận ra đâu đây ánh mắt hồ hởi cùng những nỗ lực miệt mài, bao công sức đổ ra của thế hệ thứ nhất, của những người làm Báo Công Nhân Giải Phóng ngày ấy mỗi khi báo từ nhà in được đưa về tòa soạn, rồi tỏa đi khắp thành phố. Ba tháng sau ngày thống nhất đất nước đã ra được số báo đầu tiên, khai sinh lần thứ hai Báo Công Nhân Giải Phóng sau 8 năm gián đoạn…

Tin tức “nóng hổi” luôn hiển hiện trên những số báo đầu tiên
Hồi ức đưa ngược thời gian vào năm 1965 với những người khai sinh ra tờ báo. Với chủ trương có hình thức tuyên truyền vận động công nhân - lao động nội thành Sài Gòn một cách căn cơ, lãnh đạo Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định và Ban Công vận của Đặc khu ủy quyết định ra tờ Báo Công Nhân Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Liên hiệp Công đoàn Giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Báo được in trong xưởng in nhỏ của Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. Xưởng in đặt dưới hầm để tránh bom và giặc càn. Công nhân xưởng in có gần chục người, thợ in chính là đồng chí Lê Phước Hậu (sau năm 1975 chuyển ngành qua công an và về hưu với hàm thượng tá).
Báo in khổ nhỏ, mỗi kỳ 2.000 tờ, được bí mật chuyển vào nội đô Sài Gòn, đến các cơ sở cách mạng và công nhân - lao động ở đô thị. Sau nhiều lần xưởng in bị trúng bom của địch, đến năm 1967, việc in báo mới tạm ngưng do thành viên ban biên tập bị bắt.
Nội dung phong phú, sinh động
Số ra mắt trở lại trong ngày 28-7-1975 trình bày đơn giản mà đẹp. Manchette ghi tên Báo Công Nhân Giải Phóng với dòng chữ "Tiếng nói của công nhân và lao động thành Hồ Chí Minh" (*). Tòa soạn và trị sự: 218 Lê Thánh Tôn, Sài Gòn 2. ĐT: 92706 - 95813". Trên manchette là logo của Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tấm ảnh chốt bìa là quang cảnh Nhà máy Điện Chợ Quán - một đơn vị tiếp quản và duy trì hoạt động liên tục ngay khi thành phố được giải phóng, nơi các công nhân làm việc với khí thế thi đua sôi nổi. Cột dọc bìa phải phía trên là ảnh Bác Hồ ngồi bên bàn làm việc và trích lời của Bác: "Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người công dân đối với Tổ quốc"; dòng chữ "Số ra mắt 28-7-75" được in dưới góc phải, tạo ấn tượng thị giác với bạn đọc.
Báo dày 16 trang, giá 60 đồng. Bìa 4 có bức họa than chì về công nhân và 2 ca khúc "Giải phóng miền Nam" của Huỳnh Minh Siêng, "Vững bước tiền phong" của Quốc Hưng.
Trang 2 đăng tham luận tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng thành Hồ Chí Minh của đồng chí Huỳnh Văn Tâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Giải phóng thành Hồ Chí Minh. Trang 3 đăng xã luận "Tiếng nói của người làm chủ", viết về nhiệm vụ của Công đoàn trong việc xây dựng chính quyền vững mạnh. Các trang trong đăng những thông tin gần gũi, thiết thân với đoàn viên - lao động, như "Những vấn đề công nhân - lao động cần thông suốt"; "Kết nạp đoàn viên giải phóng như thế nào?", "Diễn đàn công nhân", "Tin tức công nhân"; "Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam"; hồi ký "Văn phòng bí mật của Liên hiệp Công đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn" của N.L; tin thời sự thế giới và trong nước…
Số ra mắt cũng thông tin khá đậm về sinh khí mới của hãng dệt Vinatexco, phóng sự "Nhà đèn Chợ Quán: Một niềm vui và một niềm tin" của Nam Ngãi; phóng sự "Những người làm sạch thành phố" của Lê Long; thông tin về khu Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh thay đổi bộ mặt, an ninh - trật tự tốt hơn. Trang 15 khá nhiều số báo trong năm 1975 đăng phóng sự ảnh về phong trào công nhân - lao động "trước ngày giải phóng" và "sau ngày giải phóng". Thông tin về khoa học thường thức được đáp ứng bằng mục "Những người bạn tự nhiên".
Báo cũng trích đăng "Người mẹ" của Marxim Gorki, để bạn đọc miền Nam hiểu rõ hơn về tác phẩm này của nhà văn Xô viết… Mảng văn nghệ của báo cũng khá hấp dẫn với truyện ngắn và thơ của các tác giả trẻ bắt đầu tạo tên tuổi trên văn đàn và sáng tác của những người thợ trực tiếp đứng máy…
50 năm sau vẫn đầy tính thời sự, tính giáo dục
Song, ấn tượng lớn nhất của chúng tôi với tờ "báo nhà" của mình là từ 50 năm trước đã có chuyên mục "Những mẩu chuyện đạo đức, tác phong của Bác Hồ", đến hôm nay vẫn đầy tính thời sự, tính giáo dục cao và ý nghĩa sâu sắc.
Những số báo ra trong năm 1975 của mục này khá phong phú, bao giờ cũng là bài chốt, kèm một câu trích dẫn về lời của Bác. Với số đầu tiên là chuyện phải không ngừng học hỏi, học để cứu nước, cứu dân; câu trích dẫn là Bác nói về tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Các số sau Người dạy về kính già yêu trẻ, câu chuyện về cơm cách mạng…
Đặc biệt, bổ sung cho mảng thông tin công nhân - Công đoàn sống động hơn là ghi chép từ cơ sở. Các tin của công nhân là thông tín viên, cộng tác viên từ cơ sở chuyển về được đăng tải làm cho các trang báo giữ được tính thời sự, dù là tuần báo. Bên cạnh đó là những bài dài hơn phản ánh sự chuyển mình của các nhà máy, xí nghiệp; từ Nhà đèn Chợ Quán bảo đảm nguồn điện cho sản xuất đến các nhà máy khắp nội thành như Nhà máy Bột ngọt Thiên Hương sản xuất giỏi.
Trong những số báo ra đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước còn có phóng sự nóng hổi ghi từ hiện trường. Đó là phóng sự của nhà báo Trường Nam về thông đường xe lửa Sài Gòn - Biên Hòa - Long Khánh, tựa đề "Một chuyến lao cầu", tường thuật không khí sôi nổi trên công trường nối khoảng trống cầu Bình Lợi.
Bài phóng sự trong số ra ngày 6-8-1975 có đoạn: "Cuộc lao cầu Bình Lợi đã khởi sự lúc 7 giờ sáng, trễ hơn dự tính 1 giờ đồng hồ. 233 người vừa là kỹ sư, công nhân chuyên môn, công binh giải phóng, vừa là bác sĩ, người nhái, tất cả khẩn trương lao mình vào cuộc vật lộn với con nước nổi tiếng bất kham là sông Sài Gòn. 80% khó khăn là tại nó...
20 giờ thứ sáu, thân ray cuối cùng đã lắp xong trên đà gỗ. Tất cả thở phào nhẹ nhõm… 9 giờ sáng thứ bảy, chuyến xe lửa đầu tiên vượt cầu Bình Lợi. Từ nay, hành khách không còn mất công xuống tàu lội bộ như trước"...
Những điều thú vị quanh manchette Công Nhân Giải Phóng
Trong số ra mắt trở lại vào ngày 28-7-1975, manchette ghi tên Báo Công Nhân Giải Phóng với dòng chữ "Tiếng nói của công nhân và lao động thành Hồ Chí Minh". Cần lưu ý, "thành Hồ Chí Minh" là một cách gọi của những người làm cán bộ Công đoàn về thành phố thân thương, dù đã có văn bản, có ca từ ghi rõ "thành phố Hồ Chí Minh".
Ngày 6-6-1976, Hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc đã họp tại thành phố Hồ Chí Minh. Thay mặt cho 3 triệu đoàn viên Công đoàn hai miền Nam - Bắc, hội nghị đã quyết định thống nhất Công đoàn hai miền thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Liên hiệp Công đoàn Giải phóng thành Hồ Chí Minh được đổi tên là Liên hiệp Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh. Từ đây, trong các văn bản, cụm từ "thành Hồ Chí Minh" ở một số ngữ cảnh đều được ghi rõ là "thành phố Hồ Chí Minh".
Ngày 2-7-1976, cùng với Nghị quyết thống nhất đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kỳ họp thứ I Quốc hội khóa VI cũng thông qua Nghị quyết đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh. Sau ngày này, manchette Báo Công Nhân Giải Phóng ghi rõ "Tiếng nói của công nhân và lao động thành phố Hồ Chí Minh".
Cũng trong 2 năm đầu, manchette Báo Công Nhân Giải Phóng có một số thay đổi. Số 36 (7-5-1976) thay manchette mới, chữ Công Nhân Giải Phóng in hoa cả 4, riêng chữ Công và chữ Nhân rời từng hàng, chữ Giải Phóng đi liền, không còn logo Liên hiệp Công đoàn Giải phóng, phía trang trong bắt đầu ghi Liên hiệp Công đoàn TP HCM…
Ngày 30-6-1990, Quốc hội thông qua Luật Công đoàn mới. Báo Công Nhân Giải Phóng được đổi tên thành Báo Người Lao Động, số ra mắt đầu tiên ngày 28-7-1990. Lần đầu tiên trên manchette ghi tên Tổng Biên tập Phan Hồng Chiến.
(*) Nguyên bản viết "thành Hồ Chí Minh"; lý do được giải thích trong box.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nong-hoi-tu-nhung-ngay-dau-196250724210103592.htm