Nông nghiệp cân bằng

'Giá nông sản bây giờ cân bằng rồi. Mình phải có cách làm riêng để nâng cao năng suất, chất lượng mới cạnh tranh trên thương trường. Muốn đưa nông sản ra thế giới, hãy nghĩ đến mình trước đã. Mình ăn có ngon, có an toàn, có thích thì mới bán cho người khác' - nhà nông Lầu Sỹ Nịp, thôn 5, xã Long Bình, huyện Phú Riềng khẳng định.

Từ nhận thức…

Nhà nông Lầu Sỹ Nịp đã có hơn 45 năm làm nông, 35 năm gắn bó với các loại cây trồng ở thôn 5, xã Long Bình. Trồng điều, thu nhập thấp ông chuyển sang trồng cà phê. Cà phê rớt giá, ông chuyển sang trồng nhãn. Sau 5 năm trồng nhãn mới biết mình mua nhầm giống, vì vậy, ông đốn nhãn chuyển sang trồng bưởi, sầu riêng, vú sữa, chà là, giá tỵ, bông giấy, dừa với tổng diện tích 25 ha.

Nông nghiệp Bình Phước nhiều khởi sắc, với việc tăng cường ứng dụng công nghệ, nhiều loại cây trái được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cho hiệu quả kinh tế cao

Nông nghiệp Bình Phước nhiều khởi sắc, với việc tăng cường ứng dụng công nghệ, nhiều loại cây trái được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cho hiệu quả kinh tế cao

Nhà nông Lầu Sỹ Nịp rành rọt từng thời kỳ ra hoa, kết trái của mỗi loại cây trồng. Không chỉ thế, ông còn rõ chi tiết quá trình thụ phấn của từng loài hoa. “Hoa điều có hơn 90% là hoa đực. Nhụy bưởi vươn dài để đón hạt phấn của nhị. Sầu riêng nở từng chùm, mỗi hoa trong chùm ấy có 7 đài hoa đực và 1 hoa cái nên con người không cần thụ phấn cho nó nếu không có công. Mà Bình Phước cũng lạ, cứ tết đến là tha hồ ngắm hoa. Nào là hoa điều, hoa bưởi, hoa sầu riêng, hoa cà phê lẫn hoa nhãn và cả loài cây công nghiệp dài ngày như cao su cũng thay lá, kết hoa như một vườn xuân vậy” - ông Nịp chia sẻ thêm.

Nhà nông Lầu Sỹ Nịp với mô hình vườn cây sinh thái đa canh đang hướng đến phục vụ du lịch miệt vườn trong năm 2025

Nhà nông Lầu Sỹ Nịp với mô hình vườn cây sinh thái đa canh đang hướng đến phục vụ du lịch miệt vườn trong năm 2025

Tác giả đang tác nghiệp tại vườn tiêu hữu cơ được chăm sóc theo quy trình sinh học chế phẩm IMO do huyện Lộc Ninh chuyển giao

Tác giả đang tác nghiệp tại vườn tiêu hữu cơ được chăm sóc theo quy trình sinh học chế phẩm IMO do huyện Lộc Ninh chuyển giao

Tôi nhìn quanh mới thấy nét đẹp lạ thường của các loài hoa đang rực rỡ khoe sắc ở những vườn cây tưởng chừng chỉ có giá trị về kinh tế. Bạn đã từng một lần dừng chân để ngắm sắc xuân bên đường như cách nhà nông Lầu Sỹ Nịp quan sát chưa?

Cái được của ngành nông nghiệp trong năm 2024 không chỉ dừng lại ở con số giá trị sản xuất tăng trưởng đạt và vượt kế hoạch đề ra mà là cách nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Nghĩa là nhà nông đã biết phát huy tác dụng đa giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Mỗi sản phẩm nông nghiệp không chỉ có giá trị về mặt lợi ích vật chất đơn thuần mà còn có cả giá trị về mặt tinh thần, về văn hóa của người làm ra nó. Đó là cái được lớn nhất của ngành nông nghiệp Bình Phước trong xu thế cả dân tộc cùng vươn mình ra thế giới.

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn PHẠM THỤY LUÂN

Từng sở hữu phương pháp canh tác vô cơ đưa năng suất cây bưởi đạt cả tấn, nhà nông Lầu Sỹ Nịp chuyển sang làm hữu cơ để nâng cao chất lượng trái bưởi trên thương trường và phát triển nông nghiệp bền vững. Từ việc trồng đơn canh cây ăn trái, ông chuyển sang trồng đa canh để kết hợp vừa làm kinh tế vừa làm du lịch miệt vườn. Bởi thế, các loại cây cho trái, cho hoa, cho gỗ đều hiện diện trên tổng diện tích 25 ha đất nông nghiệp của gia đình. Toàn bộ các loại cây trồng trên đất của ông đều áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ. Để làm được quy trình này, ông mua phân bò, vỏ ốc, tro trấu, xơ dừa lẫn vỏ cà phê phối trộn với nấm trichoderma để bón cho vườn cây.

“Kinh tế thị trường mà, nó gay gắt lắm, mình phải làm khác biệt, an toàn mới bán được. Tại sao mình trồng luống này để ăn, luống kia để bán mà không nghĩ đến mình cũng phải ra chợ mỗi ngày để mua đồ ăn, thức uống. Cho nên tôi trồng cây trước tiên là cho mình để ăn thấy ngon, thấy đẹp, thấy an toàn mới đem bán cho người khác” - nhà nông Lầu Sỹ Nịp trải lòng.

…đến chuyển đổi

30 năm là khoảng thời gian nhà nông Nguyễn Văn Hùng ở thôn 6, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng gắn bó với cây sầu riêng. Ngoài 15 ha sầu riêng của gia đình, ông còn thuê thêm 50 ha sầu riêng để làm kinh tế nông nghiệp. Ngoài ủ phân chuồng, ông còn mua cả tấn trứng gà để phối trộn cùng chế phẩm EM làm phân bón cho vườn cây. Nhờ cách làm này, 5 năm trước, vườn cây của gia đình ông đã đạt chứng nhận GlobalGAP. Năm 2022, khi nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực, vườn sầu riêng của gia đình ông được đặc cách cấp mã số vùng trồng đầu tiên của tỉnh Bình Phước.

Farm1 của nhà nông trẻ Trần Văn Quyết ở thôn 3, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng có tổng diện tích 20 ha sầu riêng giống Blacthon đang vào năm thứ 3. Toàn bộ vườn cây được lên liếp, đánh số thứ tự và lắp hệ thống tưới tự động. Chăm sóc vườn cây này chỉ có duy nhất mỗi công lao động chính để điều chỉnh hệ thống tưới và 2 nhân công cắt cỏ.

“Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0. Làm nông trước hết phải có nguồn nước, có giống, có phân bón. Giống tốt thị trường có sẵn, mình chỉ chọn đúng. Nước cũng có sẵn từ ao bơm lên hồ, phân bón thì pha trộn trong nước. Chỉ cần bật cầu dao điện là vườn cây được cấp nước. Đánh số thứ tự là để mình kiểm soát dịch bệnh, chất lượng từng cây trồng qua hệ thống wifi kết nối máy tính. Lên liếp là để điều chỉnh nguồn nước xử lý sầu riêng ra trái vụ. Nhờ vậy, mình không phải lo giá cả thị trường lên xuống thất thường” - anh Quyết bộc bạch.

Bình Phước hiện có hơn 19.200 ha cây ăn trái. Cây sầu riêng chiếm gần một nửa với tổng diện tích hơn 9.600 ha, trong đó gần 4.300 ha đang cho thu hoạch với năng suất bình quân khoảng 10 tấn/ha. Toàn tỉnh có 77 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 4.500 ha cho sản lượng khoảng 150.000 tấn phục vụ xuất khẩu. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 đạt 40.423,2 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ, đạt 100,5% kế hoạch năm.

Năm 2024, ngành nông nghiệp Bình Phước đã triển khai thực hiện hàng loạt chương trình, dự án, đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao theo hướng cơ cấu lại ngành. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 14.000 ha cây trồng được chăm sóc theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ, sinh học. Đặc biệt là diện tích cây ăn trái đang được người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, vừa đảm bảo chất lượng đầu ra cho nông sản theo xu thế thị trường vừa đảm bảo môi trường canh tác nông nghiệp bền vững.

Kỳ vọng mới

2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI với mục tiêu tổng quát cho cả giai đoạn 2020-2025 là “Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”. Ngành nông nghiệp Bình Phước tiếp tục triển khai các đề án thuộc Chương trình hành động số 17-Ctr/TU ngày 30-9-2021 của Tỉnh ủy. Phát triển sản xuất theo vùng chuyên canh gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Đổi mới cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế hợp tác, tổ hợp tác theo liên kết chuỗi giá trị.

Những năm qua, trên cơ sở triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã giúp diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh phát triển đúng hướng. Người dân đang chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ mô hình sản xuất cá thể sang tập thể. Sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ kỹ thuật toàn ngành từ tỉnh đến cơ sở đã giúp người dân nâng cao nhận thức trong chuyển đổi số nông nghiệp để từ đó đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là cơ sở để mỗi chúng ta có quyền hy vọng ngành nông nghiệp Bình Phước sẽ đạt được mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra trong dịp đầu xuân, năm mới.

Đông Kiểm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/168308/nong-nghiep-can-bang