Nông nghiệp công nghệ cao bén rễ ở Đắk Nông

Đắk Nông ngày càng có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), góp phần tạo đột phá sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Vùng NNCNC ngày càng mở rộng

Từ diện tích trồng điều già cỗi, năng suất thấp, năm 2022, gia đình anh Lang Văn Thuyết ở tổ dân phố 8, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp đã quyết định chuyển đổi sang cây trồng khác.

Anh Thuyết quyết định chuyển hướng sang trồng nho ứng dụng công nghệ cao. Anh đầu tư nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt và trồng 200 gốc nho trên diện tích 750m².

Vườn nho công nghệ cao của anh Lang Văn Thuyết, ở tổ dân phố 8, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông)

Vườn nho công nghệ cao của anh Lang Văn Thuyết, ở tổ dân phố 8, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông)

Anh Lang Văn Thuyết cho biết, sau nhiều năm làm nông nghiệp truyền thống, anh muốn chuyển hướng, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Sản xuất nho trong nhà màng giúp hạn chế sâu bệnh, chủ động được quy trình chăm sóc và hạn chế công lao động. "Sau hơn 2 năm trồng, đến nay vườn nho đã cho thu hoạch nhiều lứa, mỗi lứa khoảng 4 tạ quả, với giá bán tại vườn 100.000 đồng/kg. Hiện đầu ra cho sản phẩm khá thuận lợi, nhiều đơn đặt hàng nhưng không có sản phẩm để bán", anh Thuyết cho hay.

Trước hiệu quả của việc đầu tư ban đầu, anh Thuyết quyết định mở rộng thêm một nhà màng rộng 1.000m² để trồng hơn 300 cây nho, tăng nguồn thu nhập. Anh Thuyết cho biết thêm: "Nho trồng 1 năm bắt đầu cho trái. Mỗi năm cho thu hoạch từ 2 – 3 vụ. Nho trồng 1 lần và thu hoạch liên tục ít nhất 10 năm. Đây là lợi thế lớn để tôi đầu tư".

Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông, ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa đang sản xuất dưa lưới, dâu tây, dưa leo, hoa, các loại rau trong nhà màng.

Từ 4.500m2 ban đầu, sau 2 năm sản xuất, công ty đã đầu tư mở rộng lên hơn 10.000m² nhà màng. Công ty đầu tư hệ thống tưới nước, bón phân tự động 100% cho cây trồng.

Các chỉ số về độ ẩm, nhiệt độ, dưỡng chất... trong vườn cây đều được công ty kiểm soát bằng thiết bị cảm biến và đều được đo mỗi ngày bằng máy móc hiện đại.

Bà Bùi Thị Khánh Hòa, Giám đốc công ty cho biết, sử dụng công nghệ để kiểm soát các yếu tố tác động đến quá trình cây trồng phát triển đã giúp giảm rủi ro về thời tiết, sâu bệnh.

Công nghệ giúp hiệu quả sản xuất của công ty hầu như đều đạt tối đa. Trong đó, các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, luôn được thị trường đón nhận.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông, ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) sản xuất dưa lưới bằng công nghệ cao

Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông, ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) sản xuất dưa lưới bằng công nghệ cao

Cũng theo bà Hòa, các công đoạn chăm sóc cây trồng chủ yếu được điều khiển qua hệ thống máy móc. Các quá trình chăm sóc cây trồng, nếu xảy ra hiện tượng bất thường, máy sẽ báo về app trên điện thoại và sẽ được kiểm tra, xử lý nhanh chóng. "Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp giúp công ty hầu như không cần dùng tới sức người và không phụ thuộc vào thời tiết", bà Hòa chia sẻ.

NNCNC tại Đắk Nông không dừng lại ở việc cải thiện kỹ thuật canh tác. Nhiều người dân, doanh nghiệp và HTX đã đầu tư mạnh mẽ vào các hệ thống quản lý thông minh, sử dụng công nghệ để giám sát và điều chỉnh các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, giúp cây trồng phát triển tốt hơn và giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

NNCNC đã mang lại những kết quả tích cực, năng suất và chất lượng nông sản được nâng cao, tăng thu nhập cho người nông dân. Sản phẩm sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tạo đột phá trong nông nghiệp

Phát triển NNCNC được tỉnh Đắk Nông cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 2/8/2018. Đây được xem là giải pháp tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp, tối ưu hóa việc sản xuất, giảm thiểu công lao động, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Nghị quyết đi vào cuộc sống, CNC đang dần trở thành xu thế được áp dụng ngày càng rộng rãi trong quá trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông.

Từ năm 2018 đến nay, Đắk Nông đã triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, ứng dụng CNC, bền vững gắn với thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đạt được một số kết quả nổi bật.

Tỉnh đã hình thành, công nhận khu NNCNC với 120ha; công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC với quy mô 2.423ha; công nhận 2 doanh nghiệp NNCNC.

Tỉnh đang tiếp tục hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để công nhận 3 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC trong thời gian tới.

Nông nghiệp công nghệ cao sử dụng hệ thống tưới kết hợp bón phân cho cây trồng để tăng hiệu quả và hạn chế nhân công

Nông nghiệp công nghệ cao sử dụng hệ thống tưới kết hợp bón phân cho cây trồng để tăng hiệu quả và hạn chế nhân công

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 85.000ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Công nghệ được áp dụng chủ yếu ứng dụng giống mới, đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới, tưới tự động, tưới tiên tiến, tưới nước tiết kiệm…

Các công nghệ mới như canh tác thủy canh, sản xuất trên giá thể, nông nghiệp hữu cơ cũng từng bước được nông dân, HTX, doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất.

NNCNC đang cho thấy hiệu quả sản xuất cao hơn, giảm được nhiều chi phí sản xuất và nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.

Từ vùng nguyên liệu NNCNC, Đắk Nông đã hình thành 23 sản phẩm chủ lực, tiềm năng cấp tỉnh. Các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã xuất khẩu qua các thị trường khó tính của thế giới như: EU, Nhật Bản...

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, bền vững theo chuỗi giá trị” là một trong ba trụ cột của nền kinh tế địa phương và là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Thời gian qua, các doanh nghiệp, HTX, người dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp, người dân ngày càng quan tâm đến quy trình sản xuất, đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất NNCNC.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh Đắk Nông hướng đến phát triển NNCNC làm động lực để phát triển ngành Nông nghiệp. Đây cũng là lĩnh vực tỉnh đang kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư.

Tỉnh Đắk Nông có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NNCNC, trên tinh thần phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước.

Đắk Nông định hướng tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao

Đắk Nông định hướng tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao

NNCNC từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của Đắk Nông. NNCNC mở ra hướng phát triển du lịch nông trại đầy tiềm năng ở Đắk Nông.

Hưng Nguyên

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nong-nghiep-cong-nghe-cao-ben-re-o-dak-nong-228185.html