Nông nghiệp công nghệ cao… lao đao sau lũ
Mất mát… là điều còn đọng lại sau khi cơn lũ lớn vừa tràn qua Nam Tây Nguyên. Con số chính xác về thiệt hại của từng hộ gia đình vẫn chưa thống kê được, nhưng đối với không ít nông hộ sản xuất nông nghiệp trong nhà kính chắc chắn thiệt hại không nhỏ.
Cả gia sản đổ vào nhà kính
Trong cơn lũ vừa qua, nếu như Lạc Dương là huyện chịu ảnh hưởng lớn nhất về nông nghiệp thì khu vực sản xuất thuộc vùng hạ lưu suối Đạ Nghịt (xã Lát) lại chịu thiệt hại nặng nề nhất trong huyện. Dòng nước dâng cao cuồn cuộn, đục ngầu đã cuốn phăng không chỉ hoa màu mà cả những nhà kính kiên cố của nông dân.
Nước mắt và đau xót là những thứ còn lại với bà Cao Thị Mai - người dân sản xuất tại đây khi tận mắt chứng kiến tài sản hơn 8 sào bắp cải sắp đến kỳ thu hoạch bị cuốn trôi theo dòng nước. Và nhiều nông dân khác cũng chỉ biết bàng hoàng đứng nhìn nhà kính đổ sập và trôi tuột.
Cơn lũ tràn qua, bùn đất, đá sỏi vùi lấp cả một vùng nông nghiệp từng mỡ màng, xanh mướt và cho nguồn thu lớn. Suối Đạ Nghịt ngày thứ ba sau cơn lũ dữ vẫn chảy cuồn cuộn như xát thêm muối vào nỗi đau của người dân nơi đây. Ngồi thất thần trong căn nhà tiền chế phủ dày bùn đất, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Dung (65 tuổi) xót xa: “Khu nhà kính rộng 1,2 ha thì có đến hơn một nửa bị nước lũ cuốn trôi, hư hại hoàn toàn. Phần còn lại nilong bao quanh bị nước xé toang, các trụ sắt xiêu vẹo, nghiêng ngả và để sửa chữa còn tốn kém hơn cả thay mới. Riêng về nhà kính đã thiệt hại ít nhất 1,5 tỷ đồng”.
Người dân sống lâu năm bên con suối Đạ Nghịt và cả những người sản xuất đều khẳng định rằng: “Mưa lớn đến mấy, nước cũng chưa bao giờ tràn bờ suối”. Đó là lý do cách đây hơn 10 năm, ba anh em ông Dung cùng bán hết đất đai tại Phường 8 (TP Đà Lạt) để đầu tư trồng lá mè, rau, hoa trong nhà kính tại nơi này với tổng diện tích lên đến hơn 3 ha.
“Thực tế, gần chục năm qua, chưa bao giờ nước ở suối Đạ Nghịt lại lên cao, lên nhanh kinh hoàng như thế. Lũ về quá nhanh lại xảy ra trong đêm, công nhân cũng chỉ biết hô hào nhau tháo chạy. Đến sáng hôm sau, mọi thứ đã chìm trong dòng nước cuồn cuộn. Đồ đạc còn kê cao chạy lũ chứ rau màu xuống giống rồi thì sao mà nhổ mang theo được. Mất trắng diện tích sản xuất ngoài trời đã đành, cả dàn nhà kính được dựng kiên cố bằng hệ thống cột thép V5 vững chắc cũng bị cuốn phăng” - ông Nguyễn Xuân Duy (em trai ông Dung) thẫn thờ kể lại.
Những người phụ nữ trong gia đình này gần như suy sụp, họ không dám ra nhìn đống ngổn ngang trên mảnh đất của mình. Bởi khu sản xuất công nghệ cao của ba anh em ông Dung cho thu nhập trung bình 150 triệu đồng/tháng nay dây điện, ống tưới ngổn ngang, mái vòm rơi xuống xiêu vẹo, khu vực gần bờ suối chỉ còn trơ cọc sắt, 10 máy mô tơ bơm nước bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.
Ông Trần Đình Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Lát cho biết: Thiệt hại từ đợt lũ quá nặng nề, người dân có diện tích sản xuất dọc theo suối Đạ Nghịt gần như mất trắng 100% hoa màu. Nhiều diện tích canh tác nhà kính bị lũ cuốn, một số bãi bồi trù phú thuận lợi cho canh tác rau màu bị đất cát, đá sỏi phủ lấp...”. Theo thống kê của huyện Lạc Dương, đợt mưa lũ vừa qua đã tàn phá hơn 200 ha đất sản xuất hoa màu. Trong đó, ngập 73 ha nhà kính và có trên 4 ha nhà kính bị sập và hư hỏng hoàn toàn.
Màu xanh nơi hạ lưu suối Đạ Nghịt đã nhường chỗ cho sắc màu xám bạc. Trên gương mặt những nông dân đầy lo toan, chưa dám nghĩ gì sẽ làm tiếp cho mùa vụ mới trên chính mảnh đất của mình. Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đã thực sự “lao đao” sau lũ ở nơi này.
Câu chuyện cũ… hậu quả mới
Hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân Lâm Đồng nói chung và nông dân khu vực Đà Lạt, Lạc Dương từ việc đẩy mạnh NNCNC, hay cụ thể hơn là sản xuất rau, hoa trong nhà kính là điều đã nhìn thấy được. Nếu nông dân ở những vùng khác chỉ thu nhập mỗi năm khoảng 60 triệu đồng/ha thì ở những khu vực này, con số trung bình lên tới trên 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận trên 40% doanh thu. Đặc biệt, có những hộ thu nhập từ 1 đến vài tỷ đồng/ha.
Tuy vậy, hiện nay, tại không ít vùng sản xuất nông nghiệp ở những nơi này, chính người dân cũng thừa nhận rằng: “hạt mưa không thể rơi xuống đất”, bởi nhà kính mọc lên quá nhanh và quá nhiều. Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, địa phương hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển NNCNC, chính vì vậy, hiện nay xây dựng nhà kính được phát triển một cách tự do và gần như thả nổi tùy vào khả năng của từng hộ gia đình. Việc phát triển này đã và đang mang lại nhiều hệ lụy cho Lạc Dương, trong đó có cơn lũ vừa qua khiến nông dân mất mát tiền tỷ sau lũ.
Còn ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho rằng: Việc phát triển quá nhanh nhà kính trên địa bàn TP Đà Lạt và các huyện lân cận đã có tác động rất lớn đến cảnh quan cũng như môi trường. Nhà kính đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân nên chúng ta không thể cấm người dân khi họ có nhu cầu xây dựng. Việc nhà kính nối nhà kính, không có một khoảng không gian xanh nào cũng đã khiến cho Đà Lạt và vùng phụ cận nóng lên trong mùa nắng và ngập úng nhanh, cục bộ vào mùa mưa…
Thực tế, trận lũ vừa qua đã gây ảnh hưởng nặng đến những khu vực bị san ủi để làm nhà kính. Kết cấu vùng đồi núi bị phá vỡ, dòng chảy, cách thẩm thấu nước đều bị thay đổi. Mưa kéo dài, nước đổ xuống các dòng suối khiến mực nước dâng nhanh, gây thiệt hại cho các khu sản xuất, đặc biệt là vùng ven suối.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã nhìn nhận rõ những vấn đề đặt ra từ phát triển NNCNC nói chung và nhà kính nói riêng. Theo ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Việc dùng nhà kính để sản xuất nông nghiệp đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt là việc ứng dụng nông nghiệp 4.0, tăng năng suất, giảm công lao động và hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh nhà lưới, nhà kính trong phát triển NNCNC đã và đang gây ra nhiều hệ quả: ngập úng cục bộ, nhiệt độ tăng cao, môi trường ô nhiễm...
Còn tại huyện Lạc Dương, nơi mà phát triển NNCNC được xem là một trong những hướng đi mũi nhọn, địa phương này cũng đã xây dựng quy hoạch phát triển vùng NNCNC và giữ con số ổn định đến năm 2025 có khoảng 1.000 ha nhà kính. Song song với đó là khuyến khích người dân phát triển cây trồng năng suất chất lượng như cà phê đặc sản, dược liệu và sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngoài trời. Đó là một trong những giải pháp nhằm hạn chế nhà kính và phát triển NNCNC bền vững mà ngành nông nghiệp huyện Lạc Dương hướng đến.
Vấn đề đặt ra ở đây và những hệ lụy từ nhà kính không còn là câu chuyện mới mà hậu quả trực tiếp liên quan đến nông dân thì luôn mới và ngày càng nặng nề. Những khuyến cáo và định hướng đã được đưa ra, nhưng bản thân nông dân cũng phải có lựa chọn rõ ràng. Từ đó, vấn đề đầu tư sản xuất nông nghiệp, nhất là NNCNC không chỉ đơn thuần là đi theo xu thế và rơi vào tình cảnh mang gia sản ra đánh cược trước sự bất thường của tự nhiên mà một trong những nguyên nhân do biến đổi khí hậu.
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Không đánh đổi việc phát triển kinh tế để ảnh hưởng đến môi trường
Lâm Đồng đã chỉ đạo các ngành liên quan đưa ra các giải pháp để phát triển NNCNC bền vững. Điển hình như nghiên cứu các loại cây trồng nên và không nên dùng nhà kính để người dân theo đó áp dụng. Khuyến khích phát triển một số loại cây trồng ngoài trời đem lại lợi ích kinh tế cao mà vẫn giữ được cảnh quan môi trường. Song song với đó, yêu cầu địa phương tuyên truyền với người dân về việc hạn chế sử dụng nhà kính trồng trọt nếu không cần thiết.
Ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Lựa chọn cây trồng để phát triển và bảo vệ môi trường
Việc chủ trương phát triển những loại cây trồng vẫn mang lại lợi ích kinh tế mà không cần trồng trong nhà kính như atiso, đương quy... sẽ tạo ra các mảng xanh để bảo vệ môi trường, đồng thời giúp người dân không phải tốn nhiều chi phí trong phát triển nông nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Dung: Khắc phục nhưng chưa dám đầu tư lại
Để sản xuất lại, gia đình tôi cũng như nhiều nông hộ nơi này phải dọn sạch hàng chục tấn đất, đá, bùn, vệ sinh lại khu vực sản xuất. Nhưng còn chuyện dựng lại nhà kính hay không là điều chưa dám chắc. Mất mát quá lớn nên chúng tôi không dám một lần nữa vay mượn rồi “đánh cược” cả gia sản lên mảnh đất này. Chúng tôi không còn đủ tự tin vào kinh nghiệm “bắt mạch thời tiết” khi mà quy luật của thiên nhiên, của con nước bây giờ đã không còn như trước.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201908/nong-nghiep-cong-nghe-cao-lao-dao-sau-lu-2959468/