Nông nghiệp Điện Biên và hành trình 'cất cánh' (bài 2)
Bài 2: Nền tảng kinh tế kháng chiến, kiến quốcĐBP - Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại Điện Biên, ngành nông nghiệp đã phát động các phong trào thi đua, tổ chức động viên nông dân khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất. Với những nỗ lực vượt bậc, từ chỗ thiếu lương thực phải xin trợ cấp Trung ương, đến năm 1990, Điện Biên đã tự túc được lương thực và trở thành hậu phương phục vụ các cuộc kháng chiến.Nông nghiệp Điện Biên và hành trình 'cất cánh'
Cung cấp nguồn lực cho tiền tuyến
Mặc dù thiếu ăn, thiếu đói, thế nhưng với quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành nông nghiệp đã phát động phong trào “Toàn dân tăng gia sản xuất”, khơi dậy sức mạnh của nông dân. Phong trào toàn dân tăng gia sản xuất không chỉ góp phần giải quyết được nạn đói, còn đóng góp tích cực cho công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Điện Biên đã nộp thuế 2.476 tấn thóc, cho Chính phủ vay 2.663 tấn gạo, bán 106 tấn thịt, huy động gần 1.000 con ngựa, đóng góp 147.542 ngày công phục vụ chiến dịch… góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc chưa được bao lâu, quân dân cả nước lại bước vào kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trong thời gian này, ngành nông nghiệp Điện Biên vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng gia sản xuất, viện trợ cho chiến trường miền Nam. Giai đoạn 1963 - 1975, Điện Biên đã đóng góp hàng vạn ngày công lao động, phương tiện xe máy và hàng nghìn mét khối gỗ, lâm sản khác phục vụ nhu cầu của cuộc kháng chiến. Từ năm 1975 - 1979 ngành lâm nghiệp tuyển dụng 6.500 cán bộ, công nhân lâm nghiệp để xây dựng mới 5 lâm trường. Các lâm trường đã tổ chức được các tiểu đoàn tự vệ vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu.
Trong chiến tranh bảo vệ biên giới đầu năm 1979, các chiến sĩ tự vệ lâm nghiệp đã sát cánh cùng bộ đội và nhân dân địa phương chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; tiêu biểu là các chiến sĩ lâm trường Huổi Luông, Pa So, Dào San, Sà Dề Phìn, góp phần giữ vững biên cương của Tổ quốc.
Trong cả 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nông nghiệp - nông dân - nông thôn trên địa bàn tỉnh đều hoàn thành vẻ vang sứ mệnh là nền tảng của kinh tế kháng chiến, nuôi quân, đánh giặc, góp phần làm tròn vai trò hậu phương đối với tiền tuyến lớn.
Tự chủ lương thực
Đất nước thống nhất, Điện Biên cùng với cả nước bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển. Các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi được xác định là mặt trận hàng đầu.
Thời kỳ 1976 - 1986 đánh dấu việc thực hiện thí điểm thành công cơ chế quản lý mới trong nông nghiệp, chuyển từ cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế khoán theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư. Từ những thí điểm hình thức khoán trong sản xuất nông nghiệp ở Hải Phòng, Vĩnh Phú, Nghệ Tĩnh cuối năm 1981 đầu 1982 “Khoán 100” được nhanh chóng áp dụng tại Điện Biên và đem lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (1988) về giao lại ruộng đất cho nông dân quản lý, “công nhận sự tồn tại lâu dài và tác dụng tích cực của kinh tế cá thể tư nhân, đảm bảo quyền làm ăn chính đáng và thu nhập hợp pháp của các hộ cá thể tư nhân”.
Với nhiều nỗ lực, nông nghiệp Điện Biên đã có chuyển biến tiến bộ, tổng giá trị sản lượng nông nghiệp năm 1975 đạt hơn 44.508 triệu đồng, tăng 27,48% so với năm 1965. Năm 1975 đánh dấu những tiến bộ mới trong sản xuất nông nghiệp; nhiều địa phương đã có những đột phá mới đem lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng. Huyện Tuần Giáo chuyển hướng trồng đậu tương kết hợp xây dựng hợp tác xã; phát động thanh niên khai hoang, xây dựng, cải tạo đồng ruộng theo mô hình điểm. Tại huyện Điện Biên, phong trào xây dựng thủy lợi, giao thông, kiến thiết đồng ruộng, sắp xếp lại dân cư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Còn tại huyện vùng cao Tủa Chùa, người dân khai hoang ruộng nước, thực hiện thâm canh, đưa các giống mới vào canh tác... Cây công nghiệp ngày càng được coi trọng, phát triển. Giá trị sản lượng cây công nghiệp năm 1975 tăng 33% so với năm 1965, chủ yếu là cà phê với 231ha, sản lượng đạt 219 tấn.
Ông Phạm Đức Hiển, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Nhờ có chính sách tạo động lực và hỗ trợ phù hợp, với tinh thần sáng tạo, cần cù, tự lực cánh sinh, nông dân Điện Biên đã hăng hái, chủ động sáng tạo trong sản xuất. Đến năm 1986, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã cơ bản phục hồi và bước vào giai đoạn phát triển, năng suất lúa ruộng từ 24 tạ/ha năm 1963 tăng lên 33,27 tạ/ha năm 1996.
Sản xuất lương thực phát triển thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Các trạm, trại chăn nuôi quốc doanh, trại lúa… được thành lập và sản xuất con giống. Năm 1975 tổng đàn lợn có 119 nghìn con đến năm 1990 tăng lên 142 nghìn con; đàn trâu từ 57 nghìn con tăng lên 88 nghìn con; có nhiều giống gia súc, gia cầm năng suất, chất lượng cao (lợn ngoại hướng nạc, bò lai sind…) được bà con đưa vào chăn nuôi.
Nhờ tăng trưởng nhanh, nông nghiệp đã đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm cho nhu cầu của nhân dân, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Những thành tựu trong giai đoạn này là nền tảng quan trọng cho ngành nông nghiệp Điện Biên bước vào thời kỳ đổi mới. Sự phát triển của ngành nông nghiệp và nông thôn đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.