Nông nghiệp Gia Lai thiệt hại gần 190 tỷ đồng do hạn hán

Tính đến hết tháng 9/2020, hơn 9.000 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán trong vụ Đông Xuân ở các địa phương, ước thiệt hại khoảng 187,97 tỷ đồng.

Nông nghiệp Gia Lai thiệt hại gần 190 tỷ đồng do hạn hán. Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN

Nông nghiệp Gia Lai thiệt hại gần 190 tỷ đồng do hạn hán. Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN

Ngày 6/10, tại hội nghị sơ kết các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh, đối ngoại 9 tháng đầu năm, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tính đến hết tháng 9/2020, hơn 9.000 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán trong vụ Đông Xuân ở các địa phương, ước thiệt hại khoảng 187,97 tỷ đồng.
Ngoài ra, Gia Lai còn thiệt hại gần 500 ha ngô bị sâu keo mùa thu, hơn 3.200 ha sắn bị bệnh khảm lá virus gây hại trên tổng diện tích gieo trồng 9 tháng của toàn tỉnh ước khoảng 545.000 ha.
Để ứng phó với tình hình hạn hán kéo dài trên diện rộng tại các tỉnh Tây Nguyên, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra tại địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai cũng đã tiến hành nhiều biện pháp cấp bách song song như: áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm cho hơn 28.000 ha cây trồng.
Đồng thời, phát huy năng lực, đảm bảo hiệu quả khai thác trên 70% năng lực thiết kế của hơn 350 công trình thủy lợi (tổng năng lực thiết kế tưới hơn 67.000 ha; trong đó, gần 37.000 ha lúa, hơn 30.000 ha rau màu và cây công nghiệp); tái canh hơn 2.000 ha cà phê; chuyển đổi gần 600 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Gia Lai cũng là một tỉnh có tiềm năng phát triển chăn nuôi đàn gia súc với lợi thế về diện tích chuồng trại, môi trường sống, nguồn thức ăn, ít xảy ra dịch bệnh với đàn bò, lợn.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 41 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn; trong đó, có 6 dự án đã đi vào hoạt động, 35 dự án đang xin chủ trương với quy mô đầu tư khoảng 127.500 con bò, 29.271 con lợn nái; 604 lợn đực giống; 580.870 lợn thịt; 40.000 gà đẻ trứng; 19.200 con vịt đẻ trứng, 45.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm.
Là tỉnh vùng núi, lĩnh vực lâm nghiệp cũng được tỉnh Gia Lai chú trọng, đặc biệt là công tác chăm sóc rừng, khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, khai thác rừng trồng...
Hội nghị cũng điểm lại những kết quả đáng ghi nhận mà tỉnh Gia Lai đạt được trong 9 tháng đầu năm, như: đẩy nhanh kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 kịp tiến độ giải ngân hơn 60% mà Chính phủ đề ra; tăng số lượng hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả cũng như việc quản lý chặt chẽ sự bùng phát các dự án điện mặt trời áp mái trên các công trình nông nghiệp trên địa bàn.
Ngoài việc yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp tối ưu đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương trung rà soát, xây dựng, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, nhất là ở các vùng xảy ra hạn hán, thiếu nước; đồng thời, cần có các giải pháp căn cơ xử lý các loại giống cây trồng thường xuyên bị dịch bệnh (như sắn, mía…).
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nông, lâm nghiệp công nghệ cao để tạo cơ hội, điều kiện phát triển; tích cực triển khai chương trình liên kết, kết nối giữa sản xuất - chế biến - kinh doanh.

Đồng thời, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; khẩn trương hoàn thành các đề án, chương trình lớn về bảo tồn và phát triển cây dược liệu, phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả, xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao tại cánh đồng xã An Phú và xã Glar, đề án các khu - cụm nông nghiệp công nghệ cao...
Ông Lê Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang ý kiến về việc tỉnh nên có hướng điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ khó khăn cho các công trình điện mặt trời mái nhà trên các dự án nông nghiệp tại Mang Yang trước ngày 31/12/2020 để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp.
Riêng vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Võ Ngọc Thành cho rằng, các địa phương nên kiểm soát chặt chẽ quy trình, cẩn trọng trong quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác không để các dự án điện mặt trời mái nhà phát triển ồ ạt. Vì khi vỡ trận, các dự án này sẽ phá vỡ quy hoạch đất đai chung toàn tỉnh kéo theo sự ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường.
9 tháng năm 2020, thu ngân sách tỉnh Gia Lai ước đạt hơn 3.000 tỷ đồng, trên tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện hơn 9.500 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng với nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, Gia Lai cũng đã kịp thời phân bổ các nguồn kinh phí để phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh./.

Hồng Điệp/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nong-nghiep-gia-lai-thiet-hai-gan-190-ty-dong-do-han-han/173742.html