Nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng khả quan
Quý I/2021, ngành nông nghiệp Hà Nội đạt mức tăng trưởng 2,51%, đóng góp quan trọng vào mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 4,2% cả năm 2021, ngành nông nghiệp Thủ đô đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản.
Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng 4,2%
Lý giải nguyên nhân đạt được mức tăng trưởng 2,51% trong quý I/2021 (so với cùng kỳ 2020 là âm 1,17%), Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, những tháng đầu năm, thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. “Việc tăng đàn gia cầm, tăng diện tích rau màu, cây ăn quả đã giúp thị trường nông sản Hà Nội luôn ổn định, không chịu nhiều sức ép từ dịch Covid-19. Mặt khác, việc kiểm soát tốt dịch bệnh, tập trung tái đàn lợn cũng góp phần đáng kể vào tăng trưởng của ngành. Cụ thể, đàn lợn tăng 18,2%, đàn gia cầm tăng 5,4%, sản lượng thủy sản tăng 2,9% so với quý I/2020” – ông Chu Phú Mỹ phân tích.
Đơn cử, tại huyện Đông Anh, vụ Xuân năm 2021, toàn huyện gieo trồng 866ha các loại, tăng 10ha so với vụ Xuân năm 2020, tập trung vào các loại rau ăn lá có giá trị cao; đồng thời đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn lợn, gà, trâu, bò và gia cầm. Đến nay, đàn lợn của huyện đã lên tới trên 43.400 con, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng cảnh báo những rào cản đối với mục tiêu tăng trưởng đạt 4,2% trong năm nay. Đó là, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong khi trên địa bàn TP chưa có nhiều cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn có xu hướng tăng; bất cập trong chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa được cơ bản tháo gỡ. Sản xuất ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi, nâng tỷ lệ chế biến sản phẩm còn hạn chế.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, các DN, hợp tác xã phải chủ động bám sát thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ đang hoạt động. Ở góc độ DN, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn An Việt Đỗ Hoàng Thạch chia sẻ, công ty sẽ ưu tiên xây dựng phương án cung ứng nông sản để liên kết sản xuất - tiêu thụ với nông dân, hợp tác xã trong bối cảnh thị trường dự báo tiếp tục có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hiện nay, bên cạnh việc tập trung chăm sóc vụ Xuân, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các địa phương lên kế hoạch cho vụ Mùa, vụ Đông phù hợp tình hình sản xuất và nhu cầu thị trường. Đồng thời, tăng cường xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất lúa, rau màu ngắn ngày; mở rộng diện tích sản xuất các giống hoa, cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao.
Với lĩnh vực chăn nuôi, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, cùng với việc hỗ trợ các DN, hợp tác xã phát triển chuỗi chăn nuôi khép kín, Sở sẽ tập trung xây dựng các mô hình chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng điểm, trong đó hợp tác xã, DN sản xuất, chế biến và tiêu thụ là đơn vị đi đầu. Bên cạnh đó, Sở sẽ triển khai thí điểm hỗ trợ một số xã chăn nuôi trọng điểm thành cơ sở an toàn dịch bệnh để tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Mặt khác, tiếp tục chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả ở một số địa phương sang các mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới.
"Song song với việc đồng hành cùng các DN, hợp tác xã phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung ứng nguyên liệu cho sản xuất." - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nong-nghiep-ha-noi-tang-truong-kha-quan-415938.html