Nông nghiệp hiện đại từ ứng dụng khoa học, công nghệ

Sản phẩm chè có mặt tại 3 châu lục và trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ; nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu xếp hạng cấp tỉnh, khu vực, quốc gia hoặc giành giải thưởng quốc tế… Việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, chế biến góp phần đặc biệt quan trọng tạo nên kết quả đột phá này.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP trên điện thoại thông minh. ảnh: Tư Liệu

Lãnh đạo Sở NN-PTNT truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP trên điện thoại thông minh. ảnh: Tư Liệu

Đảng, Nhà nước ta xác định, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải dựa vào KH&CN và ưu tiên đầu tư cho KH&CN. Bởi đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường; hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững. Cụ thể hóa quan điểm này, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh ta đã triển khai 130 nhiệm vụ KH&CN; gồm 13 dự án cấp T.Ư, 86 đề tài, dự án cấp tỉnh, 31 dự án mở rộng cấp huyện, thành phố. Trong đó, có đến 68 đề tài khoa học nông, lâm nghiệp.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh ưu tiên các nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế, cho năng suất, chất lượng cao, khả năng phòng, chống dịch bệnh tốt; xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết, chuỗi giá trị, nông nghiệp sạch. Điển hình như: Nghiên cứu sản xuất giống 20 loại dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh; nhân giống, thâm canh Hồng không hạt Quản Bạ, Trâu lai tại Bắc Quang hay mô hình phát triển Bò vàng Cao nguyên đá… Đặc biệt, từ ứng dụng công nghệ sinh học, tỉnh ta đã làm chủ công nghệ sản xuất một số giống dược liệu quý và giống cây trồng, vật nuôi đặc sản của tỉnh bằng phương pháp invitro (thí nghiệm trong ống nghiệm), gồm 8 giống dược liệu quý, như: Ba kích tím, Giảo cổ lam 5 lá và 7 lá, Đan sâm, Bình vôi... Tỉnh đã công bố chất lượng 34 sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu; 9 sản phẩm của 5 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh, như: Cao Atiso (HTX Cộng đồng Nặm Đăm – xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ), trà Khổ qua rừng túi lọc (cơ sở sản xuất Nguyễn Huy Hồ Anh – xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần), gia vị tinh dầu Hồi (Công ty TNHH Cát Thành – thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên)…

Trong nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ, ngành KH&CN đã tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất một số sản phẩm từ nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, bước đầu xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng đầu vào của nguyên liệu; quy trình xử lý nguyên liệu, chiết xuất dược liệu quy mô từ 50 – 100 kg/mẻ và 2 quy trình bào chế viên nang thực phẩm chức năng từ dược liệu. Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến một số sản phẩm từ Giảo cổ lam, Ấu tẩu để tạo nên những sản phẩm dược liệu độc đáo, được thị trường đón nhận, như: Trà túi lọc, thực phẩm chức năng Giảo cổ lam; bột dinh dưỡng Ấu tẩu dạng khô hay kem xoa bóp từ Ấu tẩu. Qua đó, tiếp tục tạo tiền đề thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm từ đặc sản địa phương để nâng cao giá trị dược liệu của tỉnh. Riêng sản phẩm Mật ong Bạc hà Cao nguyên đá được ứng dụng công nghệ hạ thủy phần (tách nước trong mật) để nâng cao chất lượng và giá trị mật ong; thông qua việc thiết kế, lắp đặt thiết bị hạ thủy phần có công suất 30 kg/giờ, giúp hạ thủy phần mật ong từ 22,5% xuống còn 19% để hướng tới mục tiêu xuất khẩu với chất lượng tinh khiết, giữ nguyên mùi thơm, hương vị đặc trưng của sản phẩm...

Hiện nay, toàn tỉnh có 18,5 nghìn ha/ 20,8 nghìn ha chè cho thu hoạch; giá trị sản xuất chè búp tươi đạt trên 320 tỷ đồng/năm và có hơn 200 cơ sở chế biến chè đang hoạt động. Trong đó, nhiều doanh nghiệp, như: Công ty TNHH thương mại Hùng Cường (Vị Xuyên), Công ty Cổ phần chè Hùng An hay Công ty TNHH Trà Hoàng Long (Bắc Quang),… đã chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, công suất lớn (3 – 5 tấn/ngày), lựa chọn tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu (Oganic EU) để tạo ra các sản phẩm chè đa dạng, chất lượng cao. Sản phẩm chè không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống mà đã xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia, điểm tên tại 3 châu lục: Á, Âu, Mỹ với các sản phẩm đa dạng, phong phú, như: Chè đen, chè xanh, chè vàng, chè Phổ nhĩ... Tại cuộc thi Trà quốc tế năm 2019 tại Pháp, sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh của HTX Tây Côn Lĩnh (xã Phương Độ - thành phố Hà Giang) xuất sắc giành 3 giải thưởng danh giá: Vàng, Bạc và giải Ấn tượng. Bên cạnh đó, sản phẩm chè Shan tuyết công phu Độ Khoa của hộ kinh doanh Phan Thế Độ (thị trấn Vĩnh Tuy – Bắc Quang) giành giải Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia…

Thực tế trên cho thấy, công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh tiếp tục có bước phát triển, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Không ít sản phẩm có sức cạnh tranh, đóng góp đáng kể giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh và hình thành những sản phẩm công nghiệp có thương hiệu trên thị trường. Điều này chứng minh, ứng dụng KH&CN chính là khâu then chốt, tạo nên bước chuyển đột phá để góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202004/nong-nghiep-hien-dai-tu-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-758416/