Nông nghiệp hữu cơ cần giải bài toán 'lòng tin'

Tại Diễn đàn 'Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến' ngày 28.9, các chuyên gia đánh giá, nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ ở Việt Nam. Tuy nhiên, chặng đường phía trước rất nhiều thách thức, và quan trọng nhất là phải xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng.

Nổi lên nhiều nút thắt

Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ trên thế giới, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Nguyễn Minh Tiến cho biết, người tiêu dùng đang dần nhận thức rõ tầm quan trọng của sản phẩm hữu cơ đối với môi trường, sức khỏe nhất là sau dịch Covid-19. Doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ trên toàn cầu đã tăng 15% lên 129 tỷ USD vào năm 2020. Thị trường sản phẩm hữu cơ tăng mạnh lên 188 tỷ USD vào năm 2021 và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022. Thị trường sản phẩm hữu cơ đang trở nên quan trọng ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… chủ yếu là rau quả hữu cơ, trong đó trái cây nhiệt đới, các loại hạt và gia vị. Những nông sản này đều là những mặt hàng xuất khẩu chính và có lợi thế của Việt Nam.

Tại Việt Nam, thực hiện Quyết định 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai nông nghiệp hữu cơ. Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của nước ta đạt trên 174.000ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng vị trí 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ có hơn 63.000ha; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000ha; diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới… Số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ hơn 17.000 đơn vị, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu…

Dù có nhiều thành tựu đáng khích lệ nhưng Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam cho rằng, phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay nổi lên nhiều nút thắt. Đầu tiên là thiếu lòng tin giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân. Khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt; ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, sức khỏe người sản xuất; sức khỏe người tiêu dùng, cây trồng, vật nuôi. Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề này nông nghiệp hữu cơ mới có thể thành công.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam Phạm Minh Đức cho biết thêm, giai đoạn 2000 - 2010, doanh nghiệp Việt âm thầm làm sản phẩm hữu cơ cho doanh nghiệp châu Âu nhưng thực chất các doanh nghiệp mua hàng về đóng gói. Từ năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực sự làm chủ, một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk hay TH bắt đầu chuyển một phần sản phẩm sang làm hữu cơ. Tuy nhiên, thương hiệu của doanh nghiệp Việt hiện còn nhỏ, khó xâm nhập thị trường châu Âu.

Giải pháp không chỉ dừng lại ở chính sách

Thực tế, dư địa phát triển các sản phẩm hữu cơ rất lớn. Ví dụ, TS. Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Công ty TNHH Mekong Organics, cho biết, nông sản Việt có cơ hội rộng mở ở thị trường Australia, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ. Hiện gạo là mặt hàng có cơ hội tốt nhất nhờ nhu cầu gạo hữu cơ vượt xa nguồn cung. Các sản phẩm trái cây, rau quả chế biến, cá, tôm, các loại thảo mộc và gia vị khô như húng quế, quế... đều có triển vọng phát triển tốt tại thị trường này.

Vậy nhưng làm thế nào để biến dư địa đó thành hiện thực, điều này không chỉ dừng ở chính sách, dừng lại ở Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ mà còn phải có hàng loạt giải pháp khác. Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, cho rằng, các doanh nghiệp cần nắm bắt được xu thế tiêu dùng nói chung và xu thế tiêu dùng sản phẩm hữu cơ nói riêng như sự chuyển dịch sang mua sắm tại nhà hay gia tăng số lượng các tiêu chuẩn bền vững và quy trình ghi nhãn mác sản phẩm về kiểm dịch động thực vật hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Quan trọng nhất vẫn là xây dựng lòng tin với người tiêu dùng. Điều này cần cả quá trình với sự nỗ lực từ nhiều bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm hữu cơ cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng. “Chúng ta đề ra giải pháp không chỉ dừng ở quy chuẩn, quy hoạch, tổ chức sản xuất, mà cần định hướng người tiêu dùng tới những sản phẩm tốt", ông Tiến nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Hồng Lam, định hướng, chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay rất đầy đủ, rộng mở, vấn đề là cách thức tổ chức, triển khai thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng được lòng tin với người sản xuất, tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, địa phương... Địa phương nào mà hệ thống chính trị cùng nhau vào cuộc quyết liệt, thực sự khát vọng phát triển nông nghiệp hữu cơ thì địa phương đó sẽ triển khai thành công, phát triển mạnh mẽ. Về lâu dài, Nhà nước phải xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất; đặt hàng doanh nghiệp, nhà khoa học, thậm chí là nông dân, bởi lẽ chỉ có đặt hàng mới có thể sản xuất theo tín hiệu thị trường, bảo đảm được niềm tin cho sản phẩm.

“Chúng ta phải thay đổi tư duy, nhận thức lại rằng, sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm chất lượng là phục vụ cho chính chúng ta, chứ đừng nghĩ mơ hồ sản xuất ra sản phẩm chất lượng chỉ để phục vụ xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là cả một quá trình, nhưng đó là điều bắt buộc. Chúng ta phải kiên trì, không có con đường nào khác”, ông Lam nhấn mạnh.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/nong-nghiep-huu-co-can-giai-bai-toan-long-tin-i301825/