Nông nghiệp khẳng định vị thế là bệ đỡ của nền kinh tế Thủ đô
Vượt qua khó khăn duy trì được đà phát triển, nông nghiệp Thủ đô khẳng định vị trí quan trọng là bệ đỡ của nền kinh tế. Từ chỗ giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2008 chỉ đạt hơn 7.000 tỷ đồng thì năm 2022 đã đạt gần 50.000 tỷ đồng.
Đây là thông tin được Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nêu tại cuộc làm việc giữa UBND TP Hà Nội với đoàn công tác Bộ NN&PTNT về phát triển nông nghiệp Thủ đô.
Dự, chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, cùng đại diện một số Cục, Vụ, Viện, các sở, ban ngành của TP Hà Nội.
Vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành
Nông thôn Hà Nội tuy có tỷ trọng giá trị không cao trong cơ cấu kinh tế Thủ đô (khoảng trên 2%) nhưng đây lại là khu vực rộng lớn với số lượng người dân sống ở khu vực nông thôn đông đúc.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội năm 2008, dân số khu vực nông thôn của Hà Nội khoảng 4 triệu người, chiếm 55,6% dân số toàn TP. Lao động khu vực nông thôn chiếm trên 60% lực lượng lao động toàn TP, trong đó lao động nông nghiệp là hơn 1 triệu người.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, diện tích đất nông nghiệp toàn TP còn khoảng 197.428ha (chiếm 58,8% tổng diện tích đất); về dân số, trong tổng số hơn 8,43 triệu dân vẫn có khoảng 4,29 triệu người (50,49%) sống ở khu vực nông thôn.
So với 5 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (TP Hồ Chi Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cân Thơ) thì Hà Nội đứng thứ 2 về quy mô dân số nhưng đứng đầu cả nước về dân số ở khu vực nông thôn (lớn gấp 2,15 lần địa phương đứng thứ 2 là TP Hồ Chí Minh với 2 triệu người); với mật độ dân cư ở nông thôn 1.408 người/km2, cao nhất trong 5 địa phương này.
Cùng với định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và vị trí là trung tâm kinh tế văn hóa chính trị của cả nước, Thủ đô Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh. Đây là điều kiện tác động mạnh đến khu vực nông thôn (vốn được xác định là khu vực dễ tổn thương) gây nguy cơ gia tăng về khoảng cách giàu - nghèo chênh lệch trong xã hội.
Có thể thấy rằng, khu vực nông thôn Thủ đô có vị trí hết sức quan trọng không những về sản xuất vật chất của cải cho xã hội mà ảnh hưởng đến cả vấn đề an sinh xã hội của hơn 1⁄2 dân số Thủ đô, ổn định tình hình kinh tế, an ninh xã hội của TP.
Nhiều kết quả nổi bật của nông nghiệp Hà Nội
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, nhận thức rõ vấn đề này, những năm qua Thành ủy - UBND TP Hà Nội đã có nhiều quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư phát triển khu vực nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Đến nay, nông nghiệp, nông thôn Thủ đô đã có nhiều bước tiến vượt bậc làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Phải kể tới trước tiên là kết quả xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 17/18 huyện thị xã của Hà Nội đã đạt huyện nông thôn mới, 382/382 (đạt 100%) xã nông thôn mới (nhiều nhất cả nước, trong đó 111 xã nông thôn mới nâng cao và 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu). Có thể khẳng định, Hà Nội đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Đời sống người dân khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện: đa số hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang. Thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao. Số liệu ước tính đến năm 2023 đã đạt 63,28 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 7 lần so với năm 2008). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống chỉ còn 0,06% (tức là cơ bản không còn hộ nghèo so với từ 12,5% năm 2008).
Vượt qua khó khăn duy trì được đà phát triển, nông nghiệp Thủ đô khẳng định vị trí quan trọng là bệ đỡ của nền kinh tế. Từ chỗ giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2008 chỉ đạt hơn 7.000 tỷ đồng thì năm 2022 đã đạt gần 50.000 tỷ đồng (cao hơn xấp xỉ 8 lần so với năm 2008, đứng tốp đầu về quy mô so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng).
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Hà Nội là địa phương đi đầu về triển khai Chương trình OCOP. Lũy kế từ năm 2019 đến nay, TP đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm OCOP, chiếm 22% của cả nước. Các sản phẩm OCOP thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ và nông sản chế biến của TP đã xuất khẩu trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ…
“Kết quả đạt được của ngành NN&PTNT Thủ đô trong những năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô nói chung; đồng thời, góp phần vào sự phát triển chung của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước…” - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.