Nông nghiệp Lập Thạch vượt khó

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành cùng với sự nỗ lực cố gắng bà con nông dân trên địa bàn, hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện Lập Thạch đạt nhiều kết quả quan trọng, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Thanh long ruột đỏ, thương hiệu nâng tầm nông sản Lập Thạch.Ảnh: Nguyễn Khánh

Thanh long ruột đỏ, thương hiệu nâng tầm nông sản Lập Thạch.Ảnh: Nguyễn Khánh

Định hướng đồng bộ các giải pháp

Tháng 5/2021, dịch bệnh Covid-19 lan rộng ra nhiều địa phương trong cả nước. Tại huyện Lập Thạch đã xuất hiện các ca nhiễm tại xã Tử Du, Hợp Lý và Đồng Ích gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành Nông nghiệp trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, chủ trương, định hướng, công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sinh vật hại, công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm…

Việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản gặp nhiều khó khăn; tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát (cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò....), ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, diện tích đất đai canh tác nhỏ lẻ, manh mún khó đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên chưa khuyến khích được nông dân đầu tư vào thâm canh phát triển sản xuất, mở rộng các vùng hàng hóa mang tính chất chuyên canh…

Với quyết tâm, định hướng đồng bộ các giải pháp vượt qua những khó khăn, kết thúc năm 2021 ngành Nông nghiệp Lập Thạch đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm hơn 12 nghìn ha đạt 98%. Nhóm cây lương thực có hạt tăng hơn 160 ha so với cùng kỳ.

Năng suất lúa đạt 60,68 tạ/ha, ngô đạt 45,2 tạ/ha đều tăng so với năm 2020. Sản lượng lương thực cây có hạt đạt gần 50 nghìn tấn. Tỷ lệ xuất chuồng gia súc, gia cầm như đàn trâu 443,8 tấn; đàn bò 1.318 tấn; đàn lợn 13.902 tấn; đàn gia cầm 3.249 tấn…đều tăng mạnh so với cùng kỳ.

Riêng đàn bò sữa trong năm 2021 cho giá trị sản xuất đạt trên 20 tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 800 ha,sản lượng thủy sản đạt 1.210 tấn, tăng 10,5 tấn so với năm 2020. Diện tích trồng rừng tập trung được 180 ha, đạt 100% kế hoạch…

Mở rộng tối đa diện tích cây trồng

Bước vào năm 2022, bên cạnh những dự báo về tình hình khí hậu, thời tiết sẽ có những biến động phức tạp. Ngành Nông nghiệp Lập Thạch còn đối diện với những thách thức, khó khăn như lợi nhuận thu được từ sản xuất trồng trọt thấp hơn nhiều so với các ngành nghề khác nên một số nơi có hiện tượng người dân bỏ ruộng để lãng phí đất đai, tài nguyên. Nguồn lao động trong ngành nông nghiệp ngày càng ít và già hóa.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và cây hàng năm thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gặp khó khăn do diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún chưa đảm bảo về diện tích theo quy định hỗ trợ của tỉnh nên chưa khuyến khích được nông dân đầu tư vào thâm canh phát triển sản xuất, mở rộng các vùng hàng hóa mang tính chất chuyên canh.

Diện tích thủy sản còn phân tán, quy mô nhỏ; nuôi thâm canh còn ít; chưa tận dụng hết khai thác hết diện tích nuôi trồng thủy sản như diện tích 1 lúa, 1 cá, và một số hồ lớn trên địa bàn huyện.

Một số địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng nên dẫn đến tình trạng năng lực của các tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi còn hạn chế…

Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp Lập Thạch đặt ra mục tiêu: Tổng diện tích gieo trồng là 12.400 ha; Phấn đấu năng suất lúa 62 tạ/ha, ngô 45 tạ/ha, khoai lang 110t ạ/ha, đậu tương 18 tạ/ha, lạc 19 tạ/ha, rau xanh các loại 150 tạ/ha...Sản lượng: Lúa 41.540 tấn, ngô 8.325 tấn, khoai lang 4.125 tấn, đậu tương 72 tấn, lạc 1.482 tấn, rau xanh các loại 14.400 tấn...

Tổng đàn trâu 5.100 con; tổng đàn bò 23.650 con; đàn lợn xuất chuồng (không tính lợn sữa) 99.000 con; tổng đàn gia cầm 1.653.000 con. Duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 800 ha. Sản lượng nuôi trồng trên 1.550 tấn. Diện tích trồng rừng tập trung đạt 120 ha, trồng cây phân tán 50.000 cây; bảo vệ 430,7 ha rừng phòng hộ; tỷ lệ che phủ rừng đạt 25%.

Để thực hiện những mục tiêu kế hoạch đã đề ra Lập Thạch sẽ chủ động mở rộng tối đa diện tích cây trồng của các vụ trong năm, hạn chế tình trạng để đất trống. Tăng cường tăng cường sử dụng giống tốt, có phẩm cấp, chất lượng từ xác nhận trở lên, năng suất cao, giống chống chịu sâu bệnh, gắn liền với đầu tư thâm canh, đảm bảo khung thời vụ.

Bên cạnh đó tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng sau dồn điền đổi thửa theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ nông sản; tăng cường công tác tuyên truyền và vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, trên các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, diện tích có khả năng bị hạn, hạn chế tối đa diện tích bỏ hoang, ưu tiên sử dụng các loại giống mới có độ thuần cao.

Tăng cường công tác thú y, chỉ đạo tốt tiêm phòng các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm đảm bảo nhằm ngăn chặn dịch bệnh xảy ra; đồng thời theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để có biện pháp dập tắt dịch kịp thời và triệt để; củng cố công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đặc biệt, địa phương chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; xử lý, nhắc nhở kịp thời các cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản; đổi mới phương thức hoạt động của hợp tác xã...

Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74867/nong-nghiep-lap-thach-vuot-kho.html