Nông nghiệp Ninh Bình cần chọn hướng đi riêng

Đó là yêu cầu của đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 gắn với sơ kết giai đoạn 2021-2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT diễn ra sáng 12/1.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng trao Cờ thi đua của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích trong năm 2023.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng trao Cờ thi đua của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích trong năm 2023.

Ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có nhiều diễn biến phức tạp nhưng ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng, phát triển toàn diện. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 10.077,5 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2022, đạt 150% so với kế hoạch. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác ước đạt 155 triệu đồng, vượt 2 triệu đồng so với kế hoạch, tăng 4,9 triệu đồng so với năm 2022.

Các đại biểu dự hội nghị.

Về trồng trọt, 2 vụ lúa đều được mùa, được giá, diện tích lúa chất lượng cao sản xuất theo hướng hữu cơ tiếp tục được mở rộng. Đã hình thành nhiều diện tích cây ăn quả tập trung, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm tại vùng đồi núi khó khăn như ở thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan. Diện tích sản xuất rau, hoa công nghệ cao cũng tăng. Các mô hình cây trồng mới (trồng nho hạ đen, sen Nhật) kết hợp dịch vụ du lịch trải nghiệm hứa hẹn đem lại giá trị gia tăng lớn.

Ngành chăn nuôi tuy chịu tác động lớn nhất từ biến động thị trường và tình hình dịch bệnh nhưng nhờ linh hoạt chuyển đổi sang phát triển đàn đại gia súc và các đối tượng đặc sản như dê, hươu, nai, gà đồi... để phục vụ du lịch cũng như giảm thiểu tác động từ giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên vẫn duy trì được đà phát triển. Lĩnh vực thủy sản tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển từ quảng canh sang thâm canh, siêu thâm canh, chú trọng các đối tượng thủy, hải sản đặc sản, đặc hữu, con nuôi mới. Tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 69.900 tấn, giá trị sản xuất đạt 2.228,2 tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm 2022.

Công tác chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng được quan tâm, thực hiện tốt, làm cơ sở, tiền đề cho phát triển du lịch. Về kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 119/119 xã đạt chuẩn NTM; 68/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao/kiểu mẫu và có trên 542 thôn (xóm, bản) được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; hồ sơ đề nghị công nhận huyện Yên Khánh đạt chuẩn NTM nâng cao đã trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được lan tỏa sâu rộng và phát triển mạnh mẽ.

Trong năm, có thêm 82 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, vượt 33 sản phẩm so với kế hoạch đề ra. Lũy kế đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 183 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 70 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 113 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Năm 2024, ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo sản xuất của ngành Nông nghiệp là bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, có trách nhiệm với người tiêu dùng, du khách đến với Ninh Bình.

Phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên lợi thế từng tiểu vùng sinh thái với những sản phẩm chủ lực, đặc sản riêng có và theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến. Xây dựng NTM gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc nông thôn. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5% trở lên; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt từ 160 triệu đồng, có 2 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM nâng cao; 20 xã đạt NTM nâng cao/kiểu mẫu.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương những kết quả ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã đạt được trong năm 2023. Đồng chí nhấn mạnh: Ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh gia tăng. Trong khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của Ninh Bình còn chậm, năng suất lao động thấp, diện tích đất đai manh mún, thói quen lạm dụng hóa chất trong sản xuất vẫn còn phổ biến. Tăng trưởng của nông nghiệp Ninh Bình tuy ổn định nhưng vẫn còn thấp hơn trung bình chung cả nước.

Do vậy, nông nghiệp Ninh Bình muốn phát triển bứt phá phải chọn cho mình con đường đi riêng. Đó là gắn phát triển nông nghiệp với phát triển với du lịch; trong quá trình xây dựng NTM phải giữ gìn được bản sắc lịch sử, văn hóa địa phương; quan tâm phục dựng nông thôn Cố đô Hoa Lư.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để làm tốt công tác tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả mọi nhiệm vụ đề ra. Trong đó, phấn đấu để năm 2024 Ninh Bình là tỉnh NTM. Ngoài ra, cần sớm rà soát lại công tác quy hoạch để tạo điều kiện cho thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ người dân tiếp cận thị trường. Chú trọng công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, bảo vệ hệ thống đê điều. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn phải chọn việc để làm, không làm dàn trải; đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian, rõ trách nhiệm. Mỗi cán bộ ngành Nông nghiệp phải "vừa hồng, vừa chuyên", có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và cống hiến vì quê hương, đất nước.

Nguyễn Lựu-Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nong-nghiep-ninh-binh-can-chon-huong-di-rieng/d20240112142141374.htm