Nông nghiệp - nông dân thông minh: Đông Nam Á học từ Israel

Công nghệ nông nghiệp Israel đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại Đông Nam Á thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp song phương

Israel đã vượt qua hàng loạt thách thức nghiêm trọng, như khan hiếm nước và điều kiện đất đai nghèo nàn, để trở thành cường quốc nông nghiệp hàng đầu thế giới.

Hiện tại, đây là quốc gia có năng suất sữa bò cao nhất thế giới (trung bình 13.000 lít/năm so với 6.000 lít/năm của châu Âu); năng suất cà chua cao nhất (300 tấn/ha so với 50 tấn/ha của thế giới) và mức thất thoát ngũ cốc sau thu hoạch thấp nhất (0,5% so với 20% của thế giới).

Mục tiêu kép

Với hai phần ba diện tích đất khô cằn hoặc bán khô cằn, tài nguyên nước thiếu hụt, lượng mưa khan hiếm và vị trí địa lý cách xa thị trường xuất khẩu tiềm năng, Israel dường như không phải là quốc gia phù hợp để phát triển nông nghiệp.

Bất chấp những thách thức này, Israel vẫn thành công trong công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp nhờ hàng loạt yếu tố như tư duy tiên phong và chính phủ cam kết, nhất là trong những năm 1950 và 1960.

Trong những năm đầu tiên, theo báo The Jerusalem Post, Chính phủ Israel chi 30% ngân sách để phát triển nông nghiệp và hệ thống nước, tương đương ngân sách dành cho giáo dục. Cùng với chính sách rõ ràng, chuỗi sản xuất và hội đồng tiếp thị hiệu quả, nguồn đầu tư sớm nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi để các phân ngành phụ (rau củ, trái cây…) phát triển trong thị trường cạnh tranh.

Loại hình tổ chức cũng là một yếu tố giúp nông nghiệp Israel "lột xác". Ngay từ đầu, nông dân Israel hoặc được đưa vào hợp tác xã hoặc được đại diện bởi một hiệp hội nông dân, tức được liên kết với một đơn vị sản xuất lớn hơn. Điều này giúp củng cố sức mạnh thương lượng của nông dân, tạo điều kiện để họ cạnh tranh, hoạt động và tiếp cận thị trường một cách hiệu quả.

Định hướng thị trường rõ ràng cũng là một yếu tố góp phần tạo nên thành công cho nông nghiệp Israel. Nỗ lực phát triển thị trường nội địa để bảo đảm an ninh lương thực và khả năng tự cung thực phẩm được tiến hành song song với nỗ lực phát triển thị trường xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhân viên của Công ty Netafim (Israel) bên cạnh hệ thống tưới tiêu được phát triển để sử dụng nước hiệu quả hơn Ảnh: REUTERS

Nhân viên của Công ty Netafim (Israel) bên cạnh hệ thống tưới tiêu được phát triển để sử dụng nước hiệu quả hơn Ảnh: REUTERS

Thành công của Israel còn đến từ hệ thống đổi mới đa ngành tập trung giải quyết vấn đề, đặc biệt là những thách thức mà nông dân nước này đang đối mặt. "Không có gì là không làm được khi chưa được chứng minh là bất khả thi" - Giám đốc Trạm Nghiên cứu công nghệ nông nghiệp Eden Farm (Israel) Zion Deko nhấn mạnh.

Tinh thần đó đã được Israel chứng minh thông qua quyết định xây Hệ thống Dẫn nước quốc gia (NWC) để đưa nước từ biển hồ Kinneret ở phía Bắc đến sa mạc Negev ở phía Nam - một quyết định đã làm thay đổi hoàn toàn hệ thống phân phối nước của quốc gia này, cho phép họ canh tác trên sa mạc.

Cơ hội cho Đông Nam Á

Các công ty công nghệ nông nghiệp Israel đang mở rộng hoạt động kinh doanh sang Đông Nam Á trong bối cảnh các quốc gia như Philippines và Thái Lan hướng về Trung Đông để tìm kiếm giải pháp cải thiện năng lực sản xuất lương thực.

Theo báo Nikkei Asia (Nhật Bản), công nghệ nông nghiệp Israel đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại Đông Nam Á thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp song phương.

Quốc gia Trung Đông này đã mở rộng hợp tác với Thái Lan bằng việc khai trương nhà kính trồng trọt thứ hai ở tỉnh Petchburi vào tháng 10-2020, sau khi khai trương thành công cơ sở thứ nhất vào năm 2018.

Trong khuôn khổ của dự án này, Israel cung cấp cho Thái Lan hệ thống tưới phun được thiết kế để bảo đảm sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững, đồng thời cử phái đoàn chuyên gia hỗ trợ nông dân Thái Lan ứng dụng công nghệ trồng trọt.

Công nghệ nông nghiệp Israel đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại Đông Nam Á thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp song phương Ảnh: Netafim

Công nghệ nông nghiệp Israel đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại Đông Nam Á thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp song phương Ảnh: Netafim

"Israel thường cung cấp công nghệ, có thể là hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt lọc tốt hơn, có thể là hệ thống thẩm thấu ngược hiện đại giúp sử dụng nước hiệu quả hơn, ít tiêu hao năng lượng hơn" - Đại sứ Israel tại Singapore Sagi Karni khẳng định.

Ông đồng thời cho biết Israel có khoảng 600 công ty công nghệ nông nghiệp và thực phẩm, bao gồm hàng loạt công ty có thể tinh chỉnh giải pháp để phù hợp với điều kiện canh tác của các quốc gia khác.

Bảo đảm an ninh lương thực là nhiệm vụ quan trọng đối với Đông Nam Á, nơi lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm đóng góp tổng cộng 717 tỉ USD cho Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam vào năm 2019 - tăng 30% so với hồi 2015, theo Công ty Tư vấn Oxford Economics (Anh).

"Để Đông Nam Á trỗi dậy mạnh mẽ hơn sau đại dịch, các nhà hoạch định chính sách cần tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để ngành nông nghiệp thực phẩm tự tái thiết hiệu quả" - chuyên gia James Lambert của Oxford Economics khẳng định.

Quốc hội Israel hồi đầu tháng rồi nhất trí thông qua dự luật ngân sách 2022 trị giá 180 tỉ USD do chính phủ đề xuất. Theo báo Times of Israel, gói ngân sách này sẽ cung cấp chi tiêu cho hàng loạt chương trình, trong đó có cải cách nông nghiệp để cho phép nhập khẩu nông sản nước ngoài, kể cả trứng và các sản phẩm làm từ sữa.

Mục tiêu của đợt cải cách này là gia tăng tính cạnh tranh trong ngành nông nghiệp Israel, mở rộng phạm vi sản phẩm bằng cách nới lỏng quy định để từ đó giảm giá thành, có lợi cho người tiêu dùng. Kế hoạch cải cách này còn bao gồm gói trợ cấp hào phóng của chính phủ nhằm nâng cấp trang trại và cơ sở hạ tầng, bên cạnh giảm thuế để khuyến khích đầu tư thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp.

CAO LỰC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nong-nghiep-nong-dan-thong-minh-dong-nam-a-hoc-tu-israel-20211214200220096.htm