Nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu thu về 70 tỷ USD xuất khẩu
Trước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam nhưng Bộ Nông nghiệp và Môi trường vẫn quyết tâm tăng trưởng ngành năm nay đạt trên 4% và phấn đấu thu về 70 tỉ USD từ xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành kế hoạch hành động và mục tiêu phát triển của ngành năm 2025.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề ra mục tiêu, mục tiêu tăng trưởng cả năm nay giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4% trở lên. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 đạt 65 tỉ USD (cao hơn năm trước 2,5 tỉ USD), phấn đấu đạt 70 tỉ USD.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã giao chỉ tiêu cho từng nhóm ngành hàng cụ thể.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, quan điểm của Bộ là thống nhất từ tư duy đến hành động trong Bộ và toàn ngành, cùng nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành và tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025 được Chính phủ giao.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng tới mở cửa các thị trường nhiều tiềm năng như thị trường thực phẩm Halal của các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi...
Kế hoạch hành động được xác định phải rõ ràng, cụ thể, khả thi, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá; việc phân công nhiệm vụ bảo đảm 5 rõ: "Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian hoàn thành".
Một trong 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt ra để hoàn thành mục tiêu đề ra là thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đối với thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như thị trường thực phẩm Halal của các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi... với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc.
"Xây dựng báo cáo thị trường xuất khẩu nông sản, giải pháp ứng phó đối với những thay đổi liên quan đến thuế, xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật… tại các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu 'Nông sản Việt' đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam trên thị trường thế giới. Nghiên cứu xây dựng nghị định về thương hiệu nông sản", Bộ Nông nghiệp và Môi trường đưa ra giải pháp.
Đối với thị trường trong nước, bộ này cho biết sẽ có lộ trình, phương án giải pháp rõ ràng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa đối với những sản phẩm có tính thời vụ cao như rau, hoa, quả.
Có giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng sẽ có chính sách hỗ trợ bảo đảm cho người dân yên tâm sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh trong trường hợp thị trường biến động, nhất là đối với một số thị trường có nguy cơ không tăng trưởng cao năm 2024 như lúa gạo, một số loại trái cây.
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp đầu tư kho bãi và hệ thống logistics để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản.