Nông nghiệp Việt Nam: Gìn giữ văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới

Qua hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Chương trình đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Song trong quá trình thực hiện đó cũng đã bộc lộ một số hạn chế về tính hiệu quả của các hoạt động văn hóa cũng như chưa huy động được tối đa nguồn lực văn hóa truyền thống trong phát triển nông thôn theo mục tiêu của Chương trình.

Hơn 50 năm chứng kiến sự đổi thay của buôn làng, ông Y Bhem cho biết, chương trình nông thôn mới đã giúp các buôn làng trở nên hiện đại, văn minh hơn. Với hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, xã nông thôn mới Hòa Xuân đã có đường sá, giao thông thuận tiện. Đời sống người dân được nâng cao. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cũng phai nhạt đi. Giờ đây, thay vì ở nhà sàn, họ sẽ lựa chọn nhà xây vì tính tiện dụng, bền, giá thành phù hợp.

Tính đến cuối năm 2021, Đắk Lắk có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, chương trình nông thôn mới đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự du nhập, giao thoa tinh hoa văn hóa giữa các dân tộc. Thế nhưng, không gian sinh sống của người đồng bào dân tộc thiểu số đã dần thay đổi, thu hẹp. Bức tranh buôn làng người Ê Đê có nhà sàn, cồng chiêng, bến nước đã dần biến mất. Việc gìn giữ còn hạn chế khi lớp trẻ dần dần rời xa nông thôn.

Quá trình đô thị hóa, hội nhập sâu rộng diễn ra là điều tất yếu. Trong đó, văn hóa nông thôn tại Tây Nguyên nói riêng và nước ta nói chung đang chịu tác động tích cực và tiêu cực từ quá trình phát triển này. Để bức tranh văn hóa nông thôn, khung cảnh buôn làng được gìn giữ, rất cần có giải pháp và sự chung tay của toàn xã hội để bảo tồn những nét đẹp của các dân tộc vì một khi văn hóa mất đi, rất khó để hồi sinh.

Thực hiện : Hà Lan

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nong-nghiep-viet-nam-gin-giu-van-hoa-truyen-thong-trong-xay-dung-nong-thon-moi