Nông nghiệp xứ Tuyên vượt 'vũ môn' sau bão lũ
Năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh ước đạt trên 11.330 tỷ đồng, tăng trên 4,8% so với năm 2023.
Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã vượt qua nhiều khó khăn với những thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra. Cùng với nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, ngành nông nghiệp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục hậu quả sau bão lũ.
Đến nay, sản xuất phát triển nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đưa nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ lực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
*Vực dậy sau bão lũ
Theo ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, hoàn lưu cơn bão số 3 đã khiến ngành nông nghiệp tỉnh thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại, ngành đã phối hợp với các địa phương khẩn trương hỗ trợ, giúp đỡ, chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân huy động tối đa các nguồn lực để khôi phục sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các diện tích lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tái sản xuất khi các điều kiện đảm bảo; chuẩn bị các giống cây trồng, vật nuôi phục vụ bà con nông dân.
Tại xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, ngay sau khi lũ rút, việc xử lý, phục hồi hơn 360 ha bưởi bị thiệt hại đã được chính quyền và bà con nhân dân khẩn trương thực hiện. Ông Lê Hồng Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, nước rút đến đâu người dân chủ động bơm nước rửa lá và quả bưởi đến đó; đồng thời xử lý môi trường, phun khử trùng, chống lại toàn bộ cành cây, bổ sung chất dinh dưỡng để cây tiếp tục có sức nuôi quả và sinh rễ thay thế.
Còn tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương, hơn 200 ha rừng keo, bạch đàn từ 1 - 5 năm tuổi bị đổ, gãy cũng nhanh chóng được xử lý. Theo đó, đơn vị tập trung dựng lại cây và buộc cọc chống đỡ diện tích bạch đàn từ 1 - 2 năm tuổi; còn hơn 120 ha cây từ 4 - 5 năm tuổi được tận thu sớm và tiến hành trồng mới. Hiện tại, cây trồng mới phát triển tốt, diện tích keo non bị nghiêng, đổ đã phục hồi nhanh chóng và phát triển bình thường.
Từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã chỉ đạo chung tay khắc phục, nhất là ý chí và nghị lực của người dân, ngành nông nghiệp Tuyên Quang đã được tái thiết đúng nhịp độ và kế hoạch đề ra.
*Nhiều mục tiêu cán đích
Năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh ước đạt trên 11.330 tỷ đồng, tăng trên 4,8% so với năm 2023; trồng trên 11.600 ha rừng, đạt 110,5% kế hoạch; sản lượng lương thực đạt trên 330.000 tấn; diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tiếp tục mở rộng với trên 4.000 ha cây cam, chè, bưởi; cấp 29 mã số vùng trồng…
Toàn tỉnh cũng xây dựng được 32 chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn; 107 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 4 sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý…
*Hướng tới Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong ba lĩnh vực đột phá.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang khẳng định, tỉnh tập trung đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, mở rộng diện tích cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi; quản lý chặt chẽ việc khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; sản xuất, kinh doanh giống thủy sản.
Trước mắt, hoàn thiện Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm sản xuất và chế biến gỗ; chủ động các giải pháp tăng trưởng chỉ tiêu kế hoạch lâm nghiệp; mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC; nâng cao năng lực của lực lượng kiểm lâm, củng cố các chốt, trạm, làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên rừng.
Đồng thởi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, giới thiệu và quảng bá sản phẩm.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nong-nghiep-xu-tuyen-vuot-vu-mon-sau-bao-lu/357028.html