Thương hiệu tích cực, tiêu dùng bền vững
Theo nghiên cứu Consumer Outlook and Expectation 2024 tại Việt Nam từ NielsenIQ, 16% người tiêu dùng Việt coi tương lai bền vững là một trong những yếu tố quan trọng trong lối sống và các quyết định tiêu dùng của họ trong các ưu tiên dài hạn...
Xu hướng bền vững đang ngày càng phát triển và dần trở thành một phần không thể thiếu trong tư duy của người tiêu dùng hiện đại, khi mà sự kết nối giữa sức khỏe cá nhân và môi trường sống ngày càng rõ ràng. Theo NielsenIQ, 24% người tiêu dùng hiện đang chú trọng đến lối sống bền vững trong những kế hoạch ngắn hạn.
Trong số các ưu tiên cá nhân ngắn hạn, 82% người tiêu dùng Việt Nam đang tập trung vào việc cải thiện sức khỏe thể chất và hạnh phúc, điều này đồng nghĩa với việc họ không chỉ quan tâm đến việc chăm sóc bản thân mà còn lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ có lợi cho sức khỏe và môi trường.
Người tiêu dùng cũng đang bắt đầu chuyển dịch từ quan tâm cá nhân sang những vấn đề mang tính cộng đồng, trong đó tương lai bền vững đóng vai trò chủ chốt. Nếu như trước đây phần lớn người tiêu dùng chỉ quan tâm đến các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cá nhân như sức khỏe, tài chính, thì giờ đây họ đang bắt đầu nhìn nhận tầm quan trọng của các yếu tố bên ngoài như gia tăng trải nghiệm mua sắm, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
Số liệu khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy nhu cầu tiêu dùng xanh tại Việt Nam tăng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021 - 2023. Hơn 72% số người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm xanh, thể hiện nhận thức và quan tâm của người tiêu dùng với việc bảo vệ sức khỏe, môi trường ngày càng gia tăng. Người tiêu dùng đang dần quay lưng, hạn chế sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp gây ô nhiễm, sử dụng lãng phí tài nguyên hoặc có tác động tiêu cực đến môi trường, cộng đồng.
KHUYẾN KHÍCH TIÊU DÙNG XANH
Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã chủ động triển khai các chương trình khuyến khích tiêu dùng xanh như: giảm thiểu nhựa dùng một lần, hạn chế sử dụng túi nilon... thay vào đó là túi giấy hoặc túi tái sử dụng.
Các siêu thị lớn tại Việt Nam cũng khuyến khích người dân tái sử dụng túi, tích điểm cho khách hàng không dùng túi nilon, hoặc sử dụng lá chuối để gói thực phẩm thay vì túi nhựa, đồng thời thay đổi bao bì sản phẩm... Xu hướng này cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thay thế từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, như ống hút làm từ tre hoặc giấy.
Theo nhận định của các chuyên gia, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa theo các tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Tại thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp cũng chọn hướng kinh doanh “xanh, sạch” làm lợi thế cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản công nghệ, trang thiết bị sản xuất để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, giảm phát thải, Net Zero…
Đại diện NielsenIQ Việt Nam cho biết các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi kép hướng đến tương lai bền vững. Một trong những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt là tiếp cận công nghệ cần thiết để triển khai các giải pháp bền vững, dẫn đến việc không thể tận dụng lợi ích từ các đổi mới công nghệ. Thêm vào đó, chi phí sản xuất tăng cao là một rào cản đáng kể; việc áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững thường yêu cầu đầu tư ban đầu lớn, làm tăng chi phí hoạt động.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải đối mặt với phức tạp trong việc nhận diện vấn đề quan trọng; do thiếu nguồn lực và chuyên môn, nhiều doanh nghiệp không thể xác định chính xác đâu là yếu tố cần tập trung để tối ưu hóa hiệu suất bền vững. Mặc dù vậy, với những thương hiệu tích cực, chủ động xanh hóa, việc áp dụng chiến lược sản xuất bền vững đã mang lại những lợi ích kinh doanh đáng kể khi doanh nghiệp không chỉ ghi nhận sự gia tăng lòng trung thành từ khách hàng, mà còn được ủng hộ mạnh mẽ nhờ đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
Trong năm qua, hành vi tiêu dùng tại Việt Nam đang trải qua những thay đổi sâu sắc, khi người tiêu dùng phải thích nghi với các phương thức mua sắm mới để đảm bảo chất lượng cuộc sống mà không vượt quá khả năng tài chính. Trong đó, sự phát triển của công nghệ không chỉ giúp thương mại điện tử trở thành động lực chính, mà còn thúc đẩy các mô hình như mua sắm đa kênh (omnichannel), nơi người tiêu dùng có thể kết hợp giữa mua hàng trực tuyến và tại cửa hàng.
Báo cáo từ AppotaPay chỉ ra 25% người tiêu dùng mua sắm online để dự trữ hàng hóa và 21% mua để đáp ứng nhu cầu ngay lập tức, cho thấy sự kết hợp giữa thương mại điện tử và bán lẻ truyền thống ngày càng quan trọng. Trong bối cảnh đó, đâu là động lực khiến người tiêu dùng trung thành với thương hiệu? Nghiên cứu cho thấy chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định hàng đầu. Gần 70% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thương hiệu nếu phát hiện ra một sản phẩm có chất lượng (độ bền, tính thẩm mỹ, tính bền vững, hiệu suất năng lượng, danh tiếng của thương hiệu) vượt trội hơn.
Bên cạnh đó, những biến đổi trong lối sống, tình hình tài chính và dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng ảnh hưởng đáng kể đến quyết định mua hàng của khách hàng. Việc tạo ra những trải nghiệm khách hàng độc đáo và ý nghĩa đang trở thành yếu tố cạnh tranh quan trọng. Nghiên cứu cho thấy, những hình thức cá nhân hóa như khuyến nghị sản phẩm dựa trên dữ liệu, tiếp thị qua tin nhắn cá nhân và bao bì cá nhân hóa (thiệp cảm ơn) đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Khi được thực hiện một cách tinh tế, các hoạt động này có thể tạo ra cảm giác đặc biệt và thúc đẩy khách hàng tăng cường tương tác với thương hiệu...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 51-2024 phát hành ngày 16/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thuong-hieu-tich-cuc-tieu-dung-ben-vung.htm