Nóng như đổ lửa khi hè về, vì sao điều hòa vẫn là 'của hiếm' ở châu Âu?
Những năm gần đây, châu Âu thường xuyên phải đối mặt với các đợt nắng nóng gay gắt. Thế nhưng, điều khiến không ít du khách và người ngoại quốc ngạc nhiên là việc sử dụng điều hòa lại rất hiếm gặp tại các quốc gia này.
Châu Âu là lục địa có khí hậu ôn hòa, mùa hè thường không dài và nắng không quá gay gắt. Ở nhiều nước Bắc và Tây Âu như Đức, Hà Lan, Anh hay Bỉ, nhiệt độ mùa hè trung bình dao động quanh 25°C, có thể lên cao vài ngày rồi lại dịu xuống.

Trong những năm gần đây, châu Âu thường xuyên đối mặt với nắng nóng khắc nghiệt vào mùa hè. Ảnh: Bloomberg
Chính vì vậy, suốt một thời gian dài, người dân không có nhu cầu lắp điều hòa. Theo thống kê của tờ Le Monde, khoảng 16% hộ gia đình ở Pháp lắp đặt điều hòa, tại Anh là 5%, Đức là 3%. Trong khi ở Mỹ, con số này lên đến hơn 90%.
Bên cạnh yếu tố khí hậu, thói quen sống và quan niệm của người dân châu Âu cũng khiến việc sử dụng điều hòa ít phổ biến. Đa phần, người châu Âu chuộng lối sống gần gũi với thiên nhiên, không quá phụ thuộc vào thiết bị làm mát.
“Người dân châu Âu không có thói quen dùng điều hòa. Họ từng nghĩ đó là thiết bị không cần thiết, cho tới gần đây, khi nhiệt độ mùa hè ngày càng tăng cao”, Brian Motherway, người đứng đầu Văn phòng Hiệu quả năng lượng và chuyển đổi bao trùm thuộc Cơ quan Năng lượng quốc tế, chia sẻ trên CNN.
Nhiều người cho rằng điều hòa không khí không tốt cho sức khỏe, gây khô da, nhức đầu hoặc dễ bị cảm. Thay vì ngồi trong phòng kín, người dân thường tận dụng các công viên, bóng râm, uống nước mát hoặc đi bơi để giải nhiệt.

Người dân châu Âu thích các hoạt động thư giãn ngoài trời. Ảnh: EPS Amsterdam
Ở các thành phố như Amsterdam (Hà Lan) hay Copenhagen (Đan Mạch), vào mùa hè, du khách dễ bắt gặp hình ảnh người dân ngồi thư giãn ngoài hiên nhà hay dưới bóng cây, thay vì "trốn" nóng bằng thiết bị làm mát nhân tạo.
Một lý do thực tế khác là chi phí sử dụng điện ở châu Âu rất cao. Trong bối cảnh giá năng lượng leo thang, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022, nhiều gia đình hạn chế tối đa việc dùng thiết bị điện, trong đó có máy lạnh.
Theo Eurostat, giá điện tại Đức và Đan Mạch nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Chi phí lắp đặt và vận hành điều hòa bị cho là không tương xứng với thời gian sử dụng ngắn, nên người dân sử dụng quạt đá, túi chườm lạnh,... để đối phó với nắng nóng.

Ảnh: Euronews
Một yếu tố khác ảnh hưởng tới việc sử dụng điều hòa là kiến trúc của các ngôi nhà.
Ở Nam Âu, nơi có khí hậu nóng hơn, nhiều ngôi nhà được xây dựng để thích nghi với thời tiết. Tường dày, cửa sổ nhỏ giúp ngăn ánh nắng chiếu trực tiếp vào nhà, đồng thời thiết kế thông gió được tối ưu hóa để không khí lưu thông.
Những đặc điểm này giúp nhà mát mẻ hơn mà không cần đến điều hòa nên người dân cũng không thực sự quan tâm tới các thiết bị làm mát nhân tạo.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi khác thuộc châu Âu, nhà ở không được thiết kế để đối phó với nắng nóng. “Chúng tôi không có thói quen nghĩ đến chuyện chống chọi với cái nóng của mùa hè. Đó thật sự là một điều khá mới mẻ”. ông Brian Motherway chia sẻ.
Nhà cửa ở châu Âu thường khá cũ, được xây dựng từ trước khi công nghệ điều hòa không khí trở nên phổ biến. Tại Anh, nơi vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từng ghi nhận, thì cứ 1 trong 6 ngôi nhà là được xây từ trước năm 1900.
"Lắp hệ thống làm mát trung tâm cho những ngôi nhà cổ như vậy tương đối phức tạp, nhưng không phải là không thể làm được", ông Motherway nói thêm.

Ảnh: CNBC
Đôi khi, trở ngại lớn hơn lại đến từ các thủ tục hành chính.
Theo ông Richard Salmon, giám đốc một công ty điều hòa không khí tại Anh, chính quyền thường từ chối cấp phép lắp đặt điều hòa chỉ vì lý do thẩm mỹ, đặc biệt là trong các khu vực bảo tồn hoặc có những công trình thuộc diện được bảo vệ.
Ngoài ra, những năm gần đây, châu Âu đã cam kết đạt mục tiêu “trung hòa carbon” vào năm 2050 và việc sử dụng điều hòa gia tăng mạnh có thể khiến việc giữ lời hứa này trở nên khó khăn hơn.
Máy điều hòa không chỉ tiêu tốn nhiều điện mà còn đẩy hơi nóng ra ngoài, góp phần làm tăng nhiệt độ không khí bên ngoài.
Một nghiên cứu tại Paris (Pháp) còn cho thấy, việc sử dụng điều hòa có thể khiến nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 2-4 độ C. Tác động này đặc biệt nghiêm trọng trong các thành phố ở châu Âu vốn có mật độ dân cư dày đặc.
Một số quốc gia ở châu Âu đã áp dụng các biện pháp hạn chế việc sử dụng điều hòa. Năm 2022, Tây Ban Nha ban hành quy định yêu cầu các nơi công cộng không được để nhiệt độ điều hòa dưới 27 độ C nhằm tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, quan điểm và mối quan tâm xung quanh vấn đề sử dụng điều hòa ở châu Âu đang dần thay đổi, nhất là khi lục địa này trở thành “điểm nóng khí hậu” – nơi đang ấm lên với tốc độ gấp đôi phần còn lại của thế giới.

Ảnh: Smithsonian Magazine
Châu Âu đang đứng trước một lựa chọn khó khăn: Hoặc chấp nhận sử dụng rộng rãi điều hòa hoặc phải tìm ra cách thích nghi với tương lai ngày càng oi bức.
“Nhà ở của chúng ta cần được thiết kế để chống chọi không chỉ với cái lạnh, mà còn với cái nóng ngày càng gay gắt”, bà Yetunde Abdul, Giám đốc Hội đồng Công trình xanh của Anh nhận định.
Trên thực tế, nhu cầu sử dụng điều hòa ở châu Âu đang tăng nhanh. Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán số lượng máy điều hòa tại các nước thuộc Liên minh châu Âu có thể đạt tới 275 triệu chiếc vào năm 2050.
Salmon cho biết ông đã chứng kiến nhu cầu tăng vọt trong những năm gần đây. “Chỉ trong 5 năm qua, số lượng khách hàng cá nhân hỏi lắp điều hòa đã tăng gấp 3 lần. Riêng đợt nắng nóng lần này thì mọi thứ tăng phi mã.
Chẳng ai có thể sinh hoạt, nghỉ ngơi bình thường khi tới 3 giờ sáng, không khí bên ngoài vẫn nóng hầm hập”, ông nói.