NÓNG: Những cơ sở kinh doanh nào được hoạt động lại ở Hà Nội từ 12 giờ 16-9?
Từ 12 giờ 16-9, các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3-9-2021 của Chủ tịch UBND TP) được hoạt động một số cơ sở kinh doanh.
Chiều 15-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký văn bản hỏa tốc về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Theo đó, từ 12 giờ ngày 16-9, đối với các địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3-9-2021 của Chủ tịch UBND TP) được hoạt động một số cơ sở kinh doanh, cụ thể như sau: Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.
Đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ: Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với nhân viên; thực hiện 5K, quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp. Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng. chống dịch Covid-19 theo quy định.
Giao Sở Y tế Chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan, bám sát chỉ đạo của Trung ương và TP, xây dựng hướng dẫn triển khai các tiêu chí, điều kiện, biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc phải kiểm soát được dịch bệnh, độ bao phủ vắc-xin, ý thức chấp hành của người dân... và liên tục theo dõi, đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.
Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng quét mã QR cho toàn bộ người dân, các nhà hàng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị... trên địa bàn TP; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực của TP.
Giao UBND các quận, huyện, thị xã thống nhất nguyên tắc, tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch trong các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, kinh doanh, đảm bảo sinh kế của người dân; thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không tuân thủ quy định công tác phòng, chống dịch của TP. Chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức triển khai các trạm y tế lưu động trên địa bàn theo nguyên tắc nêu trên, thống kê đối tượng bệnh nền, đối tượng nguy cơ và địa điểm nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn.
UBND thành phố giao các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý khẩn trương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện sau thời gian giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh để báo cáo, đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ngày 21-9-2021; gửi báo cáo UBND thành phố (đồng thời gửi Sở Y tế) chậm nhất trong ngày 17-9-2021. Sở Y tế chủ trì tổng hợp ý kiến các đơn vị, tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND TP trước ngày 18-9-2021 để xem xét, ban hành chỉ thị về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP trong giai đoạn mới.