Tượng Nhân sư ở Giza là một trong những kiến trúc cổ nổi tiếng nhất Ai Cập. Mỗi năm, hàng triệu du khách trong và ngoài nước ghé thăm quốc gia này đều khó có thể bỏ qua bức tượng thân sư tử và đầu một người đàn ông.
Mới đây, ông Reda Abdel Halim (trong ảnh), Giám đốc quan hệ công chúng của khu kim tự tháp Giza thuộc Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, gây xôn xao dư luận khi tuyên bố đã phát hiện một bức tượng mới tương tự như tượng Nhân sư ở Giza.
Ông Reda cho biết bức tượng Nhân sư mà ông phát hiện cao 73m, phần đầu rộng 20,5m.
Để củng cố thông tin về phát hiện trên, ông Reda nói thêm rằng, nghiên cứu khoa học của các chuyên gia tại Đại học Zagazig đã xác nhận sự tồn tại của bức tượng Nhân sư mới.
Trước thông tin của ông Reda, nhiều chuyên gia, nhà khảo cổ cho rằng đó là "điều không thể tin được". Trong số những người không tin vào việc tồn tại tượng Nhân sư thứ hai có Zahi Hawass - cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập.
Ông Hawass cho biết: "Tượng Nhân sư ở Giza là duy nhất ở Ai Cập cũng như trên thế giới. Mọi lời bàn tán về việc khám phá ra những bức tượng tương tự khác đều vô căn cứ và chỉ có một mục đích duy nhất, đó là thu hút chú ý trên các phương tiện truyền thông".
Theo ông Hawass, trong suốt nhiều năm qua, ông cùng nhiều nhà khảo cổ thực hiện các dự án tại khu vực đại kim tự tháp Giza và không phát hiện bất cứ bức tượng nào khác ngoài tượng Nhân sư mà công chúng biết đến suốt nhiều thế kỷ qua.
Có chung quan điểm với ông Hawass, Giáo sư Mohammed Hamza, chủ nhiệm khoa khảo cổ tại Đại học Cairo cho hay tuyên bố về việc phát hiện tượng Nhân sư thứ hai là điều vô căn cứ.
Thậm chí, một số chuyên gia khác cho rằng, thông tin về tượng Nhân sư thứ hai có thể chỉ là một trò lừa bịp nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng.
Nhiều người nhận định nếu thực sự tìm thấy tượng Nhân sư thứ hai thì ông Reda sẽ phải cung cấp được những bằng chứng chắc chắn như ảnh chụp bức tượng, vị trí phát hiện... thay vì chỉ nói suông.
Mời độc giả xem video: Ai Cập mở nắp quan tài chứa xác ướp người phụ nữ còn nguyên vẹn suốt 3000 năm. Nguồn: VTV24.
Tâm Anh (theo Ancient-origins)