Nông sản chất lượng cao thì xuất đi nước nào cũng được

Việt Nam-EU đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), trước đó Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực. Vậy hai hiệp định này mở ra những cơ hội nào cho nông sản Việt Nam và thách thức là gì? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường về chủ đề này.

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: NGHINH XUÂN

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: NGHINH XUÂN

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) và Hiệp định CPTPP mang lại cơ hội cụ thể ra sao cho ngành nông nghiệp Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đây là hai hiệp định thương mại tự do (FTA) ở trình độ cao hơn, với độ cam kết toàn diện hơn so với 12 hiệp định thương mại tự do đã ký trước đó. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Thậm chí thách thức được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Bởi vì, thị trường của các nước tham gia hiệp định EVFTA và CPTPP có tổng quy mô dân số gần một tỷ người, chiếm hơn 30% GDP của thế giới, hơn 35% thương mại thế giới. Phần lớn các quốc gia tham gia hai hiệp định này có thu nhập bình quân đầu người, trình độ quản lý và trình độ kinh tế đều rất cao. Vì thế, chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi mà trong đó, chúng ta có trình độ phát triển chưa bằng các nước bạn. Những quốc gia này có tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa rất tốt, ví dụ: Canada, Australia, Newzealand. Nông sản của họ vừa có thế mạnh về khoa học-công nghệ, vừa có thế mạnh về tài nguyên tự nhiên (diện tích canh tác) mà chúng ta phải chấp nhận sự cạnh tranh bình đẳng đó.

Tuy nhiên, nhìn ở những khía cạnh khác chúng ta cũng có nhiều cơ hội. Qua thực hiện 12 FTA, chúng tôi đánh giá khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam nói chung, trong đó có nông nghiệp là khá tốt. Càng khó chúng ta càng quyết tâm và thích ứng được. Đó là điều cần phải khẳng định để tạo niềm tin.

Trên thực tế, năm 2018 xuất khẩu nông sản đạt hơn 40 tỷ USD, đi thị trường 192 quốc gia và vùng lãnh thổ, chứng tỏ rằng Việt Nam có những ngành hàng mũi nhọn mà chúng ta chiến thắng được. Muốn vậy, Chính phủ, doanh nghiệp, nông dân cần đồng hành và đều phải cố gắng cao nhất, tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh, chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, thương mại, đồng bộ giữa các ngành hàng.

 Thu hoạch chôm chôm tại huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: NGHINH XUÂN

Thu hoạch chôm chôm tại huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: NGHINH XUÂN

PV: Điều quan trọng của các hiệp định là vấn đề giải quyết phát sinh tranh chấp, chẳng hạn như với mặt hàng tôm và cá tra. Vậy chúng ta sẽ giải quyết bài toán này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Một trong những khâu yếu của chúng ta trong thời gian qua là đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng hội nhập, trong đó có lực lượng làm công tác tư pháp. Việc chủ động đấu tranh, bênh vực, bảo vệ quyền lợi của ngành hàng, sản phẩm một cách chính đáng, hợp pháp còn yếu. Thời gian tới, chúng ta phải tập trung đào tạo để có thể chủ động tham gia quá trình kiện tụng, tranh chấp, bảo đảm tính minh bạch, bênh vực, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người nông dân, sản phẩm nông sản cũng như có khả năng cảnh báo để doanh nghiệp, người nông dân của chúng ta không rơi vào những hoàn cảnh như vậy.

PV: Khi thực thi các hiệp định này, Bộ trưởng có lo ngại điều gì?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nói chung ngành nông nghiệp có rất nhiều cái lo. Nhưng 3 cái lo lớn nhất là sản xuất vẫn manh mún, 8,6 triệu hộ nông dân chỉ có 10 triệu héc-ta đất canh tác mà phải cạnh tranh với những quốc gia có tài nguyên đất mênh mông. Song buộc chúng ta phải làm bằng cách vận động các hộ nông dân vào hợp tác xã, liên kết doanh nghiệp-nông dân. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, 3 năm gần đây, năm sau khắc nghiệt hơn năm trước, cũng là thách thức lớn với chúng ta. Hơn nữa, thời gian hội nhập, đổi mới của đất nước chúng ta ngắn so với các nước, phải đi cạnh tranh với các nước đã có bề dày kinh tế, tiềm lực, đã hoàn thiện thể chế, trong khi chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện thể chế, điều này cũng phát sinh bất lợi.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xác định niềm tin. Đến thời điểm này, hội nhập chúng ta đã chiến thắng bước đầu. Bây giờ vẫn phải xác định mục tiêu chiến thắng, nhưng chúng ta sẽ phải đổ mồ hôi nhiều hơn. Đặc biệt cần sự đồng hành của cả Chính phủ, doanh nghiệp và nông dân thì tin rằng chúng ta sẽ giành chiến thắng.

PV: Trong quá trình hội nhập, các nước đều sử dụng hàng rào kỹ thuật, phi thuế quan để bảo vệ người tiêu dùng. Chúng ta tính toán việc này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Cần khẳng định: Không có nước nào không quan tâm đến hàng rào kỹ thuật để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng trong nước. Nhưng chúng ta phải làm trên một tinh thần minh bạch, bình đẳng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Doanh nghiệp phải coi gần 100 triệu dân ở thị trường trong nước như thị trường xuất khẩu. Nông sản bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng trước hết phải ưu tiên phục vụ thị trường nội địa. Nông sản phục vụ trong nước cũng như xuất khẩu đều phải bảo đảm chất lượng với tiêu chuẩn cao. Khi đã đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng cao thì nông sản của chúng ta xuất khẩu đi nước nào cũng được.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nong-san-chat-luong-cao-thi-xuat-di-nuoc-nao-cung-duoc-598253