Nông sản Đơn Dương vẫn đảm bảo cung cấp cho thị trường một sản lượng lớn

Dù là địa phương có ca nhiễm Covid-19, mọi sự ra vào ở các cửa ngõ, tại các vùng có dịch đều đang được kiểm soát rất chặt chẽ, nhưng người trồng rau Đơn Dương vẫn yên tâm sản xuất, ổn định đầu ra, đảm bảo một lượng lớn rau, củ cho thị trường trong tỉnh, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S kiểm tra thực tế tại chốt kiểm dịch tại thị trấn Dran

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S kiểm tra thực tế tại chốt kiểm dịch tại thị trấn Dran

Là vựa rau của Lâm Đồng và cũng là huyện có ca nhiễm Covid-19, tuy nhiên đời sống sản xuất nông nghiệp của người nông dân tại đây vẫn được duy trì theo nhịp độ thường nhật. Tại các cánh đồng rau, các điểm thu mua, các điểm tập kết nông sản, đều được người dân thực hiện theo đúng với quy định chặt chẽ của công tác phòng, chống dịch.

Chị Nguyễn Xuân Thanh – Thôn Quảng Tâm (xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương) vẫn ra đồng hàng ngày để làm đất chuẩn bị xuống giống cho vụ tiếp theo. Trước đó, một sản lượng lớn đậu que và xà lách đã được gia đình chị xuất cho thương lái thu mua theo đúng với hợp đồng. Vụ này, trên diện tích 5 sào, theo đúng với khuyến nghị của chính quyền địa phương, gia đình chị tiếp tục trồng các loại rau ngắn ngày để sớm thu hoạch, có thể đều đặn cung cấp cho thị trường.

Ông Dương Đức Đại – Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: “Hiện nay, sản lượng rau, củ đi tiêu thụ trên địa bàn huyện hàng ngày từ 1.600 tấn đến 1.800 tấn; trong đó, số lượng nông sản tiêu thụ qua 230 cơ sở thu mua, cung ứng rau, củ, quả các loại trên địa bàn huyện trung bình khoảng 1.100 tấn/ngày, tương ứng với diện tích thu hoạch 33 ha/ngày. Số lượng nông sản tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ chiếm trên 60%, còn lại tiêu thụ ở các tỉnh và thành phố khác”.

Người dân Đơn Dương vẫn yên tâm ra đồng sản xuất

Người dân Đơn Dương vẫn yên tâm ra đồng sản xuất

Tại các xã có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn như Lạc Lâm, thị trấn Thạnh Mỹ, Ka Đô, Pró…, các cơ sở thu mua đều nhập hàng hàng ngày với sản lượng lớn, từ 90 đến 430 tấn rau, củ các loại. Các mặt hàng được thị trường ưa chuộng trong thời điểm này, bao gồm: Cà chua, cải thảo, cải bắp, đậu leo, xà lách, bí, bầu, cải dưa, su su, hành tây, ớt ngọt và cà tím chiếm một sản lượng lớn. Các mặt hàng còn lại chỉ chiếm khoảng gần 15 tấn/ngày.

Công tác phòng chống, kiểm soát dịch tại Đơn Dương cũng được bảo đảm với mức độ cao và duy trì 24/24 giờ. Ngoài chốt kiểm soát tại khu vực Eo Gió – thị trấn Dran, huyện còn thành lập thêm 7 chốt tại các cửa ngõ và các vùng có dịch. Bên cạnh khu cách ly tập trung là Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Trường DTNT huyện với tổng số 60 giường, huyện cũng đã thành lập thêm hai khu cách ly tập trung mới tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (thị trấn Thạnh Mỹ) và Trường Mẫu giáo Sao Sáng tại thôn Lạc Thạnh, xã Lạc lâm với tổng số 130 giường. Đảm bảo được các yêu cầu tốt nhất ở mức có thể cho người đến đây cách ly.

Để đảm bảo tốt cho hàng hóa lưu thông, theo ông Nguyễn Đình Tịnh – Phó Chủ tịch UBND huyện: “Đơn Dương đã triển khai khu lưu trú tập trung cho các lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa đường dài tại Khu công nghiệp Ka Đô. Thành lập 2 chốt kiểm tra gồm công an, quân sự, y tế và lực lượng trực chiến với đầy đủ các thành phần của 2 xã Ka Đô, Quảng Lập để quản lý, phân luồng, hướng dẫn nơi đậu xe theo khu vực. Nhân viên y tế có trách nhiệm đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm test nhanh Covid-19 cho lái xe và phụ xe... Huyện cũng đã bố trí nhà nghỉ Hồng Liên, Đà Lạt quán tại xã Ka Đô và nhà nghỉ Hoàng Hôn tại xã Quảng Lập để làm nơi ăn nghỉ cho lái xe và phụ xe. Với việc thu mua, tập kết hàng hóa, huyện cũng chỉ đạo cho các cơ sở, cần tập trung vào những điểm cố định, tránh việc đi lại trên phạm vi rộng, để có thể dễ dàng kiểm soát”.

Tại buổi làm việc gần đây với lãnh đạo huyện Đơn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh, cũng như đảm bảo đời sống, kế hoạch sản xuất của chính quyền và Nhân dân trong huyện. Theo đồng chí Phạm S, Đơn Dương là một trong những vùng trồng rau lớn của tỉnh, đang tổ chức thực hiện rất tốt kế hoạch sản xuất do tỉnh đề ra. Đảm bảo được lượng lớn nông sản cung ứng đều đặn cho thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, trước tình hình Covid-19 diễn ra căng thẳng và phức tạp, tỉnh Lâm Đồng đã lên kế hoạch sản xuất và tổ chức cung ứng; đồng thời, giao cho các ngành chức năng và địa phương với những yêu cầu đặt ra chặt chẽ và đòi hỏi cao hơn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống kê cụ thể, cứ một ngày tỉnh Lâm Đồng sẽ xuất ra thị trường từ 6.200 đến 6.800 tấn; trong đó, đi TP Hồ Chí Minh là 4.500 tấn, các tỉnh phía Nam là 1.500 tấn và thị trường trong tỉnh là khoảng trên 500 tấn, theo đó, sản xuất đã đạt được yêu cầu đề ra. Trong các nhóm rau ăn lá, củ quả, tỉnh cũng đã xác định rất cụ thể và giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, đặc biệt là địa bàn TP Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà tập trung chuyển đổi mạnh, tăng tỷ trọng sang các nhóm rau ăn lá ngắn ngày; đồng thời, chăm sóc tốt các nhóm rau củ, quả. Đặc biệt, ngành nông nghiệp và các địa phương cũng cần chủ động, sát sao theo dõi thị trường, từ đó lên kế hoạch sản xuất. Sở Công thương cần liên tục kết nối với ngành công thương của các tỉnh để tìm nguồn cung ứng lớn, qua đó có thể đảm bảo được kế hoạch sản xuất, ổn định đời sống cho người dân và không làm đứt gãy nhiệm vụ phát triển kinh tế của từng địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung”.

LINH ĐAN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202107/nong-san-don-duong-van-dam-bao-cung-cap-cho-thi-truong-mot-san-luong-lon-3068608/