Nông sản HTX mở đường vào chuỗi bán lẻ hiện đại

Dù đã có những bước tiến dài, tuy nhiên để nông sản HTX tiếp cận sâu hơn vào các chuỗi bán lẻ hiện đại, những siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch hàng đầu cần cái bắt tay của cả 'ba bên', từ người sản xuất, đơn vị tiêu thụ và sự kết nối từ phía các sở, ngành liên quan.

Thời gian qua, chị Bùi Thị Nhung, phường An Phú, quận Ninh Kiều, rất ấn tượng khi thấy sản phẩm rau củ quả sạch của các HTX tại TP Cần Thơ đã có mặt tại Siêu thị GO! Cần Thơ.

“Ghi điểm” với người tiêu dùng

Chị Nhung chia sẻ, trên kệ hàng của siêu thị hiện tại có vô số kể các sản phẩm đến từ nhiều đơn vị sản xuất khác nhau, nhưng sản phẩm của HTX ngày càng được chú ý hơn nhờ bao bì đóng gói đẹp, hợp vệ sinh, bảo quản lâu dài, và quan trọng nhất là chất lượng rất tốt.

Khảo sát cho thấy, tại siêu thị GO! Cần Thơ đang có sản phẩm của nhiều HTX như HTX Nông sản xanh quận Cái Răng, HTX rau Long Tuyền quận Bình Thủy, trái cây của HTX Thuận Phát huyện Thới Lai, chả cá của HTX Nhất Tâm… được bày bán và rất “được lòng” người tiêu dùng.

Để tiến sâu hơn vào chuỗi bán lẻ lớn trong và ngoài nước, HTX cần phát huy nội lực, đồng thời có sự hỗ trợ tốt hơn.

Để tiến sâu hơn vào chuỗi bán lẻ lớn trong và ngoài nước, HTX cần phát huy nội lực, đồng thời có sự hỗ trợ tốt hơn.

Ông Nguyễn Ðại Giao, Giám đốc HTX Thuận Phát (huyện Thới Lai), cho biết hiện HTX là nhà cung cấp của nhiều siêu thị tại TP Cần Thơ. Buôn bán với siêu thị có lợi hơn nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo chất lượng cao hơn, nguồn cung ổn định và giá cả theo đúng thỏa thuận.

Tương tự, nhiều mặt hàng nông sản của các HTX tại Đồng Nai thời gian qua cũng lấn sâu hơn vào các chuỗi bán lẻ hiện đại. Tại các siêu thị Co.opmart Biên Hòa, Big C Tân Hiệp, người tiêu dùng có thể thấy các sản phẩm của HTX được trưng bày ở khu vực "mặt tiền", quầy thanh toán…

Điển hình, HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) hiện đang có 19 sản phẩm chế biến từ sen đạt chứng nhận OCOP, trong đó 11 sản phẩm đạt OCOP 4 sao của tỉnh. Nhờ chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX đã thành công mở cửa vào hầu hết các đại siêu thị trên địa bàn tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Không chỉ ở phía Nam, tại miền Bắc, nông sản HTX đang ngày càng có nhiều cơ hội hơn để lên kệ siêu thị lớn. Như ở Vĩnh Phúc, đã có hàng loạt đơn vị như HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh, HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc… có thể đưa sản phẩm của mình vào tiêu thụ tại các cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị Go!, Aeon, Winmart, Co.opmart…, qua đó mở rộng thị trường, gia tăng thu nhập cho thành viên.

Phá những “hòn đá tảng”

Dù đang có những thành công tích cực trong việc “ghi điểm” với người tiêu dùng tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại, song thực tế cho thấy việc tiếp cận với các đại siêu thị vẫn là “bài toán” không dễ giải với cả HTX và doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn các tỉnh, thành toàn quốc.

Điển hình như HTX Sản xuất rau an toàn Thanh Hà (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Với diện tích sản xuất hơn 6ha, mỗi ngày, HTX cung ứng ra thị trường trên 3 tấn rau su su an toàn. Tuy nhiên, lượng sản phẩm được cung cấp vào siêu thị chỉ dừng ở mức 2 tạ/ngày, số còn lại được tiêu thụ ở các chợ truyền thống hoặc chợ đầu mối.

Nguyên nhân, theo Giám đốc HTX Nhâm Đức Cải: “HTX vẫn phải đắn đo bởi chính sách thu mua nông sản của một số siêu thị có các điều khoản không có lợi cho nhà cung cấp như yêu cầu tỷ lệ chiết khấu cao, phạt vi phạm hợp đồng…”.

Ở góc nhìn của đơn vị tiêu thụ, bà Nguyễn Thu Hương, Giám đốc hệ thống chuỗi siêu thị VitaMart, cho biết đến thời điểm này, VitaMart kết nối được với rất ít HTX tại Hà Nội. Việc liên lạc, kết nối với HTX còn rất khó, có trường hợp siêu thị chủ động liên hệ từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được báo giá!

“Lợi thế của các HTX là có sản phẩm sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX TP Hà Nội giới thiệu với doanh nghiệp, nhưng khâu liên lạc, kết nối gặp rất nhiều bất cập. Đó là chưa kể, sau khi kết nối được, việc báo giá của HTX chưa phù hợp, chưa cụ thể, rõ ràng nên rất khó ký kết hợp đồng”, bà Hương nói.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng các HTX cần chủ động nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối với đối tác. Chẳng hạn như khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cần đưa thêm thông tin về giá, đặc tính của sản phẩm để phía nhà phân phối có thể liên hệ và so sánh, quy chiếu xem giá đó là đã tính đến chi phí vận chuyển hay chưa.

Các HTX cũng cần liên kết để tạo thành chuỗi giá trị rộng lớn. Khi HTX càng lớn thì càng có quyền quyết định giá trị cung cầu trên thị trường, từ đó chủ động trong việc liên doanh, liên kết.

Bên cạnh sự nỗ lực của HTX, để tính chuyện đường dài, việc mở rộng, phát triển các kênh tiêu thụ cho các loại nông sản địa phương đạt được hiệu quả rất cần sự đồng bộ từ cả phía người sản xuất, cung ứng hàng hóa lẫn các đơn vị bán lẻ dưới sự hỗ trợ, kết nối từ phía các sở, ngành liên quan.

Ngoài ra, nông sản của HTX khi vào siêu thị thì tỷ lệ chiết khấu cao, thanh toán gối sóng nên kéo dài thời gian khiến HTX khó thu được tiền để tái đầu tư. Chính vì vậy, các doanh nghiệp lớn, các siêu thị cần xem xét và có những thỏa thuận phù hợp nhằm hỗ trợ HTX trong khâu thanh toán, đảm bảo lợi ích cho cả đôi bên.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/nong-san-htx-mo-duong-vao-chuoi-ban-le-hien-dai-1091800.html