Nông sản hữu cơ cần 'phao cứu sinh'

Trong khi nhiều chủ trang trại và doanh nghiệp tư nhân làm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) còn loay hoay, gặp khó hoặc phải cạnh tranh từ chính thị trường ngách nhỏ hẹp, thì không ít nông dân, doanh nghiệp lại thành công nhờ biết liên kết. Với sự giúp đỡ, hướng dẫn của chính quyền địa phương, các nhà khoa học, họ đã chủ động áp dụng công nghệ mới, sản xuất ra sản phẩm tạo được dấu ấn trên thị trường.

Đặc biệt, trong xu hướng hội nhập toàn cầu, các sản phẩm hữu cơ được chiết xuất hoàn toàn từ tự nhiên mang thương hiệu Việt đang hứa hẹn tiềm năng cho thị trường xuất khẩu.

Ttận dụng từ thế mạnh địa phương

Chia sẻ với phóng viên VnBusines, bà Dương Thị Thu Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Liệu Trương Dương (Thanh Hóa) cho biết, với mong muốn đem lại thu nhập, phát triển kinh tế tại nhiều địa phương, công ty thành lập tháng 8/2020, chuyên sản xuất tinh dầu sả chanh và dược liệu dưới tán rừng.

Đến nay, mỗi một ngày công ty nhập nguyên liệu cho bà con hàng chục tấn lá, bẹ sả. Thu mua với giá ổn định quanh năm. Địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, được bà con ủng hộ, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ nguyên liệu cho bà con. Sản phẩm thương hiệu tinh dầu sả chanh Trương Dương chủ yếu xuất khẩu.

Mỗi năm Công ty CP Dược Liệu Trương Dương (Thanh Hóa) thu mua hàng nghìn tấn lá sả; tạo việc làm và giúp các hộ trồng sả tăng thêm thu nhập, đồng thời hạn chế được việc người dân đốt bỏ lá sả sau thu hoạch.

Mỗi năm Công ty CP Dược Liệu Trương Dương (Thanh Hóa) thu mua hàng nghìn tấn lá sả; tạo việc làm và giúp các hộ trồng sả tăng thêm thu nhập, đồng thời hạn chế được việc người dân đốt bỏ lá sả sau thu hoạch.

“Quy mô xưởng mỗi ngày nấu 10 - 12 tấn sả chanh. Khi vào mùa cao điểm xưởng hoạt động hết công suất có thời điểm đạt 20 tấn lá/ngày đêm. Để đáp ứng yêu cầu nguồn sản phẩm, ngoài vùng nguyên liệu tại tỉnh Thanh Hóa, hiện doanh nghiệp đã mở rộng vùng nguyên liệu, dây chuyền sản xuất ở Bình Phước, Gia lai và Hòa Bình.

Riêng tại xã Thành Minh huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã có 200 ha trồng sả. Trên địa bàn xã có 2 cơ sở sản xuất, mỗi năm thu mua hàng nghìn tấn lá sả; tạo việc làm và giúp các hộ trồng sả tăng thêm thu nhập, đồng thời hạn chế được việc người dân đốt bỏ lá sả sau thu hoạch” – bà Dương chia sẻ.

Theo các chuyên gia, nông nghiệp hữu cơ là quá trình sản xuất nhằm bảo đảm hệ sinh thái bền vững, tạo ra thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt do không sử dụng hóa chất. Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết chính là chìa khóa giúp hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam Đào Thanh Vân cho rằng: "Các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng sẽ giúp giảm chi phí đầu tư đất đai, nhà xưởng, máy móc nên rút ngắn được thời gian hoàn vốn. Thông qua liên kết, doanh nghiệp sẽ kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm thu mua và có nguồn cung ổn định. Các tổ chức, cá nhân khi tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng sẽ bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, giảm rủi ro về giá cả. Bên cạnh đó, người sản xuất tiếp cận tốt hơn với công nghệ sản xuất mới, nguồn tín dụng…".

Đếnphát triển xanh theo hướng nông nghiệp hữu cơ

Không dừng lại ở đó, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp không ngừng nghiên cứu, sản xuất đưa ra thị trường những sản phẩm mới và tự tin tìm đường “xuất ngoại”.

Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Nhà Sáng chế kiêm Đồng Sáng lập công ty cổ phần đầu tư DDA Việt Nam (Canxi hữu cơ từ vỏ trứng gà) cho hay, doanh nghiệp đang hoàn thiện giấy phép Halal để xuất khẩu sản phẩm canxi hữu cơ từ vỏ trứng gà sang Trung Đông.

"Nếu sản phẩm của chúng ta đã đạt tiêu chuẩn trong nước và tuân thủ các quy định của Việt Nam, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, chúng ta hy vọng có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore, và nhiều nước khác” – bà Nguyệt chia sẻ.

Dây chuyền đóng gói sản phẩm canxi hữu cơ từ vỏ trứng gà của Công ty cổ phần đầu tư DDA Việt Nam.

Dây chuyền đóng gói sản phẩm canxi hữu cơ từ vỏ trứng gà của Công ty cổ phần đầu tư DDA Việt Nam.

Được biết, ngoài sản phẩm canxi hữu cơ DDA chiết xuất từ vỏ trứng gà, công ty cũng chuẩn bị đưa ra thị trường sản phẩm kiềm hữu cơ. Đây là sản phẩm được làm từ khoảng 20 loại thảo dược của Việt Nam và quan trọng nhất là sản phẩm tận dụng thân vỏ của các loại quả các loại hạt mà dân Việt Nam mình bỏ đi.

“Điểm đặc biệt tại DDA là các sản phẩm đa số đều tận dụng đồ bỏ đi từ thiên nhiên, như vỏ trứng gà, các loại cây cỏ tự nhiên của Việt Nam như cây hương nhu trắng, vỏ bưởi, cỏ mẫn trầu, râu ngô, lá ngô,... để tạo ra sản phẩm hữu cơ.

Cũng nhờ đó, DN không bị phụ thuộc nguồn nguyên liệu, giúp các sản phẩm có giá thành được giảm tối đa tới người tiêu dùng, đồng thời góp phần xử lý lượng lớn rác thải, bảo vệ môi trường. Hy vọng mỗi tháng DDA sẽ góp phần tiêu thụ tối thiểu 50 tấn vỏ trứng” – bà Nguyệt nói thêm.

Tuy nhiên, cũng theo bà Dương Thị Thu Hiền dù doanh nghiệp không ngại khó, sẵn sàng kết nối tại các địa phương và tự tin đưa ra thị trường các sản phẩm uy tín và chất lượng nhất, nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn gặp tình trạng chung đó là còn loay hoay tìm đầu ra cho “con đẻ” của mình.

“Hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp nói chung cũng như nông nghiệp dược liệu nói riêng vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, câu chuyện tìm đầu ra các sản phẩm nông sản của doanh nghiệp hiện nay đa phần các doanh nghiệp còn nhiều lúng túng và tự phát. Rất mong các cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ về các thủ tục cũng như kết nối để các sản phẩm Việt thực sự tự tin mở rộng thị trường các nước bạn” – bà Hiền bày tỏ.

Ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, đến nay, cả nước có 7.310 nông dân đang tham gia sản xuất hữu cơ, 60 đơn vị kinh doanh và phân phối, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 350 triệu USD/năm. Hiện có 20 đơn vị xuất khẩu rau, quả, cà-phê, gạo, hạt điều, hồ tiêu, đạt sản lượng 260 nghìn tấn/năm với thị trường chính là: Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan…

Tuy nhiên, kết quả trên còn rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam. Đáng chú ý, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN) hiện còn yếu; chi phí đầu tư để sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao hơn nhiều so với nông nghiệp thông thường. Đặc biệt châu Âu hiện đang là thị trường lớn nhập khẩu sản phẩm hữu cơ của Việt Nam, tuy nhiên so với nhu cầu thì nông sản Việt Nam tại thị trường còn rất khiêm tốn.

Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, phát triển xanh theo hướng nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu. Chúng ta cần tăng cường nhận thức và giáo dục cho người nông dân về lợi ích của nông nghiệp hữu cơ, từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm hữu cơ Việt Nam có uy tín, tiếp cận thị trường nội địa và quốc tế.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/nong-san-huu-co-can-phao-cuu-sinh-1101981.html